Ô nhiễm ánh sáng toàn cầu gia tăng, 50% số ngôi sao 'biến mất'
Ô nhiễm ánh sáng toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng khiến số lượng các ngôi sao có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên bầu trời đêm giảm hơn một nửa trong vòng 18 năm qua.
Đó là kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Thiên văn học, Quang học-Hồng ngoại Mỹ và đã công bố trên Tạp chí Science hôm 19-1.
Để nghiên cứu sự thay đổi độ sáng bầu trời toàn cầu bởi ánh sáng nhân tạo, các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng các quan sát sao từ năm 2011-2022, do hơn 51.000 "nhà khoa học công dân" trên khắp thế tham gia trong dự án "Quả địa cầu vào ban đêm". Họ khẳng định cứ sau mỗi năm, cường độ chiếu sáng ban đêm ngoài trời trên toàn cầu lại tăng thêm 9,6%.
Tiến sĩ Christopher Kyba, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết hầu hết các quan sát sao bằng mắt thường được thực hiện từ châu Âu và Mỹ nhưng cũng có sự tham gia tích cực ở Uruguay, Nam Phi và Nhật Bản.
Ô nhiễm ánh sáng là việc con người tạo ra ánh sáng quá mức, gây khó chịu. Nó là một phần tác động của nền văn minh công nghiệp, bắt đầu từ những nguồn như: Ánh sáng ở mặt tiền của các tòa nhà cũng như bên trong các tòa nhà, đèn quảng cáo, các cơ sở công nghiệp, văn phòng, nhà máy, đường phố và các trung tâm thể thao.
Theo nghiên cứu, thị phần đèn LED toàn cầu cho hệ thống chiếu sáng công cộng mới đã tăng từ dưới 1% vào năm 2011 lên 47% vào năm 2019.
"Khả năng nhìn thấy các ngôi sao trên bầu trời bằng mắt thường đang giảm đi nhanh chóng và có lẽ là do sự ra đời của đèn LED trong các ứng dụng chiếu sáng ngoài trời" - các nhà nghiên cứu cho biết – "Các qui định về sử dụng ánh sáng nhân tạo hiện tại khiến gia tăng ô nhiễm ánh sáng ở cả qui mô châu lục lẫn toàn cầu".
Tiến sĩ Christopher Kyba, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức, cho rằng ô nhiễm ánh sáng dẫn đến tình trạng "mất đêm" tại nhiều quốc gia và đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho tất cả: thực vật, động vật và con người.