Ồ ạt đầu tư điện mặt trời: Lưới truyền tải không theo kịp
Chỉ trong 2 tháng 5 và 6/2019 vừa qua, cả nước đã liên tục có gần 90 nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành với tổng công suất trên 4.500 MW, vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020).
Đầu tư dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí ngắn hơn, nhưng để xây dựng được hệ thống truyền tải công suất các dự án nguồn điện này phải mất từ 3 – 5 năm. Sự thiếu đồng bộ này đang khiến cho các dự án điện mặt trời buộc phải giảm công suất, gây thiệt hại cho cả chủ đầu tư và phía mua điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Chậm do đâu?
Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 11) được ban hành ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, sản lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới trước ngày 30/6/2019 sẽ được mua với giá 9,35 cent/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh.
Đây là chủ trương đúng đắn từ Chính phủ nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Không thể phủ nhận các nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành trong 2 tháng gần đây đã cung cấp lượng điện năng không nhỏ cho hệ thống điện Quốc gia trong mùa khô năm nay nhưng có một thực tế là lưới điện đồng bộ để tiếp nhận nguồn công suất trên lại không thể theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của các dự án điện mặt trời, đặc biệt là ở các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Sự đầu tư ồ ạt các dự án điện mặt trời chỉ trong một thời gian ngắn để hưởng chính sách giá điện ưu đãi theo Quyết định 11 đã dẫn tới phá vỡ quy hoạch điện và đặt ra vấn đề nan giải: Làm thế nào để huy động hết công suất của các dự án lên lưới truyền tải ?
Quy hoạch điện VII điều chỉnh đặt ra đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 850 MW điện mặt trời. Nhưng đến nay, chỉ riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho hay, ngay từ đầu, việc quá tải lưới điện đã được EVN/A0 cảnh báo tới các chủ đầu tư, rất công khai, minh bạch.
“Chúng tôi cũng mong muốn được phát hết công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo, bởi giá dù có đắt (2.086 đồng/kWh), nhưng vẫn rẻ hơn nguồn nhiệt điện dầu (từ 3.000 - 5.000 đồng/kWh). EVN/A0 đã dồn toàn lực trong thời gian qua để các nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành, bổ sung công suất cho hệ thống điện. Nhưng hiện nay các nhà máy này phải giảm công suất do quá tải lưới điện, đây là điều mà EVN/A0 không hề mong muốn”, ông Cường khẳng định.
Đại diện Cục Điện tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho hay, phần lớn các chủ đầu tư điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đều đã biết trước việc quá tải lưới truyền tải và phải tiết giảm công suất. Việc cần làm trước mắt là tìm giải pháp để đẩy nhanh các dự án lưới điện truyền tải.
Đại diện chủ đầu Nhà máy Điện mặt trời Phước Mỹ (Ninh Thuận) chia sẻ, nếu tình trạng quá tải kéo dài thì tất cả các bên (chủ đầu tư và phía mua điện – EVN) đều bị thiệt hại. Thời gian tới, rất cần sự chung tay từ Bộ Công Thương, chính quyền các địa phương, chủ đầu tư, EVN... để tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải, từ đó giải tỏa hết công suất của các nhà máy và bổ sung nguồn điện cho đất nước.
Lý giải về nguyên nhân chưa thể giải tỏa hết công suất, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, để triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí trong thời gian ngắn hơn. Trong khi đó, để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải từ 220 - 500kV phải mất khoảng 3 - 5 năm.
Trên thực tế, EVN đã đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải, đồng thời làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Tuy nhiên, hiện nhiều dự án giải tỏa công suất nguồn điện trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng...
Do đó, song song với nỗ lực tối đa của EVN, ông Trần Đình Nhân mong muốn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ các chủ đầu tư và chính quyền các địa phương trong quá trình triển khai các thủ tục về giải phóng mặt bằng.
Ông Tô Văn Dần, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, hiện có nhiều dự án giải tỏa công suất năng lượng tái tạo đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đơn cử như dự án Trạm biến áp 220kV Phan Rí, tính đến 20/6/2019, dự án mới vận động bàn giao được 4.508/39.619,2 m2 mặt bằng, đạt khoảng 11,3%. Hay dự án đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm, theo kế hoạch sẽ đóng điện vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, dự án đang gặp vướng mắc ở 55 vị trí móng qua rừng tự nhiên, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Mặt khác, sự phát triển “nóng” các dự án năng lượng tái tạo, phá vỡ quy hoạch không chỉ đưa đến những khó khăn trong đấu nối, truyền tải, giải tỏa nguồn điện này, mà còn đặt ra nhiều vấn đề xung quanh việc giải quyết nguồn thải từ các tấm pin năng lượng và ắc quy lưu trữ...
Ông Lê Văn Lực, Cục Phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho rằng: "Rác thải từ tấm pin mặt trời sau khi hết tuổi thọ dự án sẽ được xử lý thế nào, cần có nghiên cứu cụ thể. Các chi phí đó có trách nhiệm của nhà đầu tư với việc xử lý hay không? Cùng đó, việc tháo dỡ, xử lý rác thải sau đời dự án vẫn cần phải có những phân tích, đánh giá cụ thể hơn..., là những vấn đề đang được đặt ra đối với các nhà đầu tư khi triển khai các dự án điện mặt trời".
Nâng cao năng lực giải tỏa
Trong thời gian ngắn trước mắt, chắc chắn, việc đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải sẽ khó đi vào hoạt động sớm để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, với dự báo sẽ tiếp tục có thêm nhiều dự án điện sạch được đầu tư, thì rất cần có sự phối hợp từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lưới truyền tải, nâng cao năng lực giải tỏa.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho hay, Bộ Công Thương đã có tờ trình Chính phủ bổ sung quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh, xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, các trạm 500kV, đường dây 500kV mạch kép và các đường dây 220kV, các nhánh rẽ...
Dự kiến sẽ có thêm nhiều công trình được đầu tư vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Với các dự án truyền tải này, hi vọng có thể cơ bản đáp ứng công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió trong những năm tới.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN khẩn trương thực hiện các dự án này; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế xã hội hóa, tư nhân đầu tư đường dây truyền tải để đáp ứng tiến độ các dự án điện mặt trời, điện gió đi vào vận hành, giảm áp lực đầu tư của EVN”, ông Bùi Quốc Hùng cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ đã lập đoàn thị sát tại các địa phương để sớm có phương án giải quyết nhằm đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất cũng như hiệu quả của nhà đầu tư. Quan điểm là EVN phải thực hiện nghiêm theo đúng lộ trình về các giải pháp, kế hoạch đầu tư lưới, trạm để đảm bảo công suất tại các khu vực này; đồng thời phối hợp cùng địa phương để đảm bảo tiến độ chung các dự án, đặc biệt là tiến độ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện dự án; có kế hoạch cụ thể để hài hòa công suất và đưa điện lên lưới.
Chỉ đạo tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu thời gian tới, Bộ Công Thương cần đẩy nhanh việc xây dựng Quy hoạch điện VIII. "Đây là quy hoạch lớn, yêu cầu lần này phải đổi mới, lập quy hoạch trên cơ sở mục tiêu, công suất, cơ cấu nguồn điện bao nhiêu và bố trí các nguồn như thế nào, trên cơ sở đó mới bố trí dự án để làm, không như trước đây lập theo dự án đầu tư...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.