Nút thắt khó gỡ ở tuyến phố bị bệnh viện, trường học bủa vây
Lưu thông qua phố Chùa Láng (Hà Nội) trở thành nỗi ám ảnh với người dân vì lượng xe cộ khổng lồ ra vào 3 bệnh viện, 3 trường đại học.
Lưu thông qua phố Chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) trở thành nỗi ám ảnh với người dân vì lượng xe cộ khổng lồ ra vào 3 bệnh viện, 3 trường đại học.
- Chịu chết, khổ nhất là mấy cô cậu sinh viên nhìn thấy trường mà vẫn muộn giờ học.
Đó là cuộc trò chuyện với nội dung gần như lặp đi lặp lại giữa ông Lê Thanh Sơn, 51 tuổi, tài xế xe buýt tuyến 9B và anh Nguyễn Đình Hưng, 32 tuổi, phụ xe. Họ rẽ qua Chùa Láng vào buổi sáng sớm, khi trên xe ních đầy sinh viên của Đại học Ngoại Thương, Học viện Ngoại giao và Học viện Thanh thiếu niên.
Nhiều năm qua, phố Chùa Láng luôn ám ảnh người dân về tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Con phố vỏn vẹn 1 km, rộng khoảng 6-8 m, nhưng phải gánh lượng xe cộ khổng lồ ra vào 3 bệnh viện, 3 trường đại học, 1 trung tâm thương mại, 1 chợ, nhiều chung cư lớn và các khu trọ sinh viên, chung cư mini.
Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài khi hoàn thành sẽ san sẻ bớt lưu lượng từ các bệnh viện, trường học vốn đang dồn hết vào phố Chùa Láng. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng lưu lượng giao thông đang tỷ lệ nghịch với tiến độ hoàn thành tuyến đường.
30 phút đi được 1 km
Sau 2 năm dịch bệnh, lưu lượng giao thông qua phố Chùa Láng khôi phục nhanh chóng và đến nay đã tăng vượt thời điểm trước dịch. Các trường đại học tiếp tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh và số bệnh nhân đến các bệnh viện cũng tăng thêm.
Tuyến phố dài chưa đầy 1 km nhưng vì có nhiều trường đại học nên cần bố trí 2 trạm dừng xe. Sau khi đón trả khách, xe buýt còn phải lách qua dãy thùng rác nằm giữa lòng đường.
Tài xế Sơn nhìn "biển người" đang nhích từng mét trước kính lái với sự tập trung, chân phanh rà liên tục. Khi nhích được tới bến, ông bật xi nhan, nhấn còi nhưng không xe nào chịu nhường. Một chiếc ôtô còn "hồn nhiên" đỗ ngay trước điểm dừng.
“Chúng tôi không vào sát được”, anh Hưng than thở.
Phía sau chiếc xe buýt nhả khói là hàng dài xe cộ đang nối đuôi, ngán ngẩm, chỉ chực có kẽ hở là nhích lên. Ai cũng muốn nhanh thoát khỏi khung cảnh hỗn độn vào giờ cao điểm.
Ngày nào đi qua phố Chùa Láng vào giờ cao điểm cũng là cực hình. Người tham gia giao thông phải mất 20-30 phút để đi một đoạn ngắn 1 km từ đầu Vincom Nguyễn Chí Thanh đến đầu nút giao với đường Láng hoặc ngược lại.
Giao thông càng trở nên hỗn loạn hơn khi nhiều xe cố tình đỗ trái phép, đi ngược chiều, thậm chí trèo lên cả vỉa hè, buộc người đi bộ phải di chuyển xuống lòng đường, ảnh hưởng đến dòng phương tiện.
Gắn bó với công việc điều tiết giao thông khu vực này đã lâu, ông Dũng, Đội trưởng dân phòng phường Láng Thượng, quận Đống Đa, chia sẻ: "Lực lượng ở đây rất mỏng. Tuyến phố dài 1 km được phân công cố định cho 5 người, nhưng không ăn thua. Có những giờ cao điểm phải huy động đến 3, 4 người tại một điểm ùn tắc”.
