Ô nhiễm không khí ở Hà Nội có thể kéo dài thêm nhiều ngày tới
Theo các chuyên gia, đợt ô nhiễm không khí ở Hà Nội có thể liên quan đến điều kiện thời tiết không thuận lợi, do đó tình trạng ô nhiễm không khí có thể kéo dài thêm nhiều ngày tới.
Mặc dù đã đến trưa nhưng bầu trời Hà Nội vẫn chìm trong mù mịt. Ảnh:TL
Sáng 22/2, các trạm quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội tiếp tục ghi nhận ở ngưỡng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Đối chiếu 5 mức đánh giá về chất lượng không khí (AQI), thì chỉ số AQI từ 0-50 được coi là tốt, từ 51-100 được coi là trung bình, từ 101-150 được coi là kém, từ 151-200 được coi là xấu, từ 201-300 được coi là rất xấu, từ 301 trở lên được coi là nguy hại.
Lý giải về nguyên nhân gây ô nhiễm Hà Nội trong mấy ngày gần đây, giới chuyên gia môi trường cho rằng, do sự gia tăng của các phương tiện giao thông ngoài đường và hoạt động thi công công trình xây dựng trong bối cảnh sương mù và độ ẩm tăng đã khiến bụi mịn lơ lửng trong không khí.
Số liệu cập nhật về AQI sáng 22/2 cho thấy lúc 8h00 chỉ số chất lượng không khí đo được tại Long Biên là 164, tại Ô Chợ Dừa là 194 - ở mức xấu, rất có hại cho sức khỏe con người.
Trước đó, trong hai ngày 20-21/2, các hệ thống trạm quan trắc chất lượng không khí cũng đều đưa ra “cảnh báo tím” - ngưỡng ô nhiễm “rất xấu” bao trùm thành phố Hà Nội, với chỉ số AQI cao nhất lên đến 364.
Đáng chú ý, tên Hà Nội cũng đã xuất hiện ở vị trí thứ Nhất trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới” được Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual (thuộc Tổ chức IQAir) quan trắc theo thời gian thực.
Với diễn biến chỉ số AQI trên, Tổng cục Môi trường và Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội đều đưa ra cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng; nhóm người nhạy cảm có thể gặp vấn đề về sức nặng hơn.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đưa ra nhận định, thời điểm đầu năm tháng 2, tháng 3 chất lượng không khí thường kém hơn các thời điểm khác trong năm.
Do vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã điều chỉnh Dự án đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động (bao gồm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 1 trạm quan trắc không khí lưu động), đảm bảo tiến độ trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt trong tháng 2, triển khai dự án hoàn thành trong năm 2020.
Với hiện trạng 11 trạm quan trắc hiện có, 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định đang thực hiện đầu tư, mục tiêu đến hết năm 2020 thành phố sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trên toàn địa bàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân Thủ đô.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã và đang phối hợp đơn vị tư vấn khảo sát, lựa chọn 50 địa điểm trên nguyên tắc phù hợp với Quy hoạch mạng lưới quan trắc, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành khác.
Với mức độ ô nhiễm không khí như hiện tại, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài. Nếu ở bên ngoài, cần đeo khẩu trang đúng quy chuẩn để hạn chế ảnh hưởng có hại đến sức khỏe.