Ở lại ăn Tết với Sài Gòn được không?
Quanh năm nắng chói chang, nhưng những ngày cuối năm bao giờ Sài Gòn cũng se se lạnh. Vài năm nay, hậu quả biến đổi khí hậu toàn cầu, khiến Sài Gòn có thêm nhiều ngày giáp Tết có nhiệt độ xuống thấp.
Hoài niệm Tết trong thơ xưa
Bên cạnh âu lo môi trường sống đang gánh chịu quá nhiều áp lực tàn phá của con người hiện đại, thì thời tiết ấy cũng giống như một món quà cho những người yêu Sài Gòn. Trời nhiều mây râm mát, giúp mùa xuân Sài Gòn lơ đãng lá vàng bay qua những con đường kỷ niệm.
1. Sài Gòn càng gần Tết càng vắng vẻ. Đó là bức tranh đặc trưng của một đô thị nhập cư. Khi những tờ lịch tháng Chạp được đếm ngược, thì Sài Gòn lại lặng lẽ tiễn biệt những dòng người hối hả về quê ăn Tết. Bịn rịn mà không day dứt, bồi hồi mà không ngậm ngùi.
Sài Gòn chấp nhận các cuộc chia tay ngày Tết như một phần của thành phố bao dung và độ lượng. Sài Gòn không trách móc, Sài Gòn không giận hờn, Sài Gòn không oán than… Chỉ có những vỉa hè ngơ ngác ngóng trông theo đoàn lữ thứ đi ngược hành trình nhọc nhằn áo cơm.
Tôi được Sài Gòn cưu mang hơn một phần tư thế kỷ, nhưng tôi chưa bao giờ đón giao thừa ở Sài Gòn. Tôi cũng như bao người lập nghiệp ở Sài Gòn khác, vẫn còn chốn chôn nhau cắt rốn để trở về trước đêm trừ tịch. Sài Gòn là quê hương thứ hai, hào phóng và nghĩa tình.
Thế nhưng, Sài Gòn vẫn không níu giữ bất kỳ ai muốn quay lại cội nguồn của họ mỗi dịp Tết. Đôi khi tôi thấy mình như một kẻ phụ bạc với Sài Gòn trước mùa xuân ấm áp. Ở lại ăn Tết với Sài Gòn được không? Nhiều lần tôi tự hỏi như vậy, nhưng cũng không quyết định được.
Thời gian nhích dần vào tháng Giêng, thì từng cửa hiệu ngoài phố tạm nghỉ và từng căn nhà hàng xóm khóa cửa, lại làm tôi sốt ruột vùng chạy về phía ánh mắt mong chờ của thân nhân mình ở miền Trung, như một kẻ yếu đuối thất bại trước cuộc giằng co với râm ran ký ức ấu thơ.
Nơi ấy, tôi thèm nhìn lại đồi cỏ ấu thơ vẫn xanh rờn trong giấc mơ. Nơi ấy, tôi thèm thấy lại vạt khói lãng đãng từ góc bếp của mẹ lui cui chuẩn bị bữa cơm tất niên. Nơi ấy, tôi thèm gặp lại những người bạn cũ lầm lũi xóm nghèo bình yên… Tất cả không có nét gì hoa mỹ, mà tất cả đều gợi nhắc cồn cào.
Sau khi lập gia đình, tôi càng không có kế hoạch ăn Tết ở Sài Gòn. Bởi lẽ, tháng Chạp Sài Gòn nôn nao trong đôi mắt vợ tôi được quay lại ngôi nhà tuổi nhỏ. Bởi lẽ, tháng Chạp Sài Gòn rộn ràng trong đôi mắt con tôi được níu tay ông bà qua phiên chợ Tết. Tôi có rất nhiều người quen gốc gác Sài Gòn, họ luôn mời mọc ở lại Sài Gòn cùng chơi Tết nhưng chưa bao giờ tôi thực hiện được.