Ngoài lực lượng dân phòng chủ chốt, Công an phường Láng Thượng cũng được tăng cường. 5 dân phòng, 5 công an, tổng là 10 người, mà vẫn không giải tỏa được ùn tắc.
Các điểm đen ùn tắc gồm ngõ 80, 82 và 84 phố Chùa Láng. Tắc nhất là ở cổng Đại học Ngoại thương và cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, từ 9h đến 13h.
Cung đường này tắc nghẽn do dòng xe lưu thông ra vào bệnh viện chỉ được di chuyển một chiều quanh vòng hồ Láng Thượng. Đường hẹp, xe vào viện ùn thành hàng dài chờ soát vé.
Ông Dũng chia sẻ nếu đường tắc quá, lực lượng chức năng phải cho dừng dòng xe từ các bệnh viện đi ra. Khi nào phố Chùa Láng thoáng hơn thì xe mới được di chuyển.
Biển báo không được rẽ trái được ở lối ra bệnh viện nhưng nhiều xe vẫn cố tình vi phạm. Nhiều khi xảy ra va chạm, tài xế còn mở cửa xe tranh cãi, gây ùn tắc thêm.
“Hầu như lực lượng dân phòng ở đây không có ngày nghỉ. Đường chật nhưng lúc nào cũng tấp nập xe cộ”, ông Dũng nói.
Phố Chùa Láng là lối đi chung của 3 bệnh viện lớn gồm Bệnh viện nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện GTVT. Các cơ sở y tế này tiếp nhận lưu lượng lớn bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên. Vào giờ cao điểm, tài xế xe cứu thương sốt ruột, người nhà nơm nớp lo bệnh nhân đang nguy kịch nhưng cũng bất lực, không lách được qua "biển người".
Không chỉ tài xế xe buýt, xe cứu thương, mà những người đi học, đi làm qua cung đường này đều ngán ngẩm với cảnh ùn tắc. Anh Trần Văn Đại (23 tuổi, tài xế chạy xe công nghệ) dành trung bình 20-30 phút cho mỗi đơn hàng từ Chùa Láng.
Mồ hôi nhễ nhại, đeo khẩu trang đội mũ đứng trước cửa quán hơn 20 phút mà vẫn chưa lấy xong hết các đơn hàng, là hình ảnh phóng viên bắt gặp. Đợi chờ lâu, đường lại tắc, lúc đấy anh chỉ còn cách “chỗ nào thoáng thì mình điền vào chỗ trống”.
Giờ cao điểm, các đơn hàng đều được nhân giá gấp đôi. Nhiều tài xế xe công nghệ muốn tranh thủ tăng thu nhập nên chọn cách luồn lách, chen lấn, đi lên cả vỉa hè, thậm chí chạy ngược chiều.
Một số khác lại ngại việc đi qua cung đường tắc này, loay hoay tìm cách hủy đơn hàng bằng việc khéo léo nhờ khách đặt lại đơn khác với lý do tắc đường hoặc bản thân mình đang gặp một vướng mắc về xe cộ như hỏng xe, xịt lốp...
Với sinh viên, nhiều thời điểm việc tới trường trở thành “ác mộng”. Ba trường đại học, hai trường phổ thông và một trường mầm non cùng nằm trên tuyến phố. Đến giờ cao điểm, lượng sinh viên ùa ra khiến giao thông kẹt cứng.
Thay vì lãng phí thời gian "chôn chân" ngoài đường tắc, Lê Viết Thế Hùng (sinh viên K49 ngành Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao) lựa chọn cách lên thư viện, đợi qua giờ tan tầm cho bớt tắc mới đi về nhà. Ngày nào cũng hai lượt “ tắc đi, tắc về”.
Hùng chia sẻ: "Nhiều hôm em còn đi ngược lên hồ Gươm. Bởi từ phố Chùa Láng qua Ngã Tư Sở tắc cứng, chủ yếu mọi người tan làm di chuyển từ nội thành về ngoại thành, còn đường lên hồ Gươm lại thông thoáng hơn. Em lên phố đợi đường về bớt tắc, rồi mới bắt xe về nhà".
