Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ
Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ.
Chỉ số ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động
Những ngày gần đây, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh lân cận luôn ở mức báo động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.
Nhiều ngày liên tiếp, chỉ số ô nhiễm (AQI) vào buổi sáng ở Thủ đô luôn liên tục được ghi nhận ở ngưỡng trên 200 (màu tím - chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng). Thậm chí, một số điểm đo còn có mức AQI trên 300 (màu nâu - ngưỡng nguy hại cho sức khỏe).
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại khu vực miền Bắc, mức độ bụi PM2.5 thường tăng cao từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Ô nhiễm không khí thường xảy ra trước và sau các đợt không khí lạnh tràn về, với mức độ gia tăng đột biến vào ban đêm và sáng sớm. Đến cuối tháng 10/2024, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó có 3 đợt từ tháng 1 đến tháng 4 và 1 đợt vào đầu tháng 10.
Còn theo TS. Hoàng Dương Tùng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hà Nội và các địa phương ở miền Bắc đang trong thời điểm ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất năm, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm.
Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua, bởi các nguyên nhân như giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh...
TS Hoàng Dương Tùng đánh giá, Hà Nội chưa kiểm soát được nguồn thải gây ô nhiễm. Không khí ở Hà Nội luôn ở mức báo động đỏ hoặc tím nhưng điều nguy hiểm hơn nằm ở xu hướng ô nhiễm luôn tăng mà không có dấu hiệu giảm xuống. Điều này sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng người già và trẻ em.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó bệnh tim mạch và đột quỵ chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ đáng kể gây gia tăng bệnh tim mạch và đột quỵ.
Chuyên gia phân tích, nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là do các hạt bụi mịn (PM2.5 và PM10). Khi hít phải các hạt bụi mịn này, chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi, vào máu, gây viêm nhiễm, xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, và các rối loạn về tim mạch.
Ngoài ra, các khí độc hại (NO₂, CO, SO₂) trong không khí ô nhiễm làm giảm khả năng vận chuyển oxy trong máu, gây co thắt mạch máu, tăng nguy cơ huyết áp cao, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Không những vậy, ô nhiễm không khí kích thích cơ thể sản sinh các chất gây viêm, ảnh hưởng đến chức năng nội mô của mạch máu, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Hít phải không khí ô nhiễm có thể làm tăng huyết áp và gây rối loạn nhịp tim, làm gia tăng nguy cơ các biến cố tim mạch nghiêm trọng.
BS Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo, khi không khí bị ô nhiễm, người dân cần chủ động một số biện pháp để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Người dân cần theo dõi chất lượng không khí, hạn chế ra ngoài khi chất lượng không khí kém...; đồng thời, nên sử dụng máy lọc không khí ở nhà, nơi làm việc, trong ô tô...
Người dân nên sử dụng nước muối sinh lý, súc miệng, nhỏ mắt, mũi... sau khi về nhà; uống một thìa mật ong pha cùng nước ấm vào buổi sáng rất tốt.
Nên dùng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, các loại thực phẩm lên men (natto, kombucha, sữa chua kefir...).
Hạn chế sử dụng xe máy, ô tô cá nhân, bảo vệ và trồng mới cây xanh và vận động nhẹ nhàng trong nhà hoặc khi chất lượng không khí không quá xấu, ngủ tốt và uống đủ nước. Điều này sẽ giúp tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh hiệu quả.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân trước những ảnh hưởng có hại của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe của người dân dựa trên chỉ số chất lượng không khí AQI.