Nvidia mua lại Arm từ SoftBank với giá kỷ lục 40 tỷ USD
Nvidia Corp đã đạt được thỏa thuận mua lại nhánh chip Arm của Tập đoàn SoftBank với giá 40 tỷ USD, nắm trong tay công nghệ điện tử được sử dụng rộng rãi bậc nhất thế giới, trong thương vụ lớn nhất của ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn.
Nvidia sẽ chi 21,5 tỷ USD dưới dạng cổ phần và 12 tỷ USD tiền mặt để mua lại hãng sản xuất chip có trụ sở tại Anh, trong đó bao gồm khoản chi 2 tỷ USD trong lễ ký kết. SoftBank có thể nhận được thêm khoản tiền 5 tỷ USD tiền mặt hoặc cổ phần nếu như hoạt động của Arm đạt một số mục tiêu nhất định; công ty này nói trong một tuyên bố. Bên cạnh đó, 1,5 tỷ USD sẽ được trả cho các nhân viên của Arm dưới dạng cổ phần của Nvidia.
Giá cổ phiếu của SoftBank đã tăng khoảng 9% trong phiên giao dịch hôm đầu tuần này sau khi có thông tin về thỏa thuận cùng các vòng đàm phán mới về việc công ty chuyển thành tư nhân. Cổ phiếu của Nvidia cũng tăng khoảng 6%.
Tầm quan trọng của Arm vượt xa doanh thu của công ty này – vốn đến từ hoạt động cấp phép sử dụng chip và bán thiết kế vi xử lý. Công nghệ của Arm được coi là “trái tim” của hơn 1 tỷ chiếc smartphone bán ra thế giới mỗi năm. Các con chip sử dụng mã nguồn của công ty này nằm trong mọi thứ, từ trang thiết bị trong cơ sở sản xuất cho tới đồ điện tử gia dụng.
“Nó là một công ty có tầm ảnh hưởng rộng hơn bất kỳ công ty nào khác trong lịch sử công nghệ” – CEO của Nvidia Jensen Huang nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg – “Chúng tôi sẽ kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu của Nvidia với hệ sinh thái rộng lớn của Arm”.
Thương vụ này bắt nguồn từ mục tiêu mang AI tới mọi thiết bị có nút “bật”; vị CEO nói thêm. Thành công trong việc bán chip đồ họa của Nvidia cho giới chủ sở hữu các trung tâm dữ liệu nhằm tăng tốc độ nhận dạng hình ảnh và xử lý ngôn ngữ, ông Huang đang tìm cách đảm bảo rằng công nghệ của ông sẽ giúp nhân rộng mô hình trên tới mọi thứ - từ các phương tiện tự hành cho tới các công cụ đo lường thông minh.
Khoản chi trả ban đầu từ Nvidia chỉ mang lại chút ít lãi nhỏ đối với SoftBank bởi công ty này đã chi 31,4 tỷ USD để mua lại Arm vào năm 2016 – từng là thỏa thuận đắt giá nhất lúc bấy giờ. Công ty Nhật Bản cũng được kỳ vọng sẽ sở hữu 10% của Nvidia sau giao dịch này; theo tuyên bố của họ.
Tuy nhiên, việc phê chuẩn từ các nhà điều hành đối với thỏa thuận này lại đầy thách thức. Cả hai công ty đều nói rằng, thỏa thuận cần sự phê duyệt của chính quyền Trung Quốc, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ và có thể mất tới 18 tháng. Trong đó, sự chấp phép từ chính quyền Trung Quốc là khó khăn nhất bởi bối cảnh căng thẳng với Mỹ hiện nay.
“Giờ thì Arm sẽ trở thành một công ty của Mỹ, và cuộc xung đột trong lĩnh vực bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt bởi Trung Quốc vẫn kiểm soát chi nhánh Arm ở nước này” – Koji Hirai, người đứng đầu công ty tư vấn M&A Kachitas Corp ở Tokyo, nhận định.
