Nuôi trồng theo hướng VietGAP - cách làm bền vững

Nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường mà còn góp phần xây dựng thương hiệu cho thủy sản Hà Tĩnh.

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, hiện nay, dịch bệnh trên tôm nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống, thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn sinh học theo hướng VietGAP lại đang mở ra nhiều hứa hẹn cho người nuôi tôm tại Hà Tĩnh.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Nuôi trồng thủy sản Cẩm Dương xã Cẩm Dương (Cẩm xuyên) là một trong số ít mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh đã được chứng nhận cơ sở nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật, năng suất nuôi trồng đạt 28 tấn/ha/vụ, kích cỡ thu hoạch 45 con/kg, lợi nhuận đạt được 550 triệu đồng/ha/vụ.

 Nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được nhiều người quan tâm.

Nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được nhiều người quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Cẩm Dương cho biết: “Trên quy mô hơn 5 ha, quá trình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Chúng tôi sử dụng hoàn toàn các loại chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm tôm khi bán ra được thị trường ưa chuộng, giá thành cao hơn tôm nuôi thông thường từ 5-10 %”.

Sau nhiều năm gắn bó với nuôi tôm, anh Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc HTX Nuôi trồng Thủy sản Hạ Vàng (thôn Liên Tiến, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) đã quyết định tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng để nuôi tôm theo hướng VietGAP. Anh Hòa cho biết : “Để áp dụng theo VietGAP, cơ sở phải bỏ ra số vốn ban đầu không hề nhỏ (khoảng gần 1 tỷ đồng) để cải tạo lại vùng nuôi, hồ xử lý nước thải... Con giống từ cơ sở cung cấp giống đạt tiêu chuẩn, qua kiểm dịch rồi mới thả nuôi, lượng thức ăn, các loại thuốc được sử dụng phải ghi chép cẩn thận từ lúc cải tạo ao nuôi đến thu hoạch, xử lý chất thải sau thu hoạch”.

“Ứng dụng nuôi tôm 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh giúp tôm đạt tỷ lệ sống cao khoảng 80%, trong khi nuôi thông thường chỉ đạt tỷ lệ sống bình quân 65%. Môi trường trong từng giai đoạn nuôi ít biến động, ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường vì nguồn nước được xử lý triệt để khi thải ra bên ngoài” - anh Hòa chia sẻ thêm.

 HTX Nuôi trồng Thủy sản Hạ Vàng (thôn Liên Tiến, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) thu hoạch tôm.

HTX Nuôi trồng Thủy sản Hạ Vàng (thôn Liên Tiến, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) thu hoạch tôm.

Từ thành công của mô hình nuôi cá diêu hồng lồng bè theo quy trình VietGAP tại lòng hồ Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang) và tại xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục triển khai mô hình nuôi cá diêu hồng bằng lồng bè trên sông và hồ chứa theo hướng VietGAP tại xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh) với 3 hộ dân tham gia, quy mô 300m3.

Ông Nguyễn Khánh Tuấn - chủ mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP cho biết: “Trải qua hơn 1 năm áp dụng phương pháp này, tôi thấy rõ các lợi ích vượt trội như năng suất đạt hơn 59kg/m3 , cao hơn năng suất bình quân 18%, vì vậy giá trị kinh tế tăng bình quân gần 23% so với hình thức nuôi thông thường. Bên cạnh đó, môi trường nuôi không bị ô nhiễm do quá trình nuôi chủ yếu sử dụng các loại chế phẩm sinh học, men tiêu hóa, các loại vitamin”.

 Ông Nguyễn Khánh Tuấn (xã Kỳ Hoa, Kỳ Anh) nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Khánh Tuấn (xã Kỳ Hoa, Kỳ Anh) nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh), hiện nay, ngoài ông Tuấn, tận dụng điều kiện tự nhiên tại đập dâng Sông Trí, nhiều hộ dân đã mạnh dạn thực hiện nuôi trồng theo hướng VietGAP, sản lượng trung bình đạt 5,91 tấn cá/100 m3 lồng nuôi, kích cỡ cá thương phẩm đạt 0,8 kg/con, lợi nhuận trung bình 102 triệu đồng/100 m3 . Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tốt các tiêu chuẩn trong nuôi trồng, môi trường nước tại đập dâng Sông Trí cũng được cải thiện nhiều theo hướng tích cực.

Hiện nay, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trong tỉnh ngày càng quan tâm đến việc áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và đã được chứng nhận VietGAP. Các cơ sở được chứng nhận nhìn chung có quy mô sản xuất khá lớn và sản xuất mang tính chất hàng hóa tập trung với những đối tượng có giá trị kinh tế cao điển hình như: Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Hạ Vàng (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh); cơ sở nuôi tôm của hộ ông Hoàng Kim Túy (xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên)...

 Nuôi cá diêu hồng trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP sản lượng trung bình đạt 5,91 tấn cá/100 m3

Nuôi cá diêu hồng trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP sản lượng trung bình đạt 5,91 tấn cá/100 m3

Theo tổng hợp của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, năm 2023 - 2024, trong tỉnh đã có 9 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP theo TCVN13528-1:2022 còn hiệu lực, với diện tích được cấp là 21 ha và sản lượng sản phẩm là 457 tấn/năm, trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng.

Ông Trương Huy Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Thành công của các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP mở ra những triển vọng mới cho ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh khi nhu cầu thực phẩm sạch, xuất xứ rõ ràng của xã hội ngày càng tăng cao. Đây là những mô hình phù hợp trong điều kiện thích ứng với biển đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, nông nghiệp đô thị, liên kết sản xuất.

Tuy nhiên, để phát triển mô hình, các địa phương cần đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở áp dụng VietGAP. Ngoài ra, tỉnh cần thúc đẩy mạnh liên kết "4 nhà" để tiêu thụ sản phẩm chất lượng như VietGAP, kết nối doanh nghiệp với các hộ sản xuất quy mô như VietGAP để bao tiêu sản phẩm, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm khác”.

Thái Oanh - Ánh Nguyệt

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nuoi-trong-theo-huong-vietgap-huong-di-ben-vung-post275034.html