Nuôi tôm bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Nêu lên hàng loạt những khó khăn thách thức ảnh hưởng đến nghề nuôi tôm tại địa phương và khu vực ĐBSCL, như: quy hoạch phát triển ngành tôm còn chậm, hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng nhu cầu; môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm…, tại Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp với chủ đề 'Phát triển nuôi tôm bền vững giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL' do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Cà Mau vào sáng 28/6, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, cho rằng chính những tồn tại trên đã dẫn đến khả năng cạnh tranh của ngành tôm thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.

Theo Cục Thủy sản Việt Nam, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Các sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn quốc.

Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ tư thế giới sau Ecuador, Ấn Độ và Indonesia với với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hằng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 đến hơn 4 tỷ USD, giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động.

Đại biểu thảo luận giải pháp nuôi tôm bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải môi trường tại diễn đàn.

Đại biểu thảo luận giải pháp nuôi tôm bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải môi trường tại diễn đàn.

Đến năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737 ngàn héc-ta (diện tích nuôi tôm sú là 622 ngàn héc-ta, tôm chân trắng khoảng 115 ngàn héc-ta); sản lượng đạt 1,12 triệu tấn, tăng 5,5% cùng kỳ 2022 (1,06 triệu tấn), trong đó sản lượng tôm sú đạt 274 ngàn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 845 ngàn tấn.

Nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn theo hình thức giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu đang là sự lựa chọn hàng đầu của nghề nuôi tôm theo hướng bền vững.

Nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn theo hình thức giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu đang là sự lựa chọn hàng đầu của nghề nuôi tôm theo hướng bền vững.

Sáu tháng đầu năm 2024, diện tích thả nuôi tôm nước lợ ước đạt khoảng 665,5 ngàn héc-ta, bằng 101,5% cùng kỳ năm 2023 (656 ngàn héc-ta), sản lượng thu hoạch tôm nước lợ đạt khoảng 432 ngàn tấn, đạt 99,4% so với cùng kỳ năm 2023 (434,5 ngàn tấn), sản xuất 56,9 tỷ con giống, cơ bản đã cung ứng đủ nhu cầu cho nuôi trồng thủy sản trên cả nước.

Tại diễn đàn, các đại biểu nhận định, tình hình nuôi tôm nước lợ sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, nguy cơ phát sinh bệnh tiềm ẩn, khó dự đoán và tiếp tục là giai đoạn khó khăn của ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng. Mặt khác, giá nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất có thể tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, nhận định giá tôm có thể tăng vào quý 3/2024 khi nhu cầu tăng cao.

Cà Mau cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL, như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh… có lợi thế nuôi tôm sinh thái từ điều kiện tự nhiên, đạt tiêu chuẩn quốc tế, gia tăng tính cạnh tranh, nâng tầm giá trị và thương hiệu.

Cà Mau cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL, như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh… có lợi thế nuôi tôm sinh thái từ điều kiện tự nhiên, đạt tiêu chuẩn quốc tế, gia tăng tính cạnh tranh, nâng tầm giá trị và thương hiệu.

Ngoài ra, xuất khẩu tôm cũng có nhiều cơ hội phát triển khi Mỹ đã đưa vào xem xét Việt Nam có nền kinh tế thị trường; Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong tháng 3/2024 công bố mức áp thuế chống trợ cấp của tôm Việt Nam thấp nhất so với Ấn Độ, Ecuador; Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu tôm từ Ecuador; thị trường Mỹ nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng trong quý 1/2024. Mức độ tồn kho ít, nhu cầu tiêu thụ tôm các tháng cuối năm 2024 sẽ tăng cao hơn.

Theo đó, thời gian tới cần chủ động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Tập trung quản lý sản xuất giống và thức ăn phục vụ nuôi tôm, giảm chi phí trung gian, nâng cao chất lượng giống, thức ăn để nâng cao sức khỏe tôm, giảm dịch bệnh và chi phí trên giá thành sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ sản xuất an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc, phát triển nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế (ASC, BAP, hữu cơ...). Chỉ đạo địa phương tăng cường quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhâận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; Duy trì diện tích tôm - lúa, tôm - rừng, quảng canh cải tiến, tôm hữu cơ, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, sản lượng nuôi đối với diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến, sinh thái, hữu cơ.

Nghề nuôi tôm ở Cà Mau hiện theo hướng chuỗi giá trị, có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn tôm sạch của quốc tế, mang lại hiệu quả và tính bền vững. (Ảnh chụp mô hình nuôi tôm - lúa có sự tham gia của doanh nghiệp xã hội Minh Phú tại hộ ông Nguyễn Thanh Kiện, Ấp 8, xã Trí Lực, huyện Thới Bình)

Nghề nuôi tôm ở Cà Mau hiện theo hướng chuỗi giá trị, có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn tôm sạch của quốc tế, mang lại hiệu quả và tính bền vững. (Ảnh chụp mô hình nuôi tôm - lúa có sự tham gia của doanh nghiệp xã hội Minh Phú tại hộ ông Nguyễn Thanh Kiện, Ấp 8, xã Trí Lực, huyện Thới Bình)

Diễn đàn dành phần lớn thời gian nghe các chuyên gia, các địa phương thông tin về các hình thức nuôi tôm giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, thời gian tới cần đẩy nhanh việc nghiên cứu và công nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuât, giải pháp kỹ thuật mới hiệu quả (giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, các giải pháp xử lý chất thải, quản lý môi trường...) để chuyển giao sản xuất, nhân rộng mô hình. Tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi./.

Trần Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nuoi-tom-ben-vung-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-a33240.html