Ô nhiễm kênh, rạch ở Long An, vì sao nên nỗi?

Tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, các khu, cụm công nghiệp, chợ, nhà trọ công nhân ngày đêm xả thải ra môi trường 'bức tử' dòng kênh, rạch xung quanh khiến nước bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Tình trạng ô nhiễm kênh, rạch ở Long An tiếp tục 'nóng'. Ảnh: H.C-D.Tr.

Mới đây, ngành chức năng tỉnh Long An đã khảo sát tại các tuyến kênh như: An Hạ, Ranh, T1. Đây là các tuyến kênh tiếp nhận nước thải từ nhiều khu, cụm công nghiệp như: khu công nghiệp Hải Sơn, khu công nghiệp Tân Đức, cụm công nghiệp Đức Hòa, cụm công nghiệp Đức Hòa Đông… và nguồn nước thải từ các nhà trọ công nhân, khu dân cư, chợ trên địa bàn.

Trong năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An đã tham mưu để UBND tỉnh xử phạt đối với KCN Tân Đức số tiền gần 2 tỉ đồng liên quan đến việc xả thải không đúng quy định. Liên quan đến vấn đề môi trường trong các công ty trên địa bàn tỉnh, sở đã tiến hành kiểm tra và xử lý 32 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 6 tỉ đồng.

Qua thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước mặt tại nhiều vị trí thuộc các kênh nói trên, ngành chức năng xác định nguồn nước mặt đã bị ô nhiễm chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng và dầu mỡ khi so với quy chuẩn so sánh QCVN 08- MT:2015/BTNMT.

Trong đó, nồng độ DO không đạt và các thông số BOD5 vượt quy chuẩn từ 1,5 đến 3,0 lần; nồng độ COD vượt quy chuẩn từ 1,3 đến 4,6 lần; nồng độ amoni vượt quy chuẩn từ 1,2 đến 7,0 lần; nồng độ sắt vượt từ 1,2 đến 5,2 lần và nồng độ tổng dầu mỡ vượt từ 1,2 đến 9,0 lần.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, tại các thời điểm kiểm tra, khảo sát, nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phần lớn được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi thải ra môi trường.

Riêng đối với hai cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ và Đức Hòa Đông, do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên nước thải từ các nhà máy trong hai cụm công nghiệp này đều thải vào đường cống thoát nước mưa của cụm và thải ra kênh T1, kênh An Hạ.

Nhiều đoạn tại kênh T1, nước xuất hiện váng dầu dày đặc trên mặt nước. Ảnh: TL.

Nước thải tại các miệng cống thoát nước mưa có màu nâu, nhiều cặn lơ lửng, nhiều mảnh nhựa nhỏ và bọt trắng nổi trên mặt nước. Theo thống kê, nước thải phát sinh tại hai cụm công nghiệp trên khoảng 650m3/ngày đêm.

Ngoài ra, trên địa bàn gần các kênh rạch vẫn còn nhiều đơn vị sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp thải nước thải với lưu lượng khá lớn ra các kênh nhánh của kênh T1, kênh An Hạ…

Đặc biệt, nước thải sinh hoạt từ các chợ, nhà trọ công nhân trên địa bàn xã Đức Hòa Hạ, xã Đức Hòa Đông (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) chưa xử lý đạt quy chuẩn thải trực tiếp ra các tuyến kênh rạch gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng nước khoảng 6.000-8.000m3/ngày đêm.

Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Long An đã yêu cầu chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tăng cường giám sát chặt chẽ việc xả thải của các doanh nghiệp thứ cấp, đảm bảo thu gom nước thải từ các đơn vị thứ cấp về hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo tuyệt đối không có trường hợp xả nước thải ra môi trường.

Đồng thời, Sở sẽ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nằm dọc các tuyến kênh trên địa bàn;

Yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo nước thải phát sinh được xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

Lãnh đạo UBND tỉnh Long An thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tập trung hơn nữa trong công tác theo dõi, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại các tuyến kênh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của sở, ngành và địa phương trong năm 2020.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/o-nhiem-kenh-rach-o-long-an-vi-sao-nen-noi-post85495.html