Ổ dịch lớn nhất Đức trở thành phòng thí nghiệm virus SARS-CoV-2
Các nhà nghiên cứu tại Đức sẽ theo dõi cuộc sống của hàng nghìn người dân tại quận Heinberg, ổ dịch lớn nhất nước Đức, để tìm ra cách thức lây lan của virus SARS-CoV-2.
Theo trang The Guardian (Anh), các nhà khoa học Đức tuyên bố sẽ nghiên cứu về cách thức lây lan và tồn tại của virus SARS-CoV-2 bằng cách biến khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất trên cả nước trở thành phòng thí nghiệm thực tế.
Virus SARS-CoV-2 đã khiến 1.281 người nhiễm bệnh và 34 trường hợp tử vong tại quận Heinsberg, bang Bắc Rhein-Westfalen, giáp Hà Lan. Khu vực này bị coi là ổ dịch lớn nhất của Đức và bị gọi là “Vũ Hán của nước Đức”.
Dự án nghiên cứu tại quận Heinsberg sẽ bắt đầu dưới sự giám sát của các nhà nghiên cứu virus hàng đầu nước Đức và 40 sinh viên y khoa. Các nhà khoa học sẽ theo dõi hoạt động của 1.000 cá nhân, các hộ gia đình để nghiên cứu cách thức lây lan của loại virus này.
Giáo sư Hendrik Streeck, Trưởng khoa Virus học tại Đại học Bonn, cho biết sẽ dùng kết quả của thí nghiệm để lập kế hoạch chi tiết về cách đối phó với virus hiệu quả hơn trong những năm tới.
“Đây là cơ hội lớn cho cả nước Đức. Chúng tôi sẽ thu thập thông tin và đưa ra các khuyến nghị về những biện pháp đối phó với COVID-19 và làm thế nào để chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh một cách hiệu quả hơn”, ông nói.
Các nhà khoa học sẽ đi đến 500 hộ gia đình cũng như các trường mẫu giáo, bệnh viện để nghiên cứu cách thức lây lan của virus. Sau đó họ sẽ xem xét mọi khía cạnh của đời sống hàng ngày, từ mức độ trẻ em lây lan sang người lớn, và phương thức lây lan trong các gia đình từ các vật dụng từ điện thoại di động, tay nắm cửa, cốc uống nước và điều khiển tivi, cho đến việc vật nuôi có thể lây lan căn bệnh hay không.
“Chúng tôi muốn tìm ra cách thức lây lan dịch bệnh với mục đích cuối cùng là giúp con người có thể tự do đi lại mà không sợ nhiễm virus. Từ những phát hiện đó, chúng tôi sẽ đưa ra các đề xuất, khuyến nghị mà các chính trị gia có thể sử dụng để đưa ra biện pháp phòng dịch”, ông nói.
Bằng cách thử nghiệm khả năng miễn dịch của những người tham gia nghiên cứu đối với COVID-19, các nhà khoa học cũng có thể xác định số lượng trường hợp mắc bệnh chưa được phát hiện trên toàn quốc.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả đầu tiên của thí nghiệm dự kiến sẽ có trong tuần tới, dù việc thu thập dữ liệu sẽ mất đến vài tuần và quá trình phân tích dữ liệu có thể sẽ được thực hiện trong nhiều tháng đến vài năm.