Nuốt đờm có sao không?

Với người khỏe mạnh, nghiên cứu chỉ ra rằng việc nuốt đờm không gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, một số trường hợp không nên nuốt chúng.

 Đờm hoạt động như một chất bôi trơn giúp bảo vệ mũi, xoang, cổ họng và phổi khỏi bị khô trong những ngày có không khí khô hanh. Ảnh: Analiticaderetail.

Đờm hoạt động như một chất bôi trơn giúp bảo vệ mũi, xoang, cổ họng và phổi khỏi bị khô trong những ngày có không khí khô hanh. Ảnh: Analiticaderetail.

Đờm là chất dịch được tiết ra ở đường hô hấp (xoang trán, hốc mũi, họng, khí phế quản…). Đờm cấu tạo từ 95% là nước, các thành phần còn lại gồm: Glycoprotein, proteoglycan, lipid, protein và DNA.

Bác sĩ Tạ Tùng Duy, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết đờm hoạt động như một chất bôi trơn giúp bảo vệ mũi, xoang, cổ họng và phổi khỏi bị khô trong những ngày có không khí khô hanh. Chất nhầy này cũng chứa các kháng thể và protein.

Trường hợp không nên nuốt đờm

Đờm hoạt động như một hàng rào vật lý ngăn cản bụi bẩn, vi khuẩn và các mầm bệnh khác có trong không khí xâm nhập vào cơ thể.

Đờm có 3 màu đặc trưng gồm:

Trắng trong hoặc trắng đục
Màu vàng xanh lá hoặc màu vàng
Màu đỏ hoặc màu nâu

Theo bác sĩ Tùng, tùy thuộc vào màu sắc đờm, các bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng này. Với người khỏe mạnh, nghiên cứu chỉ ra rằng việc nuốt đờm không gây hại cho cơ thể. Đờm sau khi được nuốt sẽ trôi xuống dạ dày.

Tại đây, các loại vi khuẩn hoặc virus trong đờm sẽ bị tiêu diệt bởi acid, enzym và bị cô lập khỏi cơ thể bởi lớp chất nhầy trên thành dạ dày. Cuối cùng, đờm được thải ra ngoài khi đi đại tiện.

"Tuy nhiên, những người có bệnh lý về phổi như bệnh lao, virus Mycobacterium Tuberculosis gây bệnh trong đờm lại rất khó bị tiêu diệt trong môi trường acid. Do đó, nếu người bệnh lao nuốt đờm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác", bác sĩ Tùng nói.

Vì vậy, những người gặp vấn đề về phổi, họ nên tìm cách ho khạc đờm ra bên ngoài để giúp cổ họng thông thoáng và dễ chịu hơn.

Điều cần chú ý đó là khi khạc nhổ, các tác nhân gây bệnh cũng sẽ ra ngoài môi trường và làm tăng nguy cơ lây lan cho người xung quanh. Vì vậy, bạn nên khạc đờm vào khăn giấy và bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín. Sau khi khạc đờm, bạn cần vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

Làm gì khi có đờm?

Theo bác sĩ Tùng, đờm cấu tạo từ 95% là nước, vì vậy, nếu chúng khô, đặc quánh thường do đường thở bị khô, cơ thể thiếu nước. Lúc này, người bệnh nên uống nhiều nước, làm ẩm đường thở bằng cách xông hơi mũi họng, tắm nước nóng hoặc sử dụng máy tạo độ ẩm. Việc này giúp đờm lỏng và dễ trôi xuống hoặc khạc ra ngoài dễ dàng hơn.

 Đờm khô, đặc quánh thường do đường thở bị khô, cơ thể thiếu nước. Ảnh: Shutterstock.

Đờm khô, đặc quánh thường do đường thở bị khô, cơ thể thiếu nước. Ảnh: Shutterstock.

Điều cần lưu ý là khi ho có đờm, người bệnh không nên dùng thuốc ho để làm giảm đờm. Tác dụng của thuốc ho chỉ phù hợp với tình trạng ho khan vì giúp ức chế cơn ho. Với trường hợp ho có đờm, sử dụng thuốc ho có thể khiến đờm tích tụ nhiều hơn, gây khó chịu và làm cho người bệnh không thể tống chúng ra ngoài.

Ngoài phương pháp làm ẩm, người bệnh có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý. Nước muối có khả năng loại bỏ các chất nhầy, làm mũi hoặc cổ họng thông thoáng hơn.

"Với các loại thuốc long đờm, người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý sử dụng vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn khi dùng sai cách. Một cách khác đó là sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như sử dụng mật ong, hành tây, gừng… cũng sẽ giúp làm dịu cổ họng và long đờm hiệu quả", bác sĩ Tạ Tùng Duy khuyến cáo.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuot-dom-co-sao-khong-post1431374.html