Ở nhà chăm con, 9X làm điều khiến nhiều người xuýt xoa
Để móc được một búp bê bằng len, mọi công đoạn đều phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo nhưng Tuyết Nhi không ngại khó, kiên trì tạo ra 'đứa con tinh thần' đẹp nhất có thể.
Biết móc len từ năm học lớp 8, Nguyễn Thị Tuyết Nhi (SN 1997, quê Lâm Đồng) hiện sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh luôn ấp ủ một ngày nào đó có thể thực hiện được đam mê. Tuy nhiên thời gian đi học, Tuyết Nhi chưa có điều kiện để làm điều mình muốn. Ước mơ móc len đành gác lại trong đầu cô gái trẻ.
Sau này lập gia đình rồi sinh con, việc chăm con chiếm nhiều thời gian nên Tuyết Nhi quyết định ở nhà, dành tâm sức cho con nhỏ.
Cũng trong khoảng thời gian này cô bắt đầu công việc móc len. Sau một thời gian hồi tưởng lại những kiến thức vốn có cộng với việc tham khảo cách móc len tạo hình búp bê trên mạng, Tuyết Nhi dần củng cố được tay nghề.
Tháng 2/2020, cô chính thức bước vào công việc móc những chú búp bê xinh xắn với hi vọng có thể mang sản phẩm của mình đến với mọi người.
Theo Nhi, để móc được búp bê, việc đầu tiên là phải biết các mũi móc cơ bản, sau đó mới đến việc đọc công thức móc và tiến hành.
"Móc len cũng giống như nấu ăn vậy, cần có công thức móc và những công thức này người trong nghề nhìn là sẽ hiểu. Từ các công thức đó bạn có thể tạo ra các sản phẩm khác nhau tùy thuộc vào tay nghề, kỹ thuật", Tuyết Nhi chia sẻ.
Ban đầu, công việc móc búp bê không hề đơn giản. Từ khâu chọn chất liệu len đến tạo hình, trang trí đều phải hết sức tỉ mỉ, tinh tế. Tuyết Nhi tham khảo kiến thức cũng như ý tưởng ở một số trang mạng để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện và xinh xắn nhất.
Theo Tuyết Nhi, người móc búp bê bằng len không chỉ cần tay nghề khéo léo mà còn phải rất kiên trì và có khiếu thẩm mỹ trong việc phối màu. Mũ, giày, quần áo, phụ kiện… của búp bê phải được kết hợp sao cho hài hòa và sinh động.
“Những nàng búp bê mình làm đều được móc bằng len, từng mũi móc, từng cái cúc áo, từng cái nơ đều được đính thủ công hoàn toàn. Chất liệu len mình chọn thường là milk mác xanh, milk cotton 125gr, milk xuất Hàn” Tuyết Nhi cho biết.
“Công việc móc búp bê bằng len có nhiều khó khăn. Một số công thức khó mình phải tư vấn ý kiến của những người cùng làm. Điều may mắn là các chị em rất nhiệt tình giúp đỡ nên khó đến mấy cũng cùng nhau gỡ rối được. Có một số lần móc chưa được như ý nhưng khi giao đến tay khách hàng, họ lại rất thông cảm với mình. Đó là điều mình cảm thấy rất vui”, Tuyết Nhi nói.
Nhờ có sự thông cảm cũng như tín nhiệm của khách hàng, mỗi ngày Tuyết Nhi đều không ngừng nỗ lực, cố gắng để cho ra những sản phẩm hấp dẫn, đẹp mắt nhất. Tạo hình búp bê càng đa dạng, sinh động càng hấp dẫn nên Nhi không ngừng nghĩ ra các cách kết hợp hài hòa hơn, màu sắc bắt mắt hơn. Sản phẩm của cô được các em nhỏ thích thú.
“Thời gian để tạo ra một sản phẩm thông thường mất khoảng 1-2 ngày. Chi phí cho mỗi con búp bê khoảng 100-200 nghìn đồng tùy vào mẫu mã và chất liệu len móc”, Nhi nói thêm.
Đối với Nhi, móc len là đam mê và cũng là công việc giúp cô có thêm thu nhập. Vì vậy Tuyết Nhi không ngừng sáng tạo, nâng cao tay nghề để đáp ứng yêu cầu cũng như thẩm mỹ của khách hàng.
Nhiều người tìm Nhi để xin học nghề, Nhi không ngần ngại chia sẻ.
Cô cho hay, bản thân luôn sẵn sàng giúp mọi người có chung đam mê nuôi dưỡng “đứa con tinh thần”.
Với Tuyết Nhi, may mắn là luôn được gia đình, người thân ở bên ủng hộ. Dù các sản phẩm chưa thực sự nhiều nhưng Tuyết Nhi hi vọng trong tương lai có thể phát triển thêm nữa cả về chất lượng và mẫu mã.
“Nếu ai hỏi hạnh phúc là gì, mình sẽ chẳng ngần ngại mà nói, hạnh phúc chính là ngày ngày cầm kim tạo nên những sản phẩm đẹp. Len sợi vốn không còn xa lạ, rất nhiều anh chị đã tạo ra vô vàn sản phẩm về len sợi. Mình cũng chỉ là một hạt cát nhỏ trên sa mạc có niềm đam mê mãnh liệt với búp bê mà thôi. Vậy nên mỗi ngày mình không ngừng trau dồi kiến thức và tay nghề của bản thân. Sau mỗi tác phẩm hoàn thiện là những lần đúc kết, rút kinh nghiệm”, Tuyết Nhi bộc bạch.