Ổ dịch mới, lũ lụt lịch sử khiến TQ vỡ mộng phục hồi kinh tế
Những ổ dịch mới cùng lũ lụt nghiêm trọng có thể kìm hãm sự phục hồi của Trung Quốc từ đại dịch Covid-19 do hai lĩnh vực tiêu dùng và xây dựng đều có thể chịu tổn hại nặng nề.
Trung Quốc đã tránh được suy thoái với nền kinh tế tăng 3,2% trong quý II năm 2020. Đây là nền kinh tế lớn đầu tiên cho thấy sự phục hồi từ thiệt hại do đại dịch gây ra sau khi GDP giảm 6,8% trong quý đầu của năm.
Song tiêu dùng, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, vẫn là một điểm yếu của Trung Quốc, sau khi bán lẻ - phép đo tiêu dùng chính - đã giảm 1,8% trong tháng 6, dù vẫn tốt hơn mức giảm 2,8% trong tháng 5.
"Tiêu dùng vẫn còn yếu. Doanh số bán lẻ đang ổn định, nhưng ngay cả trong tháng 6, vẫn ở dưới mức được ghi nhận cùng thời điểm năm 2019", Shaun Roache, chuyên gia kinh tế của S&P Global Ratings, cho biết. "Tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn chắp vá do sự phục hồi chật vật ở phần còn lại của thế giới".
Và con đường phục hồi của Trung Quốc có thể bị kìm hãm tình hình mưa lũ lịch sử với mức độ tàn phá nghiêm trọng nhất, làm gián đoạn sản xuất và xây dựng, động lực chính cho tăng trưởng của Trung Quốc trong quý vừa qua.
Lũ lụt gây thiệt hại gần 21 tỷ USD
"Các công ty nhỏ tiếp tục đối mặt với áp lực về cả cung và cầu", Zhao Qinghe, quan chức cấp cao tại Cục Thống kê Quốc gia (NBS), nói khi công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc hôm 31/7.
"Một số doanh nghiệp... đã báo cáo rằng thiên tai liên quan đến lũ lụt đã gây ra sự gián đoạn về hậu cần và giao thông vận tải, cùng với các vấn đề như nhà máy, thiết bị và hàng tồn kho bị ngập lụt".
Chỉ số PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc là 51,1 trong tháng 7, với mức trên 50 cho thấy sản lượng nhà máy gia tăng, trong khi chỉ số PMI phi sản xuất là 54,2, với cả 2 khảo sát cho thấy triển vọng tích cực trong năm tháng liên tiếp.
Theo các nhà phân tích, nhu cầu sụt giảm và việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa ở một số địa phương của Trung Quốc vì sự gia tăng trở lại số ca nhiễm virus coroma cũng được cho sẽ làm tăng thêm áp lực đối với tiêu dùng.
"Lũ lụt đã tàn phá nhiều nơi. Nhưng tôi nghĩ rằng, ở cấp độ kinh tế vĩ mô, thiệt hại không đủ lớn để thực sự ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra, có thể có một số tác động đến giá lương thực, nhưng những điều đó có thể chỉ là nhất thời và không đáng kể", Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế châu Á tại Oxford Economics, nói.
"Tôi nghĩ những ca Covid-19 mới có khả năng có tác động lớn hơn, về mặt kinh tế vĩ mô, vì sự bùng phát dịch bệnh ở một nơi có thể ảnh hưởng đến hành vi của người dân trên toàn quốc, nếu nói về chuyện mọi người không muốn ra ngoài và hoạt động như bình thường".
Chính phủ Trung Quốc ước tính thiệt hại kinh tế do lũ lụt, đã ảnh hưởng đến 27 tỉnh, thành và khu tự trị của Trung Quốc, có thể lên đến 144,43 tỷ nhân dân tệ (20,6 tỷ USD).
"Lũ lụt năm nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện sản xuất và sinh hoạt ở một số địa phương", phát ngôn viên của NBS, Liu Aihua, nói khi bình luận về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong quý II hồi đầu tháng này.
Huatai Securities cho biết trong một báo cáo tuần trước rằng đầu tư tài sản cố định trong tháng 7 có thể giảm nhẹ xuống còn khoảng 4% đến 4,5%, từ mức 5,3%, do đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản giảm vì mưa lớn.
Thách thức chống dịch gia tăng
Tuần vừa rồi, Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm virus corona mới cao nhất trong hơn 3 tháng rưỡi, với phần lớn đến từ khu tự trị Tân Cương ở phía tây bắc.
Ít nhất 9 thành phố của Trung Quốc cũng đã báo cáo các ca liên quan đến Đại Liên, thành phố cảng thuộc tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc, nơi một cụm lây nhiễm mới xuất hiện trong tuần qua.
Tập đoàn Thủ đô Quốc tế Trung Quốc (CICC) cho biết trong một báo cáo hôm 29/7 rằng đợt lây nhiễm mới ở Trung Quốc và các quốc gia khác có thể gây thiệt hại cho tiêu dùng.
Sau khi Bắc Kinh chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm trở lại vào tháng 6, doanh số bán lẻ tại thủ đô của Trung Quốc đã giảm 26,8% so với cùng tháng năm ngoái. Hồi tháng 5, mức giảm so với cùng tháng năm ngoái là 18%.
"Kể từ tháng 7, đợt thứ hai của đại dịch ở Bắc Kinh về cơ bản đã được kiểm soát, nhưng một đợt mới đã bùng phát ở Tân Cương và Liêu Ninh", báo cáo của CICC cho biết.
"Nhật Bản, Singapore, Hong Kong và những nơi khác vốn phòng chống dịch bệnh tốt đang chứng kiến một đợt lây nhiễm mới, phản ánh khó khăn ngày càng tăng trong việc phòng chống dịch bệnh toàn cầu. Nếu có thêm nhiều tỉnh trải qua đợt bùng phát thứ hai trong tương lai, việc phục hồi tiêu dùng nội địa sẽ bị trì hoãn".
Những ổ dịch mới cũng có thể đè nặng lên lĩnh vực dịch vụ ở Trung Quốc vì các biện pháp phong tỏa ở một số khu vực, ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản cho biết trong một báo cáo hôm thứ 28/7.
Các nhà phân tích của Nomura cũng cho rằng ngành sản xuất sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn vì nhu cầu giảm và lũ lụt đang diễn ra.
"Chúng tôi tin rằng Bắc Kinh có thể sẽ duy trì lập trường nới lỏng trong suốt thời gian còn lại của năm nay vì nền kinh tế vẫn còn lâu mới hồi phục hoàn toàn và đối mặt với sự bất định gia tăng", Nomura nói.