Ổ chuột
Cả thành phố này ai cũng biết dưới gầm cầu chui ngang qua một con lộ có một khu ổ chuột tồn tại đến nay đã vài thập kỷ. Khu này dành cho dân lao động ngoại tỉnh và kẻ ăn mày tứ xứ ngày đi kiếm ăn, đêm về đây trú ngụ. Nhiều lần chính quyền sở tại ra tay dẹp bỏ nhưng chỉ được một thời gian nó lại ngang nhiên tồn tại, như một đòi hỏi tất yếu của một bộ phận người vô gia cư trước cuộc sống mưu sinh giành giật.
Tôi là kẻ lãng du, nói như cụ Đào Duy Anh định nghĩatrong từ điển Hán Việt là “đi chơi chỗ này chỗ khác”hoặc một số gã bạn biến âm gán cho tôi cái từ “Ma càbông đường phố”. Họ nói như vậy về tôi quả không sai,bởi tôi thích xê xịch vào hang cùng ngõ hẻm, kể cả nơi“thâm sơn cùng cốc” để trải nghiệm, khám phá, để viếtnhững gì mà người ta chưa viết, hoặc không dám viết.
Một hôm đang ngồi chè chén ở một góc phố, tình cờ tôi bắt gặp một thằng bé đánh giày có mái tóc mầu hung đỏ trông rất ngộ. Thấy có cảm tình, tôi vẫy cậu ta lại nhờ đánh cho đôi giày rồi bắt chuyện. Qua lời kể, tôi được biết cậu ta đang sống cùng mẹ tại một khu ổ chuột ở phía Nam thành phố, ngày đi đánh giày, tối về chăm sóc mẹ ốm. Lúc trả tiền tôi dúi vào tay cậu ta tờ giấy bạc hai trăm ngàn, cậu ta móc ví định gửi lại tiền thừa, tôi gạt đi:
- Em cầm về mua cái gì cho mẹ ăn, ngày mai anh định vào khám phá khu ổ chuột, em đồng ý giúp anh chứ?
Nghe tôi đề xuất cậu ta vui vẻ nhận lời, hứa chiều mai sẽ đón tôi tại bến nước dưới chân cầu.
Đúng hẹn, chạng vạng chiều hôm sau tôi khoác trên mình bộ quần áo lem luốc, trong vai một kẻ du thủ duthực, không quên giấu trong người chiếc máy ảnh mini, leo lên chiếc xe máy cà tàng lao vào khu ổ chuột. Xe vòng vèo qua những con đường đất bụi bẩn, hai bênngút ngàn màu xanh của những ruộng ngô non, màu vàng ươm của những thân cây chuối già, buồng nặng trĩu quả. Dừng xe trước một bến nước chờ cậu bé đánh giày ra đón, tôi đưa mắt quan sát từ xa khu ổ chuột dễ chừng có tới hàng chục lều bạt thô sơ nhếch nhác. Cái thì xô nghiêng, cái thì méo mó, khiến tôi liên tưởng khu ổ chuột của người Palestine chạy loạn trong cuộc chiến Israel - Hamas. Đang ngơ ngác nhìn, bỗng thằng bé đánh giày xuất hiện, cất tiếng hỏi:
- Anh chờ em lâu chưa? Em đang định đi thì mẹ ho dữ quá, em phải lấy thuốc cho mẹ uống rồi mới ra được. Giờ anh giấu chiếc xe máy vào bên trong ruộng ngô rồi anh em mình đi bộ vào đó. Anh nhớ vào vai người anh họ vào thăm mẹ em thật tốt nhé. Đặc biệt, anh không được để cho ai nhìn thấy anh chụp ảnh, nếu thấy, họ sẽ thu máy ảnh và đánh cho anh một trận đó!
Tôi dắt xe máy vào khu ruộng ngô, thằng bé đánh giày đi sau ra sức đẩy vì con đường toàn bột cát mịn nên bánh xe cứ xoay tròn. Mấy phút sau cả hai cũng giấu được xe và thoát ra ngoài, thằng bé nhanh nhảu đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau, vừa đi vừa ngó nghiêng quan sát. Đi được một đoạn, nó ra hiệu cho tôi dừng lại vì trước mặt có một nhóm người đang ngồi trên một bãi cỏ chơi bài sát phạt nhau. Thấy thằng bé đánh giày đi tới, dẫn theo một người đàn ông lạ mặt, một tên râu quai nón rậm rạp hất hàm hỏi:
- Ê nhóc, mày dẫn theo thằng nào vậy?
