Ô nhiễm không khí tăng trở lại ở Trung Quốc sau thời gian phong tỏa
Theo một nghiên cứu công bố ngày 18/5, nồng độ một số chất gây ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đã tăng trở lại cao hơn các mức ghi nhận năm ngoái, sau khi giảm mạnh trong bối cảnh chính phủ nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch COVID-19.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không khí sạch và Năng lượng (CREA) có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan) cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc quay trở lại là do hoạt động công nghiệp được nối lại. Theo các chuyên gia, sau nhiều tháng ô nhiễm không khí ở mức rất thấp nhờ các biện pháp hạn chế xã hội nhằm kiềm chế dịch bệnh, nỗ lực khởi động lại hoạt động kinh tế đã khiến khí thải gây ô nhiễm tăng đột biến.
Nồng độ trung bình một số chất gây ô nhiễm không khí tại Trung Quốc trong tháng 2 đã giảm xuống các mức thấp đáng kể so với cùng kỳ năm 2019 khi các biện pháp phong tỏa buộc nhiều nhà máy phải đóng cửa khiến nhu cầu điện giảm và hoạt động giao thông cũng giảm do người dân phải ở nhà. Tuy nhiên, nồng độ trung bình một số chất gây ô nhiễm đã tăng trở lại và cao hơn trong 30 ngày tính đến ngày 8/5 so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kết quả phân tích dữ liệu của 1.500 trạm giám sát chất lượng không khí ở Trung Quốc, các loại khí NO2, SO2 và bụi mịn gia tăng trong không khí, cho thấy hoạt động công nghiệp phục hồi làm tăng các chất gây ô nhiễm này.
Các khu vực tập trung nhiều nhà máy ghi nhận tăng nồng độ khí thải NO2 cao hơn. Tại các khu vực đô thị đông dân cư, nơi các phương tiện giao thông là nguồn phát thải chính, lượng khí NO2 tăng ít hơn.
Sau nhiều tháng thực hiện phong tỏa, Trung Quốc đang mở cửa trở lại nền kinh tế khi kiểm soát được dịch bệnh, dù một số thành phố như Thư Lan ở Đông Bắc nước này đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế xã hội vì phát hiện nhiều ổ dịch mới. Hoạt động vận tải hành khách nói chung ở Trung Quốc hiện vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng CREA lo ngại rằng nhằm phòng ngừa nhiễm bệnh, người dân ưu tiên ô tô cá nhân hơn là sử dụng phương tiện công cộng khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, điều này làm gia tăng ô nhiễm không khí.
Tại châu Âu, các thành phố London (Anh), Milan (Italy) và Brussels (Bỉ) đã mở rộng các làn đường dành cho xe đạp nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thay vì ô tô khi các biện pháp hạn chế xã hội được dỡ bỏ. Nhưng nhiều lĩnh vực phát thải nhiều khí gây ô nhiễm đang mong mỏi được hoạt động trở lại. Các nhà hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nhấn mạnh nghiên cứu ở Trung Quốc nói trên cho thấy chính phủ các nước cần thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn nhằm làm sạch các ngành công nghiệp, tránh tình trạng gia tăng bền vững ô nhiễm không khí gây tác hại đối với sức khỏe.