Ô nhiễm không khí vượt quy chuẩn: Nhiều mối nguy hại trong tương lai

Tại TPHCM, ngay từ sáng sớm 5-12, nhiều khu vực ở TPHCM chìm trong sương mù với chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hại cho sức khỏe.

Theo ghi nhận của phóng viên những ngày gần đây, Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc luôn trong tình trạng sương mù dày đặc, không khí đặc quánh ô nhiễm, nhất là vào sáng sớm, gây nhiều khó chịu cho người dân. Tại TPHCM, ngày 5-12, nhiều khu vực cũng chìm trong sương mù.

Theo kết quả quan trắc AQI của Sở TN-MT Hà Nội, nhiều khu vực có chỉ số 151-200 “màu đỏ”, thậm chí vượt 200 “màu tím”. Trong một số ngày, ứng dụng Air Visual (Tổ chức Đo chất lượng không khí thế giới) theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới đã xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm “top 3-4” chỉ sau New Delhi (Ấn Độ), Lahore và Karachi (Pakistan). Ở nhiều điểm quan trắc khác tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc... AQI trong nhiều ngày đều ở ngưỡng 200.

Tại TPHCM, ngay từ sáng sớm 5-12, nhiều khu vực ở TPHCM chìm trong sương mù với chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hại cho sức khỏe. Đến 10 giờ cùng ngày, qua ứng dụng Air Visual, AQI tại TPHCM vẫn ở mức xấu (142). Hệ thống quan trắc không khí PAM Air cũng ghi nhận ở nhiều điểm thuộc quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức, AQI lên ngưỡng đỏ.

Theo cơ quan chức năng và một số chuyên gia về môi trường, nguyên nhân khiến một số địa phương ô nhiễm không khí kéo dài nhiều ngày là do thời tiết thay đổi, trời lặng gió, độ ẩm khá cao, khiến chất gây ô nhiễm (bụi mịn và khói xe) không phát tán lên cao mà tập trung sát mặt đất, nhất là vào sáng sớm. Chưa kể, hiện nay là giai đoạn cuối năm nên các hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng và dân sinh (đốt rác) cũng gia tăng.

Chất lượng không khí bị ô nhiễm nặng, cùng với thời tiết chuyển mùa đang ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân, đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM như: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh nhiệt đới, Thống Nhất… số bệnh nhân tới khám và phải nhập viện điều trị đang có chiều hướng gia tăng. Theo Sở Y tế TPHCM, số trẻ mắc các bệnh về hô hấp phải nhập viện đang gia tăng do thời tiết thay đổi và tác động của môi trường ô nhiễm.

Theo TS-BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), những người tiếp xúc thời gian dài với không khí bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn tới các vấn đề về sức khỏe. Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 lâu dài sẽ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư. Do vậy, người dân nên chủ động phòng bệnh cá nhân, như: đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như: ho, sốt, khó thở… và khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

THÀNH AN - NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/o-nhiem-khong-khi-vuot-quy-chuan-nhieu-moi-nguy-hai-trong-tuong-lai-post717088.html