Thậm chí có người trong số họ đang định cư ở nước ngoài, cứ hẹn Tết về Sài Gòn để cùng nhau uống ly cà phê sáng mồng Một ở khu vực Nhà thờ Đức Bà, tôi rất trân trọng tình cảm ấy mà cũng chưa có cách nào chiều lòng họ… Tôi vẫn tự vấn, mình thờ ơ với Sài Gòn quá chăng, mình lạnh lùng với Sài Gòn quá chăng? Không, tôi rất yêu Sài Gòn, yêu từng con đường in dấu giày trai trẻ vừa sôi nổi vừa bồng bột của bản thân.
Sài Gòn đã cho chàng trai tỉnh lẻ như tôi có được cơ hội để lập thân và lập nghiệp. Nếu Sài Gòn không dang vòng tay đón nhận, có lẽ cuộc đời tôi sẽ đơn điệu và tẻ nhạt hơn rất nhiều. Vì vậy, mỗi cái Tết thì tôi nghĩ về Sài Gòn như một người tình nhẫn nại và nhân hậu. Bây giờ, đối với tôi, rời Sài Gòn để đi ăn Tết chứ không phải về ăn Tết. Tôi tạm xa Sài Gòn để đi ăn Tết ở cố hương, rồi lại về Sài Gòn cùng những ngổn ngang thân thuộc thường nhật!
2. Tôi không thể nào quên ấn tượng đầu tiên với Sài Gòn. Đó là năm tôi 10 tuổi, được theo cha tôi đi Sài Gòn. Lúc xe vượt qua cầu Sài Gòn để vào ngã tư Hàng Xanh lúc nửa đêm thì tôi lóa hết mắt vì ánh điện. Thằng bé nhà quê là tôi chưa bao giờ thấy nhiều ánh điện như thế. Tôi sững sờ đến mức sung sướng, và chẳng hiểu sao tôi nói liều với cha tôi rằng: "Lớn lên con sẽ sống ở Sài Gòn!".
Cha tôi chỉ cười, cái cười thoáng chút tư lự và bâng khuâng. Cha tôi cũng từng trải qua thanh xuân ở Sài Gòn, nhưng rồi ông cũng về miền Trung để chăm lo mồ mả ông bà. Cha tôi chấp nhận làm thầy thuốc ở một thị xã khiêm tốn và an phận. Có lẽ câu nói hồn nhiên của tôi đã chạm vào ước mơ sâu thẳm khuất lấp trong tâm hồn ông chăng? Tôi không biết và cũng không hỏi.
Lần ấy, cha tôi vào Sài Gòn để mua thuốc đông y phục vụ cho công việc chữa bệnh của ông. Mượn được một chiếc xe đạp, ông chở tôi xuống đường Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5. Thực sự tôi choáng ngợp. Những vị thuốc tôi từng thấy trong những ngăn tủ xinh xắn ở phòng mạch của cha tôi như đương quy, hoàng bá, sinh địa, xuyên khung, cam thảo… được đựng trong những cái bao rất to. Phải nói, mỗi cửa hiệu dọc ở đây đều là những vựa thuốc khổng lồ.
Đặc biệt, mỗi cửa hiệu đều có một ông thầy lang râu tóc bạc phơ ngồi bắt mạch kê đơn, mà tôi cứ hình dung đó là hiện thân của danh sư Lê Hữu Trác… Và cũng ở đây, tôi nhận ra cách cư xử riêng biệt của người Sài Gòn. Sau khi cân thuốc cho cha tôi, ông chủ vói tay hốt một nắm táo khô bỏ thêm vào túi hàng, cùng câu nói hào hiệp "để cháu nó nhai cho vui miệng".
Tôi ngạc nhiên lắm. Cha tôi bảo "người ta khuyến mãi". Thằng bé ngơ ngác thuở ấy không thể hiểu "khuyến mãi" là gì, nhưng vị ngọt của những trái táo khô và mùi thơm thuốc bắc của con đường Hải Thượng Lãn Ông, mãi mãi trở thành một phần hồn vía Sài Gòn trong tôi!
