Ô nhiễm không khí ảnh hưởng từ mẹ sang con ngay trong thai kỳ
Khi phụ nữ mang thai hít phải các hạt ô nhiễm không khí có kích thước nano, chúng có thể len lỏi vào thai nhi qua nhau thai.
Tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải xe cộ và khí đốt nhiên liệu cũng như các nhà máy xả khói mà không xử lý triệt để hoặc thậm chí xả thẳng ra môi trường là một trong những vấn đề nhức nhối toàn cầu hiện nay. Các loại hạt ô nhiễm phổ biến như bụi, bụi bẩn, bồ hóng, hay khói dễ dàng phát hiện bằng mắt thường, nhưng những hạt ô nhiễm có kích thước nano chỉ có thể phát hiện thông qua kính hiển vi điện tử.
Do đó, một nghiên cứu mới đây đã lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về các hạt ô nhiễm siêu nhỏ do người mẹ hít vào có thể xuyên qua lớp màng bảo vệ tự nhiên của nhau thai và chỉ ra rằng chính các hạt ô nhiễm đó có thể là nguyên nhân gây ra sinh non, thai lưu chứ không phải chỉ là phản ứng do cơ thể người mẹ không khỏe mạnh vì ô nhiễm.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications, ở tất cả 25 người phụ nữ đang mang thai và không hút thuốc tại thị trấn Hasselt, thủ phủ của tỉnh Limburg, vùng Flanders, Bỉ, tình nguyện tham gia, các nhà khoa học đều phát hiện ra các hạt ô nhiễm trong nhau thai.
Cụ thể, số lượng hạt tìm thấy tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm không khí mà các bà mẹ trải qua. Có trung bình 20.000 hạt trên mỗi milimet khối trong nhau thai của những người sống gần các trục đường chính. Đối với những người sống ở xa hơn, trung bình là 10.000 trên mỗi milimét khối. Tuy các mức độ ô nhiễm này thấp hơn giới hạn cho phép của Liên minh châu Âu (EU), nhưng lại cao hơn mức mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra.
Giáo sư Tim Nawrot đến từ Đại học Hasselt (Bỉ), đồng thời là chủ nhiệm đề tài cho biết, thời kỳ bào thai là thời kì nhạy cảm nhất đối với thai nhi bởi các hệ cơ quan đang trong quá trình hình thành và phát triển. Ô nhiễm không khí có khả năng gây tổn thương tới các cơ quan nội tạng và từng tế bào trên cơ thể thai nhi.
Theo ông Nawrot, nếu nhau thai chứa các hạt ô nhiễm thì thai nhi cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Hiên tại, họ đang tiến hành phân tích máu thai nhi nhằm phát hiện các hạt mịn có ảnh hưởng thế nào tới thai nhi, chẳng hạn như nguy cơ phá hủy cấu trúc ADN.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu được công bố năm 2017, nhóm này cũng tìm thấy các hạt các-bon đen có trong nước tiểu của học sinh tiểu học trong vùng. Kết quả phân tích cho thấy, trung bình có khoảng 10 triệu hạt ô nhiễm không khí trong một mililit nước tiểu ở những trẻ độ tuổi từ 9 đến 12.
Ông Nawrot đi đến nhận định rằng, hai nghiên cứu này cho thấy có khả năng dịch chuyển của các hạt ô nhiễm không khí từ phổi tới các cơ quan khác trong cơ thể.
Nhà khoa học này nói thêm: Tổ chức WHO coi ô nhiễm không khí là “tình trạng khẩn cấp liên quan tới sức khỏe cộng đồng”. Vì vậy, để bảo vệ thai nhi ngay từ trong bụng mẹ, chúng ta cần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường một cách triệt để, bền vững.
Theo WHO, có tới 90% dân số thế giới hiện nay đang sinh sống ở những nơi ô nhiễm không khí nằm trên mức an toàn. Đây là một con số đáng báo động.
MAI HÀ (theo The Guardian)