Kỳ vọng vào tuyến đường mới
Sau dịch Covid-19, lưu lượng giao thông qua phố Chùa Láng khôi phục nhanh chóng và đến nay đã tăng vượt thời điểm trước dịch. Nguyên nhân của tình trạng này là việc các trường đại học tiếp tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh và số bệnh nhân đến bệnh viện cũng tăng thêm.
Theo PGS.TS Hồ Anh Cương, giảng viên cao cấp tại Đại học GTVT, tình trạng ùn tắc tại phố Chùa Láng sẽ được cải thiện khi dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (nối từ nút giao Huỳnh Thúc Kháng đến nút giao Voi Phục) được hoàn thành.
"Trên một tuyến đường dài, nếu không có ngã tư, nút giao, rẽ ngang cho phương tiện thoát ra thì sẽ tắc. Chùa Láng rất bé mà không có lối thoát nào khác ngoài 2 đầu Láng - Nguyễn Chí Thanh. Giờ khi có đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài là có thêm 2 lối thoát cho phương tiện", ông Cương phân tích.
Từ những năm 2000, dự án đã được UBND quận Đống Đa đưa vào quy hoạch. Việc đầu tư xây dựng phải trì hoãn nhiều năm và chính thức khởi động lại vào ngày 26/6/2018, khi UBND Hà Nội phê duyệt quyết định 3213 về việc xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài và giao UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án hơn 342 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2022.
Đến nay, sau 4 năm thi công, dự án mới hoàn thành được gần 70% tiến độ. Hiện trạng tuyến đường dài 1,3 km vẫn còn ngổn ngang do vướng mắc giải phóng mặt bằng.
UBND quận Đống Đa đã ban hành quyết định thu hồi đất với 16/16 cơ quan tổ chức và di dời, hỗ trợ tái định cư cho 67 hộ dân (khoảng 3.960 m2). Tuy nhiên, sau nhiều cuộc vận động, hiện vẫn còn 8 hộ gia đình sinh sống trong vùng giải tỏa. Khó khăn về tài chính khiến họ chưa thể bàn giao căn nhà của mình cho ban quản lý dự án.
Điểm nghẽn
Bước vào khu dân cư duy nhất còn chưa đồng ý di dời, đập vào mắt là tấm bạt đỏ được người dân chăng lên với dòng chữ: “Chúng tôi không đồng ý giá đền bù áp dụng từ năm 2015-2019 cho dân tại thời điểm hiện tại”.
Nhiều hộ gia đình không chịu di dời do mức giá đền bù của Nhà nước chưa tương xứng với giá thị trường. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngôi nhà nằm ở ngõ 14 trong khu giải tỏa được đền bù 39 triệu đồng/m2, những ngôi nhà ngõ 10 được đền bù 31 triệu/m2.
Căn nhà 4 tầng của ông Nhuận (80 tuổi, số nhà 42 ngõ 14 phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) được con trai mua cho để an hưởng tuổi già, nhưng trớ trêu thay khi dọn đến đây, ông bà không hề “an tâm” vì không rõ khi nào bên dự án sẽ đến cưỡng chế.
Vết bẩn xám xịt trên trần nhà, ông cũng không buồn lau đi. “Lau làm gì, đằng nào người ta cũng đến phá”. Các hộ dân ở đây đều sống cầm chừng, tạm bợ, muốn tu sửa lại nhưng ngặt nỗi không biết đến bao giờ người ta phá đi.
Cách nhà ông Nhuận vài bước chân, căn nhà của bà Đặng Thị Chưng (74 tuổi) nằm ở số 44 ngõ 14 pháo Đài Láng, được chỉ đỏ nằm chính giữa con đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài theo chiều ngang.