CEO Jensen Huang đóng góp không nhỏ cho sự thành công của Nvidia (Ảnh: Bloomberg)
Trong một bình luận đưa ra sau khi đạt thỏa thuận, ông Huang nói rằng đội ngũ của ông “đã xác định là sẽ dành ra thời gian để làm việc với các cơ quan quản lý ở Trung Quốc”, nhưng đầy tự tin rằng việc phê chuẩn sẽ thành công.
Một vấn đề lớn khác là, liệu thương vụ này có làm rối loạn mối quan hệ giữa Arm và các khách hàng của họ như Apple Inc và Intel Corp hay không. Trước nay, hãng thiết kế chip này có thể hợp tác được với hàng loạt đối tác một phần là bởi nó không cạnh tranh với các đối tác này.
Ông Huang nói rằng ông sẽ duy trì tính trung lập của Arm và muốn mở rộng danh sách khách hàng của nó. Ông tranh luận rằng Nvidia đã chi rất nhiều tiền cho thương vụ này và đương nhiên không muốn khách hàng của Arm tháo chạy.
Dưới thời của CEO Huang, Nvidia đã phát triển nhanh chóng để đứng vào hàng ngũ những công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng và giá trị thị trường lớn của thế giới. Vốn là một thế lực thống trị trong sản xuất chip đồ họa để giúp cho video game trở nên chân thực hơn, Nvidia cũng giành được một “miếng bánh thị phần” trong lĩnh vực chip sử dụng trong các trung tâm dữ liệu và bắt đầu nhắm tới mảng phương tiện tự lái.
Trong khi đó, Arm, có trụ sở tại Campridge (Anh) đã tự tạo nên một thị trường ngách của riêng minh nhờ vào sự độc lập. Các đối thủ sừng sỏ của nó như Apple, Intel, Samsung Electronics Co., Qualcomm Inc., Broadcom Inc. và Huawei Technologies Co. đều là bên cần cấp phép từ Arm. Các công ty này đều sử dụng các thiết kế của Arm để làm nền tảng cho chip của mình.
Thương vụ với Nvidia là một thách thức đối với tính trung lập của Arm. Thương vụ mua lại Arm của SoftBank cách đây 4 năm đã diễn ra phần lớn tốt đẹp bởi công ty Nhật Bản này không phải đối thủ cạnh tranh với bất kỳ khách hàng nào của Arm.
Giá trị vốn hóa của Nvidia liên tục tăng trong suốt một thập kỷ và đã vượt Intel (Ảnh: Bloomberg)
Nvidia tuyên bố rằng họ sẽ giữ trụ sở của Arm ở Anh và sẽ đầu tư thêm một cơ sở mới ở đó để đẩy mạnh nghiên cứu AI, đào tạo cho các khách hàng và cung cấp một nơi để thí nghiệm tự động hóa. CEO Huang nói rằng cam kết này đã thể hiện rõ một thực tế rằng thương vụ mới sẽ chỉ giúp tăng cường khả năng công nghệ của nước sở tại là Anh, chứ không phải tách rời khỏi đó.
Còn đối với SoftBank, bán đi nhánh sản xuất chip Arm cũng hé lộ một khoản đầu tư chiến lược khác của công ty này nhằm tăng tính thanh khoản và cho phép nhà sáng lập Masayoshi Son tập trung hơn vào các kế hoạch đầu tư chiến lược mà ông từ lâu đã nói là muốn theo đuổi.
Theo Bloomberg, mặc dù vắng bóng trong lĩnh vực di động, nhưng Nvidia vẫn có giá trị thị trường khổng lồ, tăng dần trong suốt thập kỷ vừa qua. Cổ phiếu của công ty này tính đến cuối năm 2010 là 15,42 USD/cổ phiếu, và đến hôm thứ Sáu tuần trước là 486,58 USD/cổ phiếu. Giá trị thị trường của công ty này đang ở mức 300 tỷ USD, hơn gần 100 tỷ nếu so với Intel – công ty sản xuất chip có thu nhập cao gấp 7 lần Nvidia.