Ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai - Bài 1: Nhiều nguồn thải chưa được kiểm soát
Hệ thống sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng) và chia ra thành nhiều nhánh, trong đó có 4 dòng chính là sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông La Ngà, hợp lưu sông Vàm Cỏ Đông -Vàm Cỏ Tây. Nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai có ý nghĩa sống còn đối với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngày 1-12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, nhằm để các địa phương cùng phối hợp bảo vệ nguồn nước lưu vực. Từ đó đến nay, 23 thành viên là đại diện lãnh đạo của các bộ ngành liên quan và 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã triển khai rất nhiều kế hoạch, giải pháp, với tổng kinh phí được phê duyệt lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm ở đây vẫn cứ diễn ra, vì sao?
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có hơn 20 triệu dân, trong đó hơn 11 triệu lao động với năng suất lao động gấp 1,8 lần cả nước, tăng trưởng GDP gấp 1,75 lần cả nước nên các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực rất đa dạng và luôn diễn ra với một nhịp độ cao. Các hoạt động đó, một mặt gắn liền với việc khai thác, sử dụng nguồn nước; mặt khác, tạo ra các chất thải, thải vào nguồn nước. Rất nhiều chất thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn là nguyên nhân chính làm nguồn nước các sông lớn bị ô nhiễm nặng.
Hầu hết thông số vượt chuẩn
Số liệu quan trắc của Trung tâm quan trắc (Bộ TN-MT) trong năm 2020 cho thấy, trên tất cả các sông thuộc lưu vực sông Đồng Nai, có nhiều chất làm ô nhiễm nguồn nước và nồng độ các chất này luôn vượt ngưỡng cho phép.
Ngược dòng sông Sài Gòn hướng từ quận 1 qua quận Bình Thạnh, quận 2 đến quận Thủ Đức... dòng nước trên nhiều đoạn sông luôn có màu đen đục, lẫn vào đó là rất nhiều váng dầu mỡ; có những đoạn nước bốc mùi hôi tanh, mép sông có nhiều vỏ hộp cơm, chai nhựa… dạt vào. Dọc hai bên bờ sông có rất nhiều dịch vụ kinh doanh của người dân. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các hàng, quán ở đây đều đổ thẳng nước thải, rác ra sông.
Chú Minh, một người thường xuyên ra khu vực này câu cá giải trí, cho biết, cứ mỗi khi có cơn gió thổi ngang qua là mùi tanh hôi của nước sông lại tạt ngang mũi, có những lúc ngồi câu chú bắt gặp cảnh nước thải đen kịt từ cống rãnh trong khu dân cư đổ thẳng ra sông. Dưới sông, nước thì có mùi, ven bờ thì rác đầy nên nhiều người có thú vui câu cá như chú Minh không còn dám đến đây nữa. Đặc biệt, đoạn giáp ranh giữa quận 2 và quận Thủ Đức, không những nước ở đoạn sông này đục ngầu, đầy rác vì có nhiều cống thoát nước trổ ra sông, mà dòng chảy ở đây cũng bị thu hẹp do bị lấn chiếm.
Ghi nhận tại sông Đồng Nai, khu vực TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cũng cho thấy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở đây đáng báo động. Nước luôn có màu vàng đục, sền sệt, tanh hôi. Đặc biệt ở khu vực Cầu Tàu, phường Long Bình Tân, do khu vực này còn khá nhếch nhác, nhiều khu dân cư xập xệ chạy dài dọc bờ sông nên tất cả mọi rác thải, nước sinh hoạt đều đổ thẳng ra sông.
Ngoài ra, đây còn là khu vực có rất nhiều tàu neo đậu nên lượng dầu, mỡ phục vụ cho tàu, máy móc thải ra sông cũng rất lớn. Kết quả thống kê cho thấy, chất lượng nước sông Đồng Nai có tỷ lệ vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT theo từng năm, dao động từ 12,3%-23,8%. Đặc biệt trong các tháng mùa mưa, do đặc trưng một lượng lớn đất đỏ bazan trên thượng nguồn bị cuốn vào dòng nước, làm cho nước mặt sông Đồng Nai chuyển sang màu nâu đỏ.
