Ồ ạt xây dựng nhà máy điện tái tạo, Việt Nam dư thừa hàng tỷ kWh điện năng

Dự kiến trong năm 2021, toàn hệ thống sẽ cắt giảm khoảng 1,7 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo. Trong đó, hơn 500 triệu kWh điện mặt trời sẽ bị cắt giảm.

Dư thừa điện tái tạo

Năm 2019, Tập đoàn Điện lực (EVN) đã đưa ra dự báo, tới năm 2021, Việt Nam sẽ thiếu hàng tỷ kWh điện năng mỗi năm, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển kinh tế của cả nước, cũng như ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Tuy nhiên, tới năm 2021, ngành điện lực lại chủ động cắt giảm hàng tỷ kWh điện năng, đa phần là năng lượng tái tạo. Báo cáo của EVN cho biết, dự kiến trong năm 2021, toàn hệ thống sẽ cắt giảm khoảng 1,7 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo. Trong đó, hơn 500 triệu kWh điện mặt trời sẽ bị cắt giảm.

Dự kiến trong năm 2021, toàn hệ thống sẽ cắt giảm khoảng 1,7 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo. Trong đó, hơn 500 triệu kWh điện mặt trời sẽ bị cắt giảm.

Giải thích cho hiện tượng nghịch lý này, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Trong thời gian qua, do Việt Nam tập trung quá nhiều vào việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, hoặc điện gió, đã làm tăng sản lượng điện năng của cả nước.

Tuy nhiên, do hạ tầng phục vụ cho việc lưu giữ và truyền tải điện năng có hạn, nên xuất hiện tình trạng dư thừa điện năng tái tạo, nhất là điện mặt trời. Trước sự dư thừa, ngành điện lực buộc phải cắt giảm điện mặt trời, tránh trường hợp quá tải hạ tầng lưới điện quốc gia.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc ồ ạt đầu tư, bùng nổ năng lượng điện mặt trời thời gian qua cho thấy rất nhiều quy hoạch có giá trị pháp lý cao đã bị phá vỡ. Trước tình trạng này, ông Vũ Đình Ánh đánh giá cao đề xuất cho phép doanh nghiệp bán trực tiếp điện mặt trời cho người dân có nhu cầu mua điện.

“Về chính sách, cơ chế, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp điện được bán cho các hộ gia đình nhu cầu sử dụng điện lớn, kèm theo biện pháp quản lý, giá điện trực tiếp giữa người mua - bán điện. Qua đó, chúng ta sẽ có được những kinh nghiệm rất tốt để phát triển thị trường điện trong thời gian tới, cùng với cả thị trường điện truyền thống”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói.

Đồng thời, ông Ánh nhận định: Việt Nam đang trên còn đường phát triển kinh tế thị trường, cạnh tranh, và hội nhập quốc tế. Nên việc để doanh nghiệp chủ động là điều cần thiết cho thị trường.

Cắt giảm công suất điện: Thiệt hại vô cùng lớn

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Hồ, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn chia sẻ: Hiện tại, tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời đang diễn ra thường xuyên, liên tục. Có nhà máy chưa từng có một ngày được hoạt động đúng công suất, ngay từ khi bắt đầu vận hành đã bắt buộc phải cắt giảm, một số đến 50% - 60%.

Có nhà máy chưa từng có một ngày được hoạt động đúng công suất, ngay từ khi bắt đầu vận hành đã bắt buộc phải cắt giảm, một số đến 50% - 60%.

Ông Hồ nhấn mạnh, thiệt hại về việc không giải tỏa hết công suất của nhà máy là vô cùng lớn, bởi nguồn vốn để triển khai dự án của công ty chủ yếu đều vay vốn từ ngân hàng, trong khi đó việc bán điện "phập phù" như hiện tại gây khó khăn cho việc vận hành nhà máy cũng như phải trả lãi và gốc cho ngân hàng.

Việc cắt giảm công suất điện liên tục ảnh hưởng lớn đến doanh thu và tốc độ thu hồi vốn, khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng.

Có công ty thậm chí phải lấy tiền từ các dự án khác bù vào để trả cho ngân hàng. Điều này làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch về nguồn vốn và các dự án tiếp theo của công ty.

"Nói thật, hỏi chúng tôi phải giải bài toán tài chính thế nào thì chúng tôi cũng không trả lời được vì khi đầu tư các nhà máy điện mặt trời thì nguồn thu của chúng tôi chính là việc bán điện. Hiện chúng tôi chỉ mong muốn các cấp quản lý làm thế nào để giải được bài toán chạy hết công suất", ông Hồ nói.

Khi được hỏi cụ thể về số tiền phải bù lỗ, cũng như những thiệt hại kinh tế khác, ông Hồ khẳng định: "Con số thiệt hại vô cùng lớn, nó không chỉ là tiền, mà còn những vấn đề khác".

Theo ông Hồ, hiện nay vì sự an toàn chung của hệ thống truyền tải điện, các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận việc bị cắt giảm, nhưng tình hình như hiện tại thì rất khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp. Việc cắt giảm không chỉ ảnh hưởng đến công ty mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của rất nhiều người lao động công ty.

"Bạn có thể tưởng tượng được không, có doanh nghiệp phải giảm phát, có ngày đến 50% công suất, thiệt hại từ 200 - 250 triệu đồng. Nếu tình hình cứ kéo dài, doanh nghiệp này chắc chắn sẽ phá sản", ông Hồ chia sẻ.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/o-at-xay-dung-nha-may-dien-tai-tao-viet-nam-du-thua-hang-ty-kwh-dien-nang-post139142.html