Ồ ạt rút BHXH một lần: Phải giảm tuổi nghỉ hưu
Nên giảm tuổi nghỉ hưu, giảm năm đóng bảo hiểm, đặc biệt là đối với công nhân và giáo viên công tác ở vùng sâu vùng xa vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Sau khi Báo NLĐO có bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Phải đặt mình vào vị trí người lao động", rất nhiều bạn đọc đồng thuận với cách đặt vấn đề của chúng tôi.
Bạn đọc Tâm Võ bày tỏ: Tôi rất tâm đắc với đầu bài báo. Các cơ quan quản lý phân tích rất nhiều về cái thiệt hại của Nhà nước, của doanh nghiệp. Thế còn thiệt hại và mất mát đối với người lao động chúng ta hình như chưa quan tâm đến, có chăng cũng chỉ là những trang tin , hình ảnh của một sự kiện hoặc một vài bộ phận nhỏ đối quyền lợi cho việc tuyên truyền. "Cái bức bách nhất đối với người lao động là cuộc sống hằng ngày không chỉ có một mình họ mà còn cả một gia đình. Vì vậy cái đáng quan tâm nhất là tất cả các quyền lợi dành cho người lao động từ BHXH, BHYT, BHTN v.v.v.. có đủ để họ an tâm lao động cống hiến, tạo ra của cải vật chất trước mắt cho bản thân và gia đình, cũng như cho xã hội, thay vì phải chấp nhận rút BHXH 1 lần, thậm chí còn đem thế chấp sổ BHXH để vay nóng để trang trải cuộc sống, mà không biết ngày mai gia đình mình sẽ phải giải quyết như thế nào" - bạn đọc Tâm Võ nói.
Theo một bạn đọc tên Phương, nếu cứ lấy công chức nhà nước làm thước đo, rồi hoạch định chính sách thì làm sao phù hợp với thực tiễn. Trong khi khối tư nhân được bao nhiêu người làm đến 60, nói chi là 62 tuổi để được hưởng lương hưu. "Như tôi làm công nghệ thông tin, nhiều lắm là đến cỡ 50 tuổi là quá date rồi. Phải ngồi chờ 12 năm sau mới bắt đầu có lương hưu. Thôi khỏi, tôi rút sớm" – bạn đọc này quả quyết. Bạn đọc Tư Sài Gòn đặt câu hỏi: Tiền lương hưu 20 năm không bằng mức lương tối thiểu thì làm sao sống? Nếu vẫn còn khu biệt cách tính trả lương hưu của người lao động ngoài nhà nước khác với người nhà nước thì làm sao mà NLĐ không rút BHXH 1 lần.
Bạn đọc Thái Dũng chua chát nói: Sau khi nghỉ hưu hưởng 75% hộ gia đình tôi được cấp mã số hộ nghèo. Thật buồn thay. Một Bạn đọc giấu tên bày tỏ: Trong khi hiện tại lương lĩnh 100% các khoản phụ cấp, tăng ca, làm thêm giờ....mà vẫn chưa đủ sống cần phải tăng lương, thì nghỉ hưu sẽ sống sao với cao nhất là 75% lương cơ bản, có bao nhiêu người đóng BHXH đủ để hưởng được 75% kia. Ví dụ tôi lái xe cho doanh nghiệp 50 tuổi muốn nghỉ hưu thì phải chờ đến hơn 10 năm mới lĩnh được lương hưu 3,4 triệu/ tháng, vậy trong 10 năm này tôi sống bằng gì thà rút một lần vài trăm mua chiếc xe cũ chạy grab, taxi, dịch vụ thì thu nhập cao hơn lương hưu kia gấp nhiều lần. Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thọ nói áp lực công việc khu vực ngoài nhà nước không ai chịu nổi đến tuổi hưu đâu. Ngoài 50 tuổi là sụm bà chè hết rồi.
Từ những bất cập của chính sách BHXH hiện hành, nhiều bạn đọc cho rằng cần giảm tuổi hưu, kể cả số năm đóng BHXH để hấp dẫn người tham gia. Theo bạn đọc Trần Văn Hoàn thì cần giảm tuổi nghỉ hưu bởi lao động ngoài 40 là các doanh nghiệp thải rổi. Làm sao đợi đến 60 để nhận hưu. Tương tự, bạn đọc tên Dương cũng cho rằn giảm tuổi nghỉ hưu là xu thế cần đạt được và nó là đặc tính ưu việt của BHXH.
Góp ý cụ thể hơn, bạn đọc Nguyễn Bình bày tỏ: Theo tôi nếu người nghỉ việc trước tuổi đã đóng đủ 75% thì không nên trừ 2% nếu nhỉ sớm 1 năm trước tuổi vì như vậy là không công bằng. Một người vào ngành sớm đã công tác 30 năm nhưng nghỉ sớm 1 năm bị trừ 2%, nghỉ sớm 5 năm chỉ còn 65% trong khi đó 1 người vào ngành trễ cũng công tác được 30 năm thì được hưởng 75% lương hưu. Còn theo bạn đọc Vương Trần Quân, nhất thiết phải giảm tuổi nghỉ hưu, giảm năm đóng bảo hiểm. Đặc biệt là công nhân và giáo viên công tác ở vùng sâu vùng xa vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Vì đội ngũ này ngoài 50 tuổi đã không còn linh hoạt, có người còn mắc bệnh như tiểu đường, mỡ máu, ... Tuổi thọ trung bình chỉ sống được 63 đến 65 tuổi. Tương tự, bạn đọc tên Huyền cho biết rất nhiều người lao động mất việc làm ở độ tuổi 40-47. Mà tầm tuổi này đi xin việc thì đã bị coi là già không ai nhận mà chờ đến năm 60 tuổi mới được hưởng chế độ hưu trí thì lại quá lâu. "Hy vọng có thể giảm tuổi nghỉ hưu xuống để người lao động không phải bơi trong khó khăn chồng chất khó khăn" – bạn đọc Huyền nói.
Cùng góc nhìn, bạn đọc Lê Trí Đằng cũng kiến nghị: Nên giảm tuổi nghỉ hưu cho tầng lớp lao động trong đó có cả giáo viên. Rất tiếc là Luật BHXH truớc đây đã làm chuẩn về tuổi tác rồi và đang thực hiện rất hiệu quả.