Nứt gãy tại đập thủy lợi Đắk N'ting: Chỉ có 15 ngày 'cứu' công trình
Mưa lớn kéo dài, hồ thủy lợi Đắk N'ting, tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông xảy ra sạt trượt, sụt lún, nguy cơ vỡ đập, đe dọa tính mạng, tài sản hàng chục hộ dân. Đi kiểm tra hồ thủy lợi Đắk N'ting vào sáng nay, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai nhận định, chỉ có 15 ngày để 'cứu' hồ thủy lợi này
Đứng trên mảnh rẫy đang xuất hiện nhiều vết nứt gãy, bà Hà Thị Thốt, thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông rất lo lắng khi hơn 3ha trồng tiêu đang có nguy cơ sạt trượt xuống hồ thủy lợi Đắk N’ting. Bà cho biết đã canh tác ở đây nhiều năm nhưng không có vấn đề gì. Hai năm nay, khi công trình thủy lợi Đắk N’ting thi công thì bắt đầu xảy ra sạt trượt và năm nay là rất nghiêm trọng.
Bà Thốt đề nghị các cấp chính quyền có phương án để ổn định đời sống cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng: “Nhà cửa đất đai của mình ở đây hết, đang có nguy cơ đây, nhà cũng nứt rồi, lo mất nhà, lo mất vườn. Bây giờ nhà không có mà ở nữa. Mong muốn các cấp chính quyền lo nhà ở rồi xem đất đai trên vườn như thế nào, để bà con đỡ lo".
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông cho biết, hồ chứa nước Đắk N’Ting có dung tích khoảng 1,2 triệu m3 được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào năm 2018, tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng. Hiện công trình đã thi công xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục có liên quan để nghiệm thu bàn giao công trình. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài, ngày 1/8, hồ thủy lợi Đắk N’ting xảy ra các hiện tượng sụt lún, nứt gãy, sạt trượt nghiêm trọng ngay khu vực thân đập và phụ cận. Đối với các hộ dân xung quanh thủy lợi, nhà cửa đã có hiện tượng nứt gãy nền nhà. Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng đã di dời 34 hộ dân. Về phía Ban đã lên phương án khắc phục tình trạng sạt trượt, đặc biệt việc sạt trượt đất ở sườn đồi bên trái và bên phải đập thủy lợi. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn vẫn tiếp tục có mưa, mực nước trong hồ đang lớn nên việc đưa máy móc vào thi công là rất rủi ro.
“Ngay từ khi sự cố xảy ra đã có phương án phá một phần đập tràn để hạ về mực nước chết, thế nhưng hiện nay nước đang tràn, rất nguy hiểm đến tính mạng con người, nên chưa dám thực hiện. Còn phương án đã tính, giờ theo dõi mức độ dịch chuyển của cả khối tràn và khối đập, khi đảm bảo an toàn cho triển khai thi công ngay.”- ông Nghĩa nói.
Trực tiếp khảo sát công trình thủy lợi Đắk N’ting, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai nhận định, tình trạng sạt trượt tại công trình thủy lợi này là nghiêm trọng. Với tình hình mưa lũ như hiện nay, nguy cơ sẽ có hơn 1 triệu m3 đất sẽ bị sạt trượt xuống công trình thủy lợi, nguy cơ vỡ đập hiện hữu. Qua đánh giá sơ bộ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, có giải pháp để xử lý vấn đề của công trình thủy lợi này. Tuy nhiên, thời gian dành cho chủ đầu tư chỉ có 15 ngày để “cứu” công trình, trước khi sẽ có thêm một đợt mưa rất to nữa trên địa bàn vào cuối tháng 8.
“Muốn giữ lại công trình thì này phải có cách và phải nhanh. Một là xử lý sạt trượt, hai là giảm tối đa nước trong hồ. Dự báo trong 15 ngày tới có mưa nhưng không lớn, 15 ngày tới là làm được. Nhưng cuối tháng 8 sẽ có một đợt 10-15 ngày như đợt vừa rồi mưa rất to thì rất căng. Chỉ còn có 15 ngày để làm, nếu thêm một đợt mưa như vừa rồi toàn bộ khối này sẽ sạt trượt xuống ngay”- ông Hiệp nhấn mạnh.
Cùng với kiểm tra công trình thủy lợi Đắk N’ting, trong hôm nay, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng ban sẽ đi kiểm tra một số điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Sau đó, đoàn có buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông về tình hình mưa lũ và sạt lở tại địa phương.