Bà được đề nghị đền bù 1,1 tỷ đồng với diện tích 31,7 m2 và được hỗ trợ suất tái định cư tại căn hộ tầng 4, Đại Kim, Hoàng Mai với mức giá 1,6 tỷ đồng. Bà cụ đang sống với khoản lương hưu 2,9 triệu đồng/tháng không nghĩ ra cách nào để chi trả thêm 500 triệu đồng cho suất chung cư.
Nhớ lại quá trình đền bù, bà Chưng bức xúc cho rằng mình "không gắp phiếu, người ta cũng gắp cho, không đồng ý lấy nhà người ta cũng gán". Bà xót ruột, lương hưu chưa được 3 triệu, lại phải nuôi cô con gái mắc chứng điếc bẩm sinh và hai cháu gái. Ngay cả khi có tiền thanh toán suất chung cư, gia đình bà vẫn lo ngại về những chi phí quản lý căn hộ sẽ đi kèm.
Ngoài đồng lương hưu ít ỏi, thu nhập của gia đình bà đến từ công việc bán hoa ở chợ Pháo Đài Láng của cô con gái. Vì khiếm thính, chị gặp khó khăn trong việc giao tiếp buôn bán. Trước đây nhìn khẩu hình của khách còn đoán được họ nói gì, giờ khách đeo khẩu trang hết nên lượng bán cũng giảm hẳn.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nếu phải chuyển lên chung cư xa như vậy, sẽ càng vất vả hơn cho gia đình chị. Chị bộc bạch: "Chị đang tính thuê trọ ở Pháo Đài Láng, bán chợ quen khách rồi, qua chỗ khác biết bán ở đâu".
Căn nhà chật chội chỉ có một gác xép. Mọi không gian trong ngôi nhà đều được tận dụng triệt để làm chỗ sinh hoạt. Cô chị cả học bài bên ban thờ, cô em gái học bài bên bồn nước.
Đằng sau nhà bà Chưng là gia đình nhà bà Trần Thị Nê ( số 41, ngõ 10, phố Pháo Đài Láng). Gắn bó với mảnh đất này hơn 20 năm, chứng kiến bao cảnh khu phố thay da đổi thịt, bà Nê buồn bã khi nghe tin nhà mình nằm trong diện quy hoạch giải phóng mặt bằng.
Theo thông tin bà chia sẻ, 31 triệu là số tiền đền bù 1 m2 đất, còn tiền đền bù nhà trên đất lại là một giá khác. Nhà xây hợp pháp được đền bù 100%, nhà xây không hợp pháp đền bù 10%. Đâm đơn kiện hơn 2 năm nay, bây giờ nhà bà mới được công nhận là nhà xây hợp pháp.
Đầu năm nay, UBND phường Láng Thượng và quận Đống Đa đã tổ chức các đợt vận động hộ dân bàn giao mặt bằng. Kết quả, vẫn còn 8 hộ dân không đồng thuận.
Các kiến nghị, khiếu nại của hộ dân về giá đất đền bù được UBND Hà Nội kết luận là "khiếu nại sai". Với 8 hộ dân còn chưa đồng thuận, UBND quận Đống Đa đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tổ chức thu hồi đất bằng hình thức cưỡng chế.
Khung cảnh ảm đạm của khu phố giữa lòng đô thị khác biệt hoàn toàn với những ánh đèn lộng lẫy bên kia đường. Trong lúc chờ đợi thông đường, phần diện tích trải nhựa, lát vỉa hè đã bị lấn chiếm, biến thành nơi bán hàng rong, quán nhậu và bãi gửi xe tự phát.
Bước sang tháng 10, khi thời hạn hoàn thành công trình chỉ còn 2 tháng, tiến độ giải phóng mặt bằng mới có dấu hiệu cải thiện. Các hộ gia đình nằm trong khu giải tỏa đã đồng ý bàn giao lại mặt bằng cho ban dự án.
Những tín hiệu khả quan này cùng sự nhộn nhịp trở lại của máy móc hứa hẹn tuyến đường mới sắp về đích. Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài được kỳ vọng là lối thoát cho dòng phương tiện chen chúc qua phố Chùa Láng mỗi ngày.