Hợp lưu sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây có chất lượng nước ở mức bị nhiễm độc, cần có biện pháp khắc phục, xử lý. Ở đây, độ pH thấp (pH là một thông số dùng để đo tính axit hoặc bazơ của một chất, pH=7 trung tính) không đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại B1. Chất lượng nước sông có xu hướng giảm dần về phía hạ lưu trên các sông nhánh, do tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ TPHCM. Trong đó, vị trí cảng Phú Định (sông Chợ Đệm) có chất lượng nước xấu nhất, do bị ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm dinh dưỡng, đồng thời giá trị DO thấp dao động từ 0,31mg/l - 0,91mg/l. Riêng sông Thị Tính và các chi lưu trên địa bàn thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng (Bình Dương) tình trạng ô nhiễm có xu hướng tăng dần qua các năm gần đây, chất lượng nước sông chỉ đạt cấp cho mục đích tưới tiêu.
Dự án nhiều, hiệu quả ít
Thời gian qua, từ các bộ ngành trung ương đến các địa phương liên quan đã triển khai rất nhiều biện pháp bảo vệ môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Trong năm 2020, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam tiếp tục triển khai chương trình quan trắc định kỳ môi trường nước lưu vực hệ thống sông này. Ngoài ra, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc cũng duy trì, vận hành 9 trạm quan trắc môi trường nước tự động trên sông Đồng Nai và sông Thị Vải.
Song song với chương trình quan trắc của Tổng cục Môi trường, địa phương thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cũng tiến hành chương trình quan trắc riêng trên địa bàn, trong đó có mạng lưới các điểm quan trắc môi trường nước được kết hợp để đảm bảo lồng ghép, bổ sung, nhằm có được bức tranh tổng quan về diễn biến chất lượng nước mặt trên lưu vực sông. Các tỉnh, thành phố trên lưu vực cũng đã ban hành kế hoạch và triển khai hàng trăm đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn.
Cụ thể, Bộ GTVT đã và đang thực hiện các dự án như xây dựng quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải do hoạt động vận tải thủy nội địa thải ra, tổ chức thí điểm tại cảng Long Bình; xây dựng quy trình giám sát ô nhiễm môi trường cảng thủy nội địa, áp dụng thí điểm tại khu vực TPHCM; đánh giá, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường do hoạt động hàng hải trong vùng nước cảng biển TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; dự án xã hội hóa nạo vét vũng quay, khu neo đậu, chuyển tải, tránh trú bão tại vùng nước phía thượng lưu sông Thị Vải, Đồng Nai. Bộ NN-PTNT thực hiện dự án bảo tồn đa dạng sinh học lưu vực sông Đồng Nai tại 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước; dự án Hỗ trợ kỹ thuật chống lũ hạ du sông Sài Gòn; dự án Hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Đồng Nai.
Bộ KH-CN thực hiện các dự án như: Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình khai thác nguồn nước đến phân phối, sử dụng nước trên lưu vực sông Đồng Nai, đề xuất các giải pháp duy trì và phát triển bền vững nguồn nước; nghiên cứu đánh giá quá trình phục hồi hệ sinh thái rừng và đề xuất giải pháp bảo tồn tại khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai; nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nước, đảm bảo an toàn công trình đầu mối và hạ du hồ Dầu Tiếng…
Hàng chục dự án đã được triển khai như vậy nhưng như chính Bộ TN-MT nhận định, vấn đề quan trọng nhất là nguồn thải gây ô nhiễm môi trường thì các địa phương và các bộ ngành liên quan chưa kiểm soát được. Hầu hết các dự án, chương trình mà các địa phương, bộ ngành đã và đang thực hiện chỉ tập trung làm trong nội dung chính dự án, mà chưa quan tâm đúng mức tới sự kết nối với các dự án khác.
Nhận định về thực trạng này, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, khẳng định, khi nào chúng ta còn chưa xử lý triệt để được các nguồn thải thì khi đó, chất lượng nước sông vẫn còn ô nhiễm. Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải được xem là giải pháp cấp bách hiện nay. Việc này đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền, các bộ ngành liên quan. Nước thải, chất thải nếu được xử lