Ô nhiễm không khí trở lại như trước đại dịch tại châu Âu
Báo cáo mới cho thấy, chất độc hại nitơ dioxide (NO2) trong không khí đã tăng tại hơn 20 thành phố và thủ đô ở châu Âu. Mức độ ô nhiễm không khí ở London, Paris, Rome và các thành phố khác đã hồi sinh do lệnh phong tỏa được nới lỏng.
NDĐT - Báo cáo mới cho thấy, chất độc hại nitơ dioxide (NO2) trong không khí đã tăng tại hơn 20 thành phố và thủ đô ở châu Âu. Mức độ ô nhiễm không khí ở London, Paris, Rome và các thành phố khác đã hồi sinh do lệnh phong tỏa được nới lỏng.
Theo Trung tâm Nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (CREA), giãn cách xã hội đã mang lại mức độ ô nhiễm thấp và bầu trời trong lành hơn do có ít xe di chuyển trên đường. Nhưng việc nới lỏng dần các biện pháp giãn cách trong tháng qua đã dẫn đến sự gia tăng chất nitơ dioxide vốn có liên quan đến vấn đề về hô hấp và các bệnh viêm nhiễm trong không khí ở hơn 20 thành phố châu Âu.
Ở London, nồng độ nitơ dioxide đã giảm tới 33%, xuống 10 microgam/m3 trong thời gian giãn cách. NO2 đạt mức thấp tại thủ đô của Vương quốc Anh được ghi nhận vào khoảng cuối tháng 4, lúc các biện pháp giãn cách được thực hiện.
Nhưng lần đo gần nhất trong tháng này, London đã tăng 34% NO2 trong không khí, trùng với việc dần dần dỡ bỏ các hạn chế về khoảng cách xã hội của chính phủ.
CREA cho biết, vào cuối tháng 4, chất độc NO2 trong không khí, có liên quan đến các vấn đề về hô hấp và các bệnh viêm nhiễm, đã đạt mức thấp khoảng 20 microgam/m3.
Nhưng giống như các trung tâm đô thị đông đúc khác ở châu Âu, sự phục hồi của cấp độ ô nhiễm như trước Covid-19 đã bắt đầu, và Paris là nơi rõ rệt nhất.
Ông Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính của CREA cho biết: "Paris đã trải qua sự gia tăng ô nhiễm lớn nhất từ thời kỳ sạch nhất trong thời gian giãn cách, trong khi các thành phố như Budapest và Oslo đã vượt quá mức trước khủng hoảng Covid-19”.
“Sự trở lại của ô nhiễm có thể khiến bệnh nhân Covid-19 gặp nhiều rủi ro hơn, vì một nghiên cứu mới đây cho thấy mối liên hệ giữa phơi nhiễm NO2 và tử vong do Covid-19”, ông nói.
Theo thống kê của CREA, 27 thành phố châu Âu đã trải qua sự sụt giảm nồng độ NO2 trong thời gian giãn cách, so với mức trung bình cho các thời điểm tương tự trong giai đoạn 2017-2019.
Ô nhiễm nitơ dioxide là nguyên nhân gây ra 1.300 trường hợp mới mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em và 4.300 trường hợp tử vong ở Paris hàng năm, CREA cho biết. Tại thủ đô của Pháp, kể từ khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, mức độ ô nhiễm NO2 đã tăng hơn gấp đôi so với thời gian 30 ngày trong lành nhất khi thực hiện lệnh phong tỏa. Thành phố đã đạt mức thấp khoảng 15 microgam/m3 trong tháng 4 trước khi tăng thêm 16 microgam/m3 vào không khí trong cuối tháng 6.
Ngoài Paris, các thành phố Brussels (thủ đô Bỉ), Milan (Italy), Bucharest (thủ đô Rumani) và Oslo (thủ đô Nauy) cũng đã thấy sự gia tăng đáng kể nồng độ NO2 với mức lần lượt là 14, 14, 13 và 12 microgam/m3.
“Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi các thành phố ô nhiễm trở lại lớn nhất như Paris, Brussels và Bucharest lại là những thành phố có mức giảm NO2 ban đầu lớn nhất”, CREA cho biết.
Nói cách khác, từ góc độ chính sách, những thành phố này là những nơi mà các biện pháp liên quan đến giao thông mới có thể mang lại sự cải thiện chất lượng không khí lớn nhất, báo cáo mới gợi ý.
Tại Liên minh châu Âu, có 72.000 ca tử vong mỗi năm được cho là do phơi nhiễm NO2, chủ yếu xuất hiện trong không khí do đốt nhiên liệu.
NO2 hình thành từ khí thải ô tô, xe tải và xe buýt, nhà máy điện và thiết bị ngoài đường. Hít thở không khí với nồng độ NO2 cao có thể gây kích ứng đường thở. Về lâu dài, NO2 có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh hen suyễn và có khả năng làm tăng khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp.
Những người mắc bệnh hen suyễn, trẻ em, người già thường có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi hít thở không khí có nồng độ NO2 cao, cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho biết.
CREA cho rằng, sự gia tăng ô nhiễm không nên là "một mức giá không thể tránh khỏi phải trả cho tự do di chuyển", vì còn có các lựa chọn giao thông sạch như xe điện.
Tại Anh, lệnh cấm xe chạy bằng xăng và dầu diesel sẽ có hiệu lực vào năm 2035, và sẽ được thay thế bằng xe điện. Hà Lan, Na Uy, Pháp, Thụy Điển, Ireland cũng nằm trong số các kế hoạch loại bỏ các phương tiện đốt nhiên liệu hóa thạch từ năm 2025 đến 2040.