Ô nhiễm không khí bủa vây đô thị: Đã đến lúc cần 'bắt tay' hành động trách nhiệm
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí tại các đô thị lớn hiện vẫn còn rất nhiều thách thức bởi không theo địa giới hành chính.
Trong 10 năm trở lại đây, ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề nhức nhối tại các đô thị lớn (đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Thậm chí gần đây, ô nhiễm không khí đã hiện hữu theo mùa (xuất hiện phổ biến từ khoảng tháng Mười của năm trước tới tháng Ba năm sau) với chỉ số chất lượng nhiều thời điểm ở ngưỡng cảnh báo rất xấu (màu tím) và nguy hại (màu nâu), có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Điều đáng nói là mặc dù thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội đã nhiều lần họp bàn, triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường không khí nói riêng, song “bức tranh môi trường không khí" vẫn luôn sặc sỡ những gam màu tím, nâu… rất đáng lo ngại.
"Chỉ mặt" nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại hai thành phố trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng; có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Đơn cử như tại Hà Nội, thời gian gần đây, nhiều khu vực ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí với chỉ số bụi mịn PM 2.5 vượt mức cho phép. Các trạm quan trắc chất lượng của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy chỉ số bụi PM 2.5 ở một số điểm đo vào buổi trưa là trên dưới 150 - tương đương với cảnh báo xấu.
Một trong các nguyên nhân khách quan được Cục kiểm soát ô nhiễm chỉ ra là vào mùa Đông tại khu vực phía Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được. Mặc khác, việc gia tăng lưu lượng phương tiện giao thông cùng với khói đốt từ rác thải, rơm rạ và bụi từ việc thi công các công trình xây dựng tăng đột biến vào thời điểm cuối năm cũng làm gia tăng ô nhiễm.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng ô nhiễm môi trường không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa, nhưng mức độ ô nhiễm có xu hướng ngày càng gia tăng trong 10 năm gần đây là vấn đề rất đáng lo ngại cần tập trung giải quyết.
Theo ông Duy, mặc dù thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các bộ, ngành, địa phương (đặc biệt là Hà Nội) đã triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường không khí, song công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí tại các đô thị lớn vẫn còn rất nhiều thách thức bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính.
Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng để triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm giữ cho không khí trong lành, điều quan trọng là phải xác định chính xác nguồn gốc của các chất ô nhiễm, tuy nhiên đây vẫn là một thách thức lớn. Đơn cử như tại Hà Nội, ông Nguyên nhận định nguyên nhân không chỉ từ các nguồn nội đô (như giao thông, xây dựng, công nghiệp), mà các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và thậm chí xa hơn cũng đóng góp đáng kể.
Ngoài ra, gió mùa Đông Bắc thường mang bụi mịn và các chất ô nhiễm từ các khu vực trên về Hà Nội, làm tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm. Điều này nhấn mạnh rằng để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, Hà Nội không thể chỉ tập trung vào việc kiểm soát phát thải nội đô mà cần có cách tiếp cận khu vực, phối hợp với các tỉnh lân cận để quản lý các nguồn phát thải trên phạm vi rộng hơn.
Dẫn kinh nghiệm từ Bắc Kinh - thành phố từng nằm trong danh sách ô nhiễm nhất thế giới nay tình hình đã được cải thiện đáng kể, ông Nguyên cho biết năm 1998, chính quyền thành phố Bắc Kinh tuyên chiến với ô nhiễm không khí, bắt đầu bằng việc kiểm soát tình trạng đốt than và khí thải phương tiện. Đến năm 2013, thành phố này tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, tập trung vào lò hơi đốt than, nhiên liệu sạch hơn và tái cơ cấu công nghiệp. Theo đó, từ năm 2013 - 2017, nồng độ PM2.5 đã giảm 35%, khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc giảm 25%. Các khí thải nguy hiểm như SO2, NOX và PM10 cũng giảm từ 43% đến 83%.
Ngoài ra, các chính sách đột phá cũng được thành phố Bắc Kinh đưa ra như kiểm soát chặt chẽ tiêu thụ than, hạn chế phương tiện cá nhân, thúc đẩy sử dụng xe điện, tái cấu trúc công nghiệp, cùng với trồng rừng, phát triển giao thông công cộng và hợp tác liên vùng. Bốn bài học lớn trong giảm ô nhiễm không khí của Bắc Kinh là đầu tư nghiêm túc, mạnh tay để giảm ô nhiễm; kiểm soát giao thông, các cơ sở công nghiệp; mở rộng không gian xanh; minh bạch thông tin và nâng cao nhận thức người dân. Kết quả là mức độ ô nhiễm bụi mịn đã giảm hơn 60% trong vòng một thập niên.
Trong khi đó tại Hà Nội, các chương trình môi trường vẫn đang gặp khó khăn do nguồn lực tài chính hạn chế. Ngoài ra, Hà Nội với hơn 7 triệu phương tiện giao thông và nhiều nhà máy công nghiệp vẫn chưa di dời ra khỏi nội đô…
Cần “cái bắt tay” có trách nhiệm
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị các cơ quan chuyên môn của bộ nhanh chóng hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu về nguồn thải, giám sát tự động các nguồn thải lớn; kết nối dữ liệu trực tuyến trên nguyên tắc chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố công khai theo quy định.
Trong thời gian tới, ông Duy cho biết bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn thực hiện nghiêm các biện pháp quan trắc khí thải tại nguồn; kiểm soát, xử lý bụi và khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, ông Duy cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành và áp dụng quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi giao thông xanh, không phát thải; sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Bộ Xây dựng chỉ đạo tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động xả thải; chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động xây dựng tại các đô thị lớn.
Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm, đầu tư nguồn lực cho kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải tác động đến chất lượng môi trường không khí, bổ sung diện tích cây xanh - mặt nước, tăng cường vệ sinh đường phố để giảm thiểu phát tán ra môi trường. Về lâu dài, các địa phương cần có đề án chuyển đổi hệ thống giao thông xanh, phát triển giao thông công cộng với lộ trình thực hiện sớm nhất.
Cho rằng đã đến lúc Hà Nội cần hành động quyết liệt để bảo vệ quyền lợi được sống trong môi trường trong lành, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai, ông Trịnh Lê Nguyên khuyến nghị thành phố Hà Nội cần chi mạnh tay, ưu tiên tăng ngân sách cho các dự án giảm ô nhiễm không khí - bởi đây không chỉ là một khoản chi phí mà còn là khoản đầu tư dài hạn cho sức khỏe cộng đồng, chất lượng sống, khả năng cạnh tranh của Hà Nội như một đô thị phát triển bền vững và xứng tầm là “trái tim của cả nước.”
Cùng với đó, Hà Nội cần đẩy mạnh kiểm soát khí thải từ phương tiện cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ hơn, có cơ chế tài chính để khuyến khích người dân chuyển sang dùng xe điện; thực hiện nghiêm túc, khẩn trương kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực nội thành mà Chính phủ đã đề ra từ năm 2015. Ngoài ra, Hà Nội cần quy hoạch thêm công viên cây xanh, khu vực công cộng trong nội thành, mở rộng khu vực trồng cây xanh ở ngoại ô./.