- Thưa anh Ba, đây là ông anh họ em bốc vác ngoài bến sông vào thăm mẹ em ốm anh ạ!
Tôi nghiêng người chào hắn, hắn nhìn ngó nghiêng một lúc rồi buông lời:
- Mày nói anh mày có đạn không cho tao ít bạc lẻ, đang thua bạc đây.
Tôi dúi vào tay thằng bé hai trăm ngàn, bảo nó vào đưa cho tên râu quai nón. Hắn cầm tiền cười tít mắt.
- Bèo quá. Thôi, mày dẫn ông ấy vào nhớ phải nhanh lên đấy!
Thằng bé nhoẻn miệng cười, cám ơn đại ca rối rít rôìkéo tay tôi đi tiếp. Đi được một đoạn, nó chỉ tay về phía trước nói:
- Đây là căn hộ nhà em!
Tôi cười vì thằng bé khôi hài ra phết. Nó gọi căn hộ cho oai chứ cái lều tre nhỏ như cái mắt mũi bước vào phải cúi gập đầu, sao gọi là nhà. Tôi theo nó bước vào,nghiêng đầu chào người đàn bà đang nằm trên chiếc ghế sofa cáu bẩn ho sù sụ. Thấy có khách lạ, người đàn bà định ngồi dậy. Tôi ra hiệu cho chị nằm yên, rồi ngồi xuống chiếc ghế nhựa thằng bé vừa đưa cho. Lúc này tôi mới đưa mắt quan sát căn lều. Ngoài cái tủ nhựa không cánh bên trên để cái chăn len cáu bẩn, phía dưới bày mấy bát ăn cơm sứt mẻ và vại dưa muối khú bốc mùi nồng nặc, căn lều chẳng còn gì đáng giá. Thằng bé quay sang mẹ, giới thiệu:
- Đây là chú Tám, con mới quen. Hôm trước chú cho tiền con mua cháo cho mẹ đó. Hôm nay con đưa chú vào thăm mẹ.
Bà mẹ như hiểu ra chuyện, ngước nhìn tôi vẻ biết ơn:
- Cám ơn chú đã cho thằng bé tiền mua quà cho tôi.
- Không có gì đâu chị, thấy cháu nhiệt tình đánh giày, có chút xíu động viên nó thôi.
Nhìn người đàn bà tội nghiệp ốm yếu, sống vạ vậttrong khu ổ chuột, tôi thấy ái ngại cho mẹ con chị. Qua câu chuyện tôi được biết, xưa kia chị là một cô gái xinh đẹp nhất nhì thôn, nhiều trai làng để mắt muốn cươívề làm vợ. Nhưng thầy mẹ chị nghèo khó nên phải chochị về làm vợ lẽ một gã đàn ông có máu mặt trên phốhuyện để ông ta giúp giải quyết giúp nợ nần. Là vợ không chính danh nên chị bị vợ cả bắt chẹt, hành hạ. Thấy bà vợ cả suốt ngày chành chọe, gã chồng đành giả bộ đuổi chị về quê, sau đó âm thầm mua cho chị một căn nhà nhỏ ở một huyện lân cận. Hàng ngày, gã mượn cớ đi làm rồi ghé qua nhà với chị, tối lại mò về với bà cả. Một năm sau chị mang thai rồi sinh hạ cho gã một bé trai kháu khỉnh, gã rất hài lòng.
Nhưng thói đời đảo điên, sau khi dò la biết được mọi chuyện, mụ vợ cả lại rắp tâm tìm cách hãm hại. Một lần khi con trai vừa ngủ, chị khép cửa chạy ra đầu làng mua ít thức ăn, lúc quay về hoảng hốt chẳng thấy con đâu. Như điên như dại, chị gào khóc thảm thiết rồi nháo nhác đi tìm con, thằng bé vẫn biệt âm vô tín. Chiều hôm đó gã chồng đi làm về, thấy vợ khóc lóc báo tin con trai bị ai đó bắt cóc, gã giận dữ đánh chị một trận thừa sống thiếu chết, rồi đuổi chị ra gốc đa đầu làng, mặc cho chị khóc lóc van xin.
Những tháng ngày sau đó chị xiêu bạt nay đây mai đó,lúc thì rửa bát thuê cho quán phở, lúc thì dọn dẹp nhà cửa cho mấy nhà giàu trên phố. Cứ vậy, chị lang thang khắp nơi tìm việc làm và kiếm con. Chị không dám về nhà bởi ngày ấy hủ tục lệ làng chị hà khắc, con gái xuất giá dù bất cứ lý do gì cũng không được quay về.
Một lần, một gã giang hồ vào quán ăn phở, thấy cô rửa bát còn sạch nước cản đã cho đàn em đón chị về khu ổ chuột làm bạn đời. Thấy chị xinh đẹp lại ngoan ngoãn, gã giang hồ hết lòng yêu thương chăm sóc chị. Cho đến một ngày chị nhận tin sét đánh, gã chồng hờ đã chết bỏ xác dưới lưỡi dao của nhóm lưu manh cộm cán, trong một trận tranh giành địa bàn làm ăn. Rồi chị bị nhóm lưu manh bắt về doanh trại thi nhau hãm hiếp, đến lúc thân tàn ma dại chúng mới ném chị ra đường.
Tôi không giấu nổi tò mò liền hỏi chị: Vậy thằng bé đánh giày có phải là con chị?
Nghe tôi hỏi, chị xúc động kể: Hôm lũ lưu manh xóm trại ném tôi ra đường, tôi cố gắng lê tấm thân tàn về căn lều cũ trong khu ổ chuột nương thân. Bò đượcc hừng nửa cây số, tôi kiệt sức ngất lịm đi không biết gì. Nửa đêm hôm đó tôi tỉnh lại ngơ ngác nhận ra mình đang nằm trên một chiếc giường tre ọp ẹp trong căn lều tồi tàn. Trước mặt tôi là một thằng bé trạc tuổi mười ba, tóc hung đỏ, cùng một ông già ăn mặc nhếch nhác đứng bên cạnh. Thấy tôi tỉnh lại, thằng bé mừng rỡ reo lên: “Ôi! Thím ấy tỉnh lại rồi ông ơi!”.
Những ngày sau đó thằng bé giữ tôi lại chăm sóc, đối đãi với tôi như mẹ đẻ. Qua lời thằng bé tôi mới biết người đàn ông già nua khổ hạnh mà nó gọi bằng ông cũng không phải ông ruột nó. Hóa ra, một lần đi đánh giày về thấy ông ăn mày nằm gục bên vệ đường nó bèn đưa về lều chăm sóc, coi như ông nó vậy. Và bắt đầu từ hôm đó tôi đã có một tổ ấm gia đình. Ban ngày thằng bé đi đánh giày, ông già đi ăn xin, tối lại quay về căn lều thổi cơm ba người cùng ăn. Thằng bé hiếu thảo lắm, làm được bao nhiêu tiền đều đưa tôi giữ hết anh ạ. Nghĩ lại những tháng ngày cùng cực, thấy số mình ông trời còn thương trao cho tôi thằng bé, mẹ con đùm bọc nhau để sống. Rồi sự đoàn tụ giữa ba người diễn ra vẻn vẹn chưa được một năm thì ông già ăn mày đổ bệnh lăn ra chết.
- Ôi! Thằng bé quả là tuyệt vời. Nếu tôi là Chủ tịch thành phố, tôi sẽ biểu dương và khen thưởng nó vì việc làm nhân đạo này!
Câu chuyện giữa tôi và chị vừa khép lại, cũng là lúc thằng bé ra canh chừng bên ngoài quay vào giục tôi nhanh chóng rút khỏi nơi này vì đám lưu manh đang nghi ngờ nó dẫn ký giả vào điều tra viết báo. Tôi quay vào chào tạm biệt chị, không quên dúi vào tay người đàn bà ốm yếu một ít tiền giúp chị thuốc thang chữa bệnh. Ban đầu chị từ chối, nhưng thấy tấm thịnh tình của tôi, chị đưa bàn tay gầy guộc cầm tiền tôi đưa cho mà mắt rưng lệ. Tôi nhìn chị thấy xót xa, thương cho chị “kiếp đời đen bạc”.
Tôi đi theo sau thằng bé, vừa tranh thủ giơ máy ghi mấy kiểu ảnh cho bài phóng sự. Hình ảnh những mái lều bạc phếch liêu xiêu nghiêng ngả nắng mưa, người vô gia cư nằm, ngồi ngả ngớn bên những đống rác lâu ngày bốc mùi hôi thối khiến tôi rùng mình, tất cả được tôi ghi trọn vẹn vào ống kính. Vừa đi thằng bé vừa cho tôi biết thêm, khu ổ chuột này không đơn giản là nơi trú ngụ của dân vô gia cư mà còn là tụ điểm cờ bạc sát phạt nhau của các nhóm giang hồ. Chưa kể nhiều vụ thanh trừng nhau giữa các nhóm giang hồ, dân anh chị cũng kéo về đây giải quyết thắng thua. Ôi! Ngoài kia là một thế giới văn minh, con người đang sống trên gấm vóc nhung lụa, lại có những thân phận bần hàn đang sống chui rúc trong những ổ chuột thế này ư!
Đang nghĩ miên man, bỗng thằng bé gọi giật giọng:
- Anh ơi, nguy rồi, chúng đang rượt đuổi anh em mình. Giờ anh phải theo sát em, em sẽ dẫn anh đi tắt qua một con đường độc đạo, mới nhanh chóng thoát ra ngoài được. Nhưng đoạn đường này gần khu bãi rác rất bẩn thỉu, anh chịu khó vậy!
Lúc này trời đã tối hẳn, đang căng mắt dõi theo từng bước chân của thằng bé, bỗng chân tôi bước trúng một vũng bùn nhầy nhụa hôi thối, khiến đôi giày đang đi ướt sũng nhoe nhoét bùn đất, nước bắn tung tóe lên cả mặt mũi. Tiếp đến, cả hai phải cúi gập người dưới những bụi lau sậy rậm rạp, trầy trật mãi chúng tôi mới vượt qua một con mương nước thối hoắc ra ngoài.
Đứng trên bờ con mương tôi còn nghe một thằng trong bọn la lớn:
- Mẹ kiếp, chúng độn thổ rồi!
Lúc này tôi mới thấy hoàn hồn, đứng thở hổn hển,quay lại nói với thằng bé:
- Thật hú vía! Đúng là chạy như ma đuổi, chẳng khácgì trinh sát lọt vào đồn bốt địch.
Ba ngày sau, bài phóng sự “Ổ chuột” của tôi được tờ báo “Tia sáng” giật tít lớn trên trang nhất, gây tiếng vang khắp cả nước. Điều khiến tôi rất vui là sau khi bài báo ra đời, nhiều cơ quan chức năng trong thành phố đã vào cuộc. Một cuộc truy quét tội phạm tại ổ chuột “Nam Thái” của Công an thành phố đã hốt sạch các đối tượng nghiện hút, gái mại dâm, đưa về cải tạo tại Trung tâm phục hồi nhân phẩm. Một số người vô gia cư, bần hàn, được các nhà chùa nhận nuôi dưỡng, số còn lại có sức khỏe, được đưa vào trường dạy nghề thành phố học nghề. Vui hơn khi tôi còn nghe tin mẹ chú bé đánh giày được một tổ chức nhân đạo thành phố đưa đi điều trị tại một trung tâm y tế, sau đó họ đã liên hệ chính quyền địa phương đón chị về với gia đình. Còn chú bé đánh giày đã được một doanh nhân ngành vàng bạc đá quý cưu mang, đỡ đầu đưa về cơ sở nuôi dưỡng ăn học. Nghe đâu, nhờ thông minh, khéo tay,cậu ta còn được ông chủ cho đi đào tạo nghề kim hoàn tại Mumbai - Ấn Độ. Tôi vui vì mình đã làm được một điều tốt, và mừng cho cậu bé đánh giày sống lương thiện hay làm phúc giờ đã gặp may.
------------------
Trong tập truyện "Bão đời" của Phạm Công Thắng, NXB Văn học, 2024.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/o-chuot-a24143.html