Nuôi thú cưng ở chung cư: Quyền lợi phải đi kèm trách nhiệm
HNN - Vừa qua, cư dân một khu chung cư tá hỏa khi một bé gái ba tuổi bị chó cào ngay trong thang máy. Người mẹ trẻ hoảng loạn khi nhìn những vết xước dài trên tay con, còn cư dân bức xúc yêu cầu ban quản lý (BQL) nhanh chóng có biện pháp đảm bảo an toàn, xử lý nghiêm các hộ nuôi chó mèo không tuân thủ quy định.

Cần rọ mõm chó khi nuôi ở chung cư
Thực tế, việc nuôi thú cưng tại chung cư đã mang lại không ít phiền toái. Theo quy định, vật nuôi phải được tiêm phòng đầy đủ, đeo rọ mõm khi ra ngoài và chủ nuôi phải dọn sạch chất thải ngay lập tức. Thế nhưng không ít người vẫn phớt lờ, để lại hậu quả là mùi hôi, tiếng ồn và tiềm ẩn nguy cơ tấn công người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, tại Điều 7, quy định phạt từ 300-500 nghìn đồng nếu thả rông chó mèo, từ 1-2 triệu đồng nếu không rọ mõm chó ở nơi công cộng. Tuy nhiên, mức phạt này được cho là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nhiều ý kiến đề xuất BQL cần phối hợp đội bảo vệ, sử dụng hệ thống camera để giám sát, đồng thời công khai danh tính các hộ vi phạm để tránh tái diễn.
Nhiều cư dân cho rằng, các dự án nên quy hoạch khu vực riêng như công viên nhỏ hay góc sân dành cho chó mèo vận động, đi vệ sinh. Ý tưởng xây dựng “block chung cư riêng cho người nuôi thú cưng” cũng được đưa ra, giúp những người yêu động vật có thể tập trung sinh sống, giảm mâu thuẫn với cư dân không muốn tiếp xúc.
Không chỉ cần tuân thủ quy định, cư dân ở chung cư cũng nên cân nhắc lựa chọn giống chó, mèo phù hợp với không gian sống cao tầng. Nhiều chuyên gia thú y khuyến nghị, tại các tòa nhà nhiều hộ, việc nuôi các giống chó nhỏ như Poodle, Chihuahua, Phốc sóc hay Corgi sẽ an toàn, ít gây ồn và dễ kiểm soát hơn. Bản thân các giống chó nhỏ cũng cần được rọ mõm, xích dây khi ra ngoài, nhưng kích thước, tính cách hiền hòa giúp hạn chế rủi ro cho trẻ em và hàng xóm. Các dự án mới cũng nên có thiết kế phù hợp như lối đi riêng, thảm cỏ nhỏ hoặc khu vệ sinh cho thú cưng, giúp cư dân yên tâm hơn khi nuôi các bạn bốn chân ngay trong căn hộ của mình.
Tuy nhiên, mọi quy định chỉ hiệu quả khi đi cùng ý thức cộng đồng. Thực tế, không ít BQL e ngại “mất lòng” nên né tránh xử phạt. Đã có đề xuất áp dụng biện pháp mạnh: Nếu hộ gia đình vi phạm nhiều lần không khắc phục, có thể yêu cầu đưa thú cưng ra khỏi chung cư hoặc chuyển vụ việc lên chính quyền địa phương xử lý theo Nghị định 144.
Ở các nước phát triển, nuôi thú cưng tại chung cư được quản lý rất nghiêm ngặt. Tại Singapore, các khu HDB yêu cầu chó, mèo phải đăng ký, tiêm phòng đầy đủ và chỉ được phép nuôi ở khu vực được cấp phép. Vi phạm có thể bị phạt tới 4.000 SGD (khoảng 70 triệu đồng). Đây là mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo: Kết hợp chế tài mạnh với nâng cao ý thức, đồng thời khuyến khích các chủ đầu tư thiết kế chung cư thân thiện với thú cưng.
Rõ ràng, nuôi chó, mèo là quyền riêng của mỗi gia đình, nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm không làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Để giải quyết bài toán hài hòa lợi ích, cần có những quy định chặt chẽ, không gian phù hợp, chế tài nghiêm cùng sự nâng cao ý thức từ cư dân.