Ở nhà bán hầm thì chết, nhưng dân nghèo Seoul cũng không biết đi đâu
Sohn Mal-nyeon (77 tuổi) chuyển tới căn nhà bán hầm ở Seoul từ khi con gái bà (hiện 51 tuổi) mới chập chững biết đi. Dù bất tiện, bà không có lựa chọn khác vì nơi này rẻ.
Vào tháng 6, chồng bà Sohn Mal-nyeon đã chuyển đến viện dưỡng lão ở Namyangju, cách Seoul khoảng 1 giờ lái xe, để lại bà sống một mình.
Vào đêm đầu tiên của trận mưa kỷ lục ở Seoul, trung tâm dịch vụ cộng đồng địa phương đã gọi điện và bảo bà tới trú tạm cùng một số người hàng xóm.
"Tôi đã không đi. Tôi cố gắng ngăn nước bằng cách dùng một cái xô và cây lau nhà", bà kể. Tuy nhiên, dòng nước tràn vào từ nhà bếp và phòng tắm - những nơi có cửa sổ trong nhà - rồi ngập đến đầu gối. Bà mô tả đó là thứ nước đen ngòm, bốc mùi, theo Korea Herald.
"Có thể là do nước thải tràn vào. Tôi dường như không thể thoát ra khỏi cái mùi hôi đó. Điện đã có trở lại nhưng tủ lạnh của tôi bị hỏng, tất cả thức ăn đã hư. Nền nhà và bàn ghế vẫn còn ướt, chắc tôi không thể dùng nữa".
Hiện, bà Sohn ở tạm trên phòng gác mái tòa nhà. Trước thông tin về kế hoạch loại bỏ nhà bán hầm của thành phố, những ngôi nhà như nơi bà đang sống, cụ bà 77 tuổi cho rằng điều này không dễ dàng.
Không còn lựa chọn
Ba ngày qua, Seoul và các khu vực xung quanh đã phải hứng chịu đợt mưa kỷ lục trong hơn 80 năm, gây nhiều hỗn loạn về giao thông và cuộc sống của nhiều người dân.
Tại quận Gwanak, thủ đô Seoul, một gia đình 3 người, trong đó có một trẻ em 13 tuổi đã bị mắc kẹt dưới căn nhà bán hầm ngập nước và thiệt mạng.
Hôm 10/8, Seoul thông báo rằng trong 2 thập kỷ tới sẽ loại bỏ tất cả hình thức nhà ở tầng hầm hoặc bán hầm, còn gọi là banjiha. Tính đến năm 2020, 5% tổng số ngôi nhà ở Seoul, tương đương 200.000 căn, thuộc dạng này.
Thị trưởng Oh Se-hun cho biết trong một thông cáo báo chí rằng những ngôi nhà banjiha là "công trình kiến trúc đe dọa sự an toàn của người dân cư ngụ" và cần được loại bỏ.
"Đây sẽ là dự án dài hạn nhằm cải thiện sự an toàn của các ngôi nhà trên toàn thành phố", ông nói. Nhưng đối với nhiều cư dân banjiha, rời đi hay không chẳng phải là điều họ có thể quyết định.
"Mọi người mong đợi những người như chúng tôi làm gì đây? Chúng tôi sống ở đây vì giá rẻ hơn. Ở nhà bán hầm thì chết, nhưng dân nghèo Seoul cũng không biết đi đâu", bà Sohn chia sẻ.
Bà Baek, một cư dân banjiha khác ở cùng khu phố, cũng đã dành cả cuộc đời ở trong nhà bán hầm. Dù nhận thức được nguy hiểm, bà cho hay "không biết phải đi đâu".
People Power 21, một nhóm dân sự có trụ sở tại Seoul, đã chỉ ra trong một tuyên bố hôm 11/8 rằng chính quyền thành phố từng nhiều lần thất bại trong việc điều chỉnh các khu dân cư "không thể ở được", bao gồm cả nhà bán hầm.
Theo nhóm này, năm 2012, dù luật sửa đổi cấm xây dựng thêm các ngôi nhà dạng banjiha, hàng chục nghìn căn vẫn xuất hiện do sơ hở giám sát.
"Thảm họa ngập nước dẫn đến cái chết của những người vừa qua đã có thể ngăn chặn nếu Seoul thực hiện được các bước từng đề xuất trong quá khứ".
Chang Dukjin, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận xét loại bỏ banjiha là “một bước đi đúng hướng, theo đó có thể nâng cao mức sống tối thiểu”.
"Nhưng phần thách thức sẽ là phải có ngân sách thực tiễn để giúp người dân tái định cư, cung cấp cho họ các lựa chọn nhà ở thay thế".
Hôm 10/8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol kêu gọi sắp xếp nhà ở thuộc sở hữu chính phủ cho cụ bà 70 tuổi mất 2 con gái và một người cháu trong trận mưa vừa qua. Sau khi đến thăm ngôi nhà bán hầm của cụ bà, ông Yoon nói trong một cuộc họp rằng "không bao giờ được để xảy ra những thảm kịch có thể ngăn ngừa nữa".