Nuôi tôm ao nổi lót bạt siêu thâm canh đạt lợi nhuận cao

Năm thứ 2, tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh thực hiện thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ao nổi lót bạt siêu thâm canh công nghệ cao, cho sản lượng cao gấp 10 lần so với nuôi bình thường.

Nông dân Trà Vinh mở rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Nông dân Trà Vinh mở rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Năm nay là năm thứ 2, tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh thực hiện thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ao nổi lót bạt siêu thâm canh công nghệ cao, cho sản lượng cao gấp 10 lần so với nuôi tôm công nghiệp bình thường, với năng suất bình quân 33 tấn/ha, lợi nhuận từ 600 – 900 triệu đồng/ha/vụ.
Cụ thể là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ao nổi lót bạt siêu thâm canh công nghệ cao của hộ Lê Văn Học, xã Thạnh Hòa Sơn và của kỹ sư thủy sản Trịnh Thị Loan, ấp Năm, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang.
Theo kỹ sư Trịnh Thị Loan, nuôi tôm ao nổi lót bạt siêu thâm canh công nghệ cao đạt được nhiều ưu thế về tính hiệu quả bền vững hơn so với ao đất. Nhờ lót bạt đáy ao, thành ao nên hạn chế mức thấp nhất những mầm bệnh từ trong đất lây nhiễm cho tôm; giúp người nuôi chủ động quản lý tốt môi trường nước về độ mặn, độ pH.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ao nổi lót bạt siêu thâm canh công nghệ cao của kỹ sư thủy sản Trịnh Thị Loan có tổng diện tích 1,5 ha được bố trí gồm 8 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 1.600 m2 và một hệ thống ao trữ lắng lọc, ao xử lý nước thải tuần hoàn khép kín không xả thải để bảo vệ môi trường.
Năm 2018, với 8 ao nuôi, kỹ sư Trịnh Thị Loan thu hoạch đạt năng suất trên 40 tấn tôm thương phẩm/vụ. Năm nay, theo ước tính của kỹ sư Trịnh Thị Loan, tổng thu hoạch 2 vụ nuôi, sản lượng tôm thẻ chân trắng thương phẩm thu được khoảng 100 tấn, trừ chi phí lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng.
Theo kỹ sư Trịnh Thị Loan, nuôi tôm thẻ chân trắng ao nổi lót bạt siêu thâm canh công nghệ cao là xu thế trong thời kỳ kinh tế hội nhập. Tuy nhiên, mô hình này ngoài đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, cần có thêm về hạ tầng kỹ thuật về điện, hệ thống thủy lợi. Đây là yếu tố quan trọng, người nuôi tôm không thể tự đầu tư thực hiện mà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước./.

Phúc Sơn/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nuoi-tom-ao-noi-lot-bat-sieu-tham-canh-dat-loi-nhuan-cao/130931.html