Nuôi trắm cỏ ở lòng hồ Gia Bắc

Trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2, thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, một nông hộ đang nuôi hàng chục lồng cá với sản vật chính là những chú trắm cỏ giá trị, đồng thời còn chuyên ương giống và nuôi cá bột cung cấp cho cả khu nuôi cá lòng hồ.

Anh Tiến kiểm tra cá trong lồng bè

Anh Tiến kiểm tra cá trong lồng bè

Vừa ngồi trên chiếc xuồng đưa khách thăm lồng cá giữa hồ, anh Nguyễn Văn Tiến vừa chia sẻ, anh từ ngoài quê phía Bắc đến lập nghiệp tại Di Linh và bắt đầu nuôi cá trên hồ Gia Bắc từ năm 2013. Lòng hồ thủy điện nước sâu, hợp với hai loài cá là trắm cỏ và diêu hồng. Anh cùng gia đình đầu tư 30 ô nuôi cá với tổng diện tích 900 m2, độ sâu 3 m. Khung ô nuôi được hàn từ sắt, quây bởi 2 lớp lưới, làm nổi bằng thùng phuy nhựa rỗng. Mỗi ô giá trị 10 triệu đồng, chủ yếu là tiền nguyên vật liệu còn công sức do nhà tự thi công. 300 triệu đồng đầu tư vào bè nuôi cá đã mang lại thu nhập ổn định cho anh và gia đình.

Anh Tiến cho biết, anh thả nuôi hai loại cá chính là cá diêu hồng và cá trắm cỏ. Cá diêu hồng được mua về dưới dạng cá nhỏ, 50 con/kg, 1 ô anh thả 3 ngàn con. Cá diêu hồng lớn nhanh, chỉ tầm 7 tháng là đạt trọng lượng từ 1 tới 1,5 kg con là có thể xuất bán. Tuy nhiên, với giá cám như hiện tại, giá cá diêu hồng ở mức 45 ngàn đồng/con thì lời lãi cũng không nhiều. Nuôi cá diêu hồng, anh lo ngại cá bị bệnh thối mang lồi mắt, nhất là vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ nước không ổn định. Lúc đó anh phải tự chế biến các loại thuốc chữa bệnh từ thực vật như lá xoan, lá đu đủ tía, lá chó đẻ, rau sam... để chữa bệnh cho cá.

Cá trắm cỏ phải nuôi lâu hơn cá diêu hồng khá nhiều. Đây là loại cá có sức sống tốt, thức ăn chủ yếu là cỏ. Anh chị cắt cỏ quanh khu vực lòng hồ thủy điện, trong các vườn cà phê của thôn Gia Bắc 2, thả xuống bè cho cá ăn cả ngày. Ngoài ra, anh Tiến cũng bổ sung thêm lượng cám không đáng kể cho đám cá trắm. Sau khi thả nuôi từ 14-16 tháng, cá trắm cỏ đạt trọng lượng từ 500 gam/ con lên tới 5 kg/con, nhiều con còn to hơn. Cá trắm cỏ càng to, thịt càng ngon, chắc, được thị trường ưa chuộng. Hiện anh Tiến đang bán cá trắm cỏ với giá 70 ngàn đồng/kg. Anh nhận xét: “Trắm cỏ nhanh lớn, khỏe, đầu tư ít vì chủ yếu ăn cỏ. Bán trắm cỏ lại rất dễ, giá cao, nuôi rất thích”. Ngoài trắm cỏ, diêu hồng, anh còn thả một ít cá chép phục vụ thị trường, cung ứng với giá 50 ngàn đồng/kg.

“Trước nhà tôi cũng như bà con ở đây thường lấy cá giống nhỡ từ Đồng Nai lên. Thấy bất tiện nên tôi nhập và ương luôn cá bột, vừa để nhà nuôi, vừa cung cấp cho bà con”, anh Nguyễn Văn Tiến kể tiếp về công việc của mình. Cá bột nhỏ xíu được anh nhập về, nuôi trong ao đất để giữ nhiệt độ ổn định. Nuôi cá bột cần giữ ao sạch, không có cá ăn thịt lớn như cá chuối, cá trê. Chỉ để sót 1 con cá chuối, vài ngày là cá chuối sẽ ăn sạch cá bột đang ương. Sau khi ương thành cá nhỡ, anh xuất ao bán cho bà con cùng nuôi cá. Hiện một năm anh nuôi 1 tấn cá giống, xuất bán 20 tấn cá diêu hồng, cá chép và 5 tấn cá trắm cỏ. Với giá cả hiện tại, một năm gia đình anh cũng thu được 250-300 triệu đồng từ bè cá.

Ông Dương Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa đánh giá, hộ anh Nguyễn Văn Tiến là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá trên lòng hồ và đạt kết quả cao. Anh Tiến sẵn sàng hợp tác với ngành nông nghiệp thử nghiệm các giống cá mới. Anh cũng là người có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường lòng hồ, vừa giữ cho bè sạch, nước không ô nhiễm, vừa đảm bảo an toàn trong quá trình nuôi cá. Từ anh Tiến, nhiều hộ trong xã đã làm bè nuôi cá trong lòng hồ thủy điện, tận dụng được mặt nước hồ, mang lại thu nhập tốt cho người nông dân.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202101/nuoi-tram-co-o-long-ho-gia-bac-3037824/