Ở lại thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm hay về quê lập nghiệp?
Cứ mỗi mùa tốt nghiệp đại học, nhiều sinh viên năm cuối lại đau đầu với câu hỏi: Ở lại thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm hay về quê lập nghiệp? Những người trong cuộc và chuyên gia sẽ nói gì?
Áp lực của người ở lại
Ngay từ 4 năm trước đặt chân lên Hà Nội nhập học, Ngọc Bích (sinh viên năm tư Học viện Ngân Hàng) đã vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp ở mảnh đất này. Nữ sinh cho rằng thành phố là mảnh đất màu mỡ để mình phát triển, cũng như vì đa số bạn bè đều ở đây mà nếu lựa chọn quay về sẽ rất cô đơn, lạc lõng. “Ngày trước mình chọn ở lại thành phố vì mình muốn trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ. Thành phố cho mình nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn, tiếp xúc với nhiều người, đem lại cho mình nhiều bài học để mình trưởng thành”, Ngọc Bích bộc bạch.
Nhưng đâu có giống như tưởng tượng, hiện thực cuộc sống khiến cho Ngọc Bích không ít lần tự hỏi bản thân đã lựa chọn đúng hay chưa. Cô chia sẻ với tiền trọ 3 triệu đồng/ tháng, tiền xăng xe, ăn uống cũng như một số nhu cầu cá nhân khác với mức lương của sinh viên mới ra trường thì mọi chi phí đều phải rất tiết kiệm. Ngoài ra, áp lực công việc khiến cô nàng luôn cảm thấy mệt mỏi, đuối sức.

Ngọc Bích cho biết bản thân chọn ở lại phần nhiều vì muốn trải nghiệm thêm. (Ảnh: NVCC)
“Mỗi ngày tan làm nhìn dòng người đông đúc mà mình chỉ ước bản thân giờ ở quê, đi có 10 phút mà về tới nhà rồi. Song nhiều khi mình muốn gửi chút tiền về cho gia đình mà cũng khó vì nuôi bản thân thôi còn chưa đủ. Khó khăn lớn nhất vẫn là phải xa gia đình, tự lập mọi thứ, nhất là khi ốm đau phải tự chăm sóc”.
Tương tự, Trà My sinh viên năm cuối Học viện kỹ thuật mật mã lựa chọn ở lại vì nghĩ sẽ có nhiều môi trường doanh nghiệp cho mình va chạm. Cộng với tính cách sôi nổi, thích tham gia các hoạt động mà với nữ sinh việc trở về quê hương làm việc là điều khó có thể xảy ra.
Dẫu vậy để tìm được việc làm ổn định, Trà My đã đổi chỗ làm việc đến lần thứ 5. Chưa có nhiều kinh nghiệm, tỷ lệ cạnh tranh cao là lý do chính khiến cô chưa tìm ra được công ty phù hợp. Đây cũng là tình cảnh chung mà sinh viên năm cuối phải đối mặt khi theo học những ngành nghề hot. Một trong số họ sẽ chấp nhận làm công việc lương thấp bấp bênh để duy trì cuộc sống, cùng kỳ vọng sẽ rèn luyện, tích lũy thêm năng lực.
Trà My tâm sự: “Ban đầu mình nghĩ ngành Công nghệ thông tin sẽ có nhiều điều kiện thăng tiến khi ở thành phố. Về sau đi làm mình mới thấy bản thân chưa có kinh nghiệm nên để tìm được công việc lương cao ổn định là rất khó. Bù lại mình có bạn bè ở bên nên thỉnh thoảng lại rủ nhau đi chơi, tâm sự vì thế một phần áp lực cũng được giải tỏa. Giờ mà ở nhà, số người mình có thể nói chuyện không có nhiều vì đa số mọi người chọn ở lại thành phố rồi. Nếu được chọn lại chắc mình vẫn quyết định ở đây, dù có khó khăn nhưng cho mình va vấp, từ đó mang lại trải nghiệm và bài học quý giá”.
Ở không được mà về cũng chẳng xong
Dù mới đang trong giai đoạn hoàn thành khóa luận để tốt nghiệp, Như Quỳnh hiện đang là sinh viên năm tư Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã gửi hồ sơ xin việc đến nhiều công ty. Thế nhưng nhiều tháng trôi qua việc chưa tìm được công việc ưng ý khiến nữ sinh cảm thấy tuyệt vọng, mông lung về cuộc sống mình hằng mong ước ở Hà Nội. Giữa lúc tâm trí rối bời, ý định “trở về” lại nhen nhóm trong cô.
“Về quê mình được ở gần bố mẹ, ăn ở cũng tiết kiệm hơn. Công việc ở quê dù không nhiều như ở thành phố nhưng mình cảm thấy nó ít áp lực hơn, ít nhất là mức sống ở đây không quá đắt đỏ như lúc mình học đại học. Nhưng đâu phải cứ về là xong, về quê gần như là mình phải làm lại tất cả mọi thứ từ đầu”, Như Quỳnh chia sẻ.

Như Quỳnh vẫn còn phân vân không biết nên ở lại hay trở về quê sinh sống. (Ảnh: NVCC)
Được biết, ngay từ năm nhất Như Quỳnh đã thử sức với ngành Marketing và đã có khá nhiều kinh nghiệm với lĩnh vực này. Bởi thế mà khi về quê, cô nàng gần như phải lựa chọn một ngành nghề mới. Thời gian đầu chắc chắn sẽ có khó khăn và thử thách. Tâm lý ngại ngùng, e dè cũng vì thế mà xuất hiện ở các bạn sinh viên khi lựa chọn về quê lập nghiệp.
Theo Như Quỳnh, bản thân sẽ chưa vội quyết định ở lại hay trở về mà dành thời gian để hiểu con người mình hơn. Đầu tiên là xác định mục tiêu và con đường mình đi để lựa chọn môi trường tốt nhất. “Mình nghĩ ở đâu cũng có thử thách, ở thành phố thì áp lực công việc, ở quê thì có phần hụt hẫng với lo sợ sự nghiệp trong tương lai không được phát triển. Cho nên với mình đâu cũng được miễn là bản thân quyết tâm thì dù ở thành phố hay quê thì đều có thể thành công”, nữ sinh nhắn nhủ.
Ý kiến chuyên gia
Là một người có nhiều năm gắn bó với các thế hệ sinh viên, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong, tác giả sách Trường học hay Trường đời, chia sẻ: Ở lại hay về quê hương lập nghiệp luôn là câu hỏi lớn của nhiều bạn sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, về quê hay ở lại, làm bất cứ công việc gì nếu muốn thành công thì đều phải thỏa mãn 3 yếu tố quan trọng: Được làm công việc mình giỏi nhất (sở trường); Công việc mình yêu thích nhất (sở thích); Công việc đem lại cho mình nhiều tiền nhất. Chính mỗi bạn sinh viên phải đưa ra quyết định cho bản thân vì không ai hiểu bạn bằng chính bạn.