Ở đâu có sự cầu thị, ở đó giải quyết tốt vấn đề
Công khai thủ tục hành chính là một trong những yếu tố được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao. Trong ảnh: Thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) - Ảnh: PHẠM THÙY
Mặc dù Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Phú Yên năm 2018 thấp, nhưng một số nội dung thành phần vẫn được người dân ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền các cấp. Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên xoay quanh nội dung này, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết:
- Từ năm 2018, PAPI được phân tích theo 8 chỉ số nội dung, gồm 6 chỉ số nội dung gốc: tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch trong ra quyết định, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công. Và 2 chỉ số nội dung mới: quản trị môi trường, quản trị điện tử.
Kết quả khảo sát PAPI 2018 cho thấy, chính quyền cấp tỉnh cần nỗ lực trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công tại địa phương để người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công ở những lĩnh vực nội dung PAPI đo lường.
* Bà đánh giá thế nào về những kết quả PAPI của Phú Yên năm 2018?
- PAPI năm 2018 của Phú Yên đạt 42,43 điểm, xếp vị trí 51/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất. Mặc dù vậy, một số nội dung thành phần được người dân đặc biệt quan tâm, ghi nhận sự nỗ lực cũng như đánh giá cao sự phục vụ của các cấp chính quyền, như: công khai, minh bạch quy hoạch sử dụng đất, giá đất; tạo điều kiện cho người dân tương tác với các cấp chính quyền; kiểm soát được tham nhũng trong chính quyền và trong cung ứng dịch vụ công; cấp giấy phép xây dựng; cung cấp dịch vụ y tế công lập; an ninh, trật tự trong khu dân cư và quản trị môi trường.
Theo tôi, khi thể chế hướng tới sự rõ ràng, công khai, minh bạch, dân chủ, nơi người dân có công cụ để giám sát hoạt động của khu vực công, dám tố giác hành vi xấu thì những khuất mắc được tháo gỡ, tình trạng tham nhũng không có điều kiện để phát triển.
* Vậy những nguyên nhân nào làm cho PAPI của Phú Yên thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất, thưa bà?
- Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, đó là Bộ tiêu chí đo lường của PAPI năm 2018 có nhiều thay đổi so với giai đoạn năm 2017 trở về trước; tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế đã đặt ra những nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về sự phục vụ của bộ máy chính quyền địa phương.
Về chủ quan, các sở, ban ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh chưa có sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai các giải pháp nâng cao PAPI. Sự nỗ lực cải thiện PAPI của các sở, ban ngành, địa phương còn kém xa nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa thực sự nâng cao nhận thức của người dân về quyền và trách nhiệm của công dân trong việc tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ cơ sở.
Việc công khai minh bạch đã được các địa phương thực hiện nhưng chưa cụ thể và chưa có phương pháp công khai thích hợp dẫn đến nhiều người dân chưa biết. Công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính còn trễ hẹn, hơn 6% hồ sơ ở cấp huyện bị trễ hẹn nhưng chính quyền không xin lỗi...
* Vậy theo bà, Phú Yên cần phải làm gì để góp phần cải thiện PAPI?
- Tất cả người dân trong tỉnh đều kỳ vọng có nhiều hơn nữa cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định ở địa phương và mong muốn tỉnh tập trung quản lý môi trường, triển khai mạnh mẽ quản trị điện tử để người dân có thể tương tác trực tuyến với chính quyền khi cần thông tin, chính sách hoặc sử dụng dịch vụ công điện tử...
Vì vậy, để cải thiện PAPI, tỉnh cần tăng cường công khai, minh bạch, tiếp tục chống tham nhũng trong khu vực công; nâng cao chất lượng giải trình. Đồng thời chính quyền cần tăng cường theo dõi, giám sát định kỳ hoặc bất thường; chủ động tiếp thu và phản hồi ý kiến của công dân; xây dựng và thực hiện quy trình ban hành, thực thi chính sách có sự tham gia đầy đủ, rộng mở của người dân; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử ở tất cả các cấp.
PAPI 2018 chỉ là một nguồn tham khảo, không phải sự phán xét với bộ máy hành chính địa phương. Song, đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng địa phương tự soi xét lại mình, lắng nghe tiếng nói của người dân, doanh nghiệp để hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình phát triển địa phương.
* Bà có ý kiến gì về vai trò giám sát của người dân đối với các cấp chính quyền?
- Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho rằng vai trò giám sát của người dân chưa được phát huy cao độ. Vì vậy, PAPI đi sâu khảo sát chi tiết về các vấn đề rất cụ thể để nắm bắt những phản ánh của người dân được chọn ngẫu nhiên. Để tăng trách nhiệm giải trình của chính quyền, việc đầu tiên là thực hiện tốt Luật Tiếp công dân. Không ai khác, chính quyền địa phương nên tăng tính chủ động giải trình; cầu thị, lắng nghe ý kiến của công dân. Trên thực tế, chúng tôi thấy rằng, ở đâu có sự cầu thị, lắng nghe, đối thoại thì ở đó giải quyết tốt các vấn đề.
* Xin cảm ơn bà!
THÙY THẢO (thực hiện)