Ồ ạt mở ngành sức khỏe: 'Tính mạng con người không phải trò chơi may rủi'
Chuyên gia cho rằng, tính mạng con người không phải trò chơi may rủi nên cần thắt chặt ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo nhóm ngành sức khỏe.
Cả nước hiện có khoảng trên 70 trường tham gia đào tạo khối ngành sức khỏe. Ngoài những trường chuyên ngành y truyền thống như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược TP.HCM, Đại học Dược... còn có khoa y - dược của các trường đa ngành như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ.
Đó là chưa kể đến ở 63 địa phương đều có ít nhất 1 trường cao đẳng, trung cấp y dược. Mỗi năm, các nhóm trường này "xuất siêu" ra thị trường lao động một số lượng nhân lực không nhỏ. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo và kiểm định đầu ra của sinh viên vẫn chưa có quy định cụ thể và thống nhất trên cả nước.
Nhiều trường đại học ngoài công lập chuyển từ tập trung đào tạo ngành kinh tế sang các ngành sức khỏe. Mùa tuyển sinh 2021, Đại học Quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở đồng loạt 8 ngành mới liên quan đến lĩnh vực sức khỏe. Do đó, trường sẽ có tổng 12 ngành đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Con số này nhiều hơn những trường chuyên đào tạo y dược khác như Đại học Y Hà Nội hay Đại học Y Thái Nguyên.
Đại học Văn Lang tuyển mới 2 ngành là y khoa và y học cổ truyền. Như vậy, trường sẽ đào tạo 6 ngành khối sức khỏe. Đại học Công nghệ TP.HCM cũng mở mới 2 ngành khối sức khỏe: điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Ngành đặc biệt, không thể tùy tiện mở
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, y - dược là ngành đào tạo đặc biệt, các bác sĩ nắm trong tay sinh mạng của con người. Nhân dân cần những bác sĩ giỏi, tay nghề cao, vững chuyên môn để hành nghề cứu người.
"Tính mạng không phải trò chơi may rủi. Cần thắt chặt ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo", GS Dong nói và nhấn mạnh, chất lượng đào tạo một bác sĩ thế nào, phải chờ ít nhất sau 6 năm nữa đến khi sinh viên tốt nghiệp hoặc thi chứng chỉ hành nghề mới biết.
Do vậy, ông đề nghị, phải thắt chặt việc mở ngành, tuyển sinh ồ ạt ngay từ bây giờ. Nếu buông lỏng thì dự kiến tháng 8/2021 hàng nghìn tân sinh viên ngành sức khỏe nhập học vào các trường tư thục, thì chất lượng đào tạo ra sao vẫn là câu hỏi bỏ trống không ai trả lời.
Bác sĩ Nguyễn Thái Hoa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bất ngờ và lo lắng khi nhiều trường đại học tư thục đua nhau tuyển sinh ngành sức khỏe. Theo chị, đào tạo ngành y khác với các ngành nghề khác. Không thể chỉ cần một giảng đường cho 500- 600 sinh viên ngồi học là xong, mà còn cần các trang thiết bị để hỗ trợ, cần bệnh viện để thực hành lâm sàng trong quá trình học.
Ở các nước, điều kiện tiên quyết để mở trường/khoa y là phải có đủ giảng viên cơ hữu đạt chuẩn và bệnh viện thực hành. Bởi thời gian học ở bệnh viện chiếm khoảng 60% tổng thời lượng đào tạo.
Việc đào tạo ngành sức khỏe phải dựa trên quy trình phối hợp nhà trường, sinh viên với bệnh viện. Cần đảm bảo các em sinh viên được các bác sĩ - giảng viên trực tiếp hướng dẫn lâm sàng tại bệnh viện và giám sát việc này.
Theo bác sĩ Hoa, không ít trường hợp, các trường "đem con bỏ chợ", đưa sinh viên đến bệnh viện và phó mặc họ có được hướng dẫn, đào tạo kiến thức, kỹ năng hay không. Không làm được những việc này, chất lượng đào tạo không thể đạt chuẩn được. Thế nhưng, thực tế thì chỉ vài trường đại học lớn có bệnh viện riêng, còn lại hầu hết là ký liên kết, gửi sinh viên sang bệnh viện thực hành lâm sàng.
Điểm yếu nhất trong đào tạo y khoa hiện nay là khâu thực hành kỹ năng do bệnh viện thiếu bác sĩ hướng dẫn, trường không có sẵn đội ngũ giảng viên đang làm việc tại bệnh viện.
Điều kiện để mở ngành sức khỏe
Để mở ngành đào tạo mới, điều kiện tiên quyết là phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng như tiêu chí về giảng viên, cơ sở vật chất.
Riêng với khối ngành sức khỏe, ngoài các điều kiện mở ngành đã quy định thì các cơ sở giáo dục đại học đào tạo khối ngành sức khỏe phải tuân thủ các quy định chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành.
Theo đó, tất cả các hồ sơ đăng ký mở chương trình đào tạo mới của các cơ sở giáo dục đại học đối với khối ngành sức khỏe phải có ý kiến của Bộ Y tế xác nhận về các điều kiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
Để mở nhóm ngành sức khỏe, giảng viên và người hướng dẫn thực hành của trường phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo.
Mỗi môn học phải có ít nhất một giảng viên cơ hữu có văn bằng phù hợp với môn học giảng dạy. Cụ thể ngành Y đa khoa có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 6 tiến sĩ y học lâm sàng và một tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng). Ngành Y học cổ truyền cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 3 tiến sĩ y học cổ truyền và một tiến sĩ y học dự phòng hoặc y tế công cộng.
Ngành Răng - Hàm - Mặt được quy định có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 2 tiến sĩ y học lâm sàng và 3 tiến sĩ Răng - Hàm - Mặt. Ngành Y học dự phòng cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, một tiến sĩ y học lâm sàng và 4 tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).
Với tất cả các hồ sơ mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, bên cạnh việc thẩm định các điều kiện cho phép mở ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế theo quy định, thì các cơ sở giáo dục đại học phải công khai hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường để các bên liên quan và toàn xã hội cùng giám sát.
Thủ tướng ra quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, có chức năng giúp Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh. Dự kiến, thời gian tới, tất cả những người được đào tạo khối ngành sức khỏe từ các cơ sở giáo dục đại học, muốn được hành nghề khám chữa bệnh sẽ phải qua các kỳ thi sát hạch, đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.