Con đường Hải Thượng Lãn Ông càng gắn bó hơn từ khi tôi vào Sài Gòn để làm sinh viên đại học. Tôi vẫn nhớ cô bạn đầu tiên tôi quen ở giảng đường cũng nhờ… hương liệu đông y. Khi cùng đứng chờ mua nước uống ở căng tin của trường, tôi đã phát hiện "em có mùi thuốc bắc". Cô bạn quay lại, gật đầu: "Ba của em bị bệnh. Sáng nay em sắc thuốc cho ba, trước khi đến lớp!".
Từ đấy, chúng tôi thân nhau. Khi tôi cầm tấm bằng cử nhân để ở lại Sài Gòn mưu sinh, thì cô bạn cùng gia đình sang Mỹ sinh sống. Xa cách hai thập niên, thỉnh thoảng vẫn chào nhau qua điện thoại hoặc email, nhưng mỗi người đều thay đổi rất nhiều.
Gần đây tái ngộ, cô bạn tóc ngắn vai gầy thích đọc tiểu thuyết lãng mạn dạo trước, đã là một nữ doanh nhân thành đạt bên kia bờ đại dương. Thế nhưng, chúng tôi vẫn còn một câu chuyện chung để trao đổi và đồng cảm với nhau, có liên quan đến… mùi thuốc bắc.
Cô bạn thổ lộ: "Ba của em mất rồi, kỷ vật mà em giữ lại là cái siêu thuốc bằng đất nung mà ngày xưa em từng dùng sắc thuốc cho ba! Mỗi dịp về Sài Gòn, em đều tìm cớ đi ngang đường Hải Thượng Lãn Ông để hít thật sâu mùi thuốc bắc, mà ngỡ như ba mình vừa uống xong chén thuốc hôm nào!". Chẳng rõ vì sao, lúc nghe tâm sự ấy, tôi bỗng dưng mường tượng con đường Hải Thượng Lãn Ông không phải là một đoạn ngắn từ chợ Kim Biên đến Bưu điện Quận 5, mà là một đại lộ vươn dài thăm thẳm theo thương nhớ!
Có lẽ cảm thấy có lỗi vì phải rời xa Sài Gòn dịp Tết, tôi luôn khó ngủ những ngày cuối năm. Tôi thường dậy sớm hơn bình thường, để nghe thoáng gió lạnh của Sài Gòn tháng Chạp lướt qua da thịt mình. Và khi công việc bộn bề tổng kết năm cũ đã khép lại, tôi thường rong xe chầm chậm qua những phố quen, như nghi lễ người yêu tạm biệt người yêu với bao nhiêu hẹn hò chưa dứt.
Những ngày giáp Tết, cái nắng nhẹ trên các con đường đã thưa bớt người chen lấn, đủ để Sài Gòn thênh thang hơn, quyến rũ hơn. Sài Gòn lúc nào cũng có vẻ đẹp của năng động, của nhộn nhịp, của sầm uất, của ganh đua, của ồn ào, của hối hả…
Thế nhưng, Sài Gòn cuối năm lại có vẻ đẹp của thong dong, của nhàn tản, của mơ mộng, của bồi hồi… Tôi thích cái khác lạ của Sài Gòn những ngày sắp Tết, trong vội vàng chợt có chút gượng nhẹ, trong nôn nóng chợt có chút xao xuyến, trong tê tái chợt có chút luyến lưu…
3. Sài Gòn hiu hiu Tết, giữa xô bồ danh lợi đã lắng dịu, tôi nghe được rất nhiều âm thanh ngơ ngác và trong trẻo của đời mình. Nghe được tiếng rao lạc lõng con hẻm quanh co bên cầu Thị Nghè. Nghe được tiếng lá rơi thảng thốt ban trưa công viên Tao Đàn. Nghe được tiếng khua chèo chậm rãi qua kênh Tàu Hũ…
Cảm ơn từng mùa xuân Sài Gòn đã cho tôi lớn lên. Cảm ơn từng mùa xuân Sài Gòn đã cho tôi biết giá trị của sum vầy và hy vọng…
Xuân Canh Tý 2020
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/o-lai-an-tet-voi-sai-gon-duoc-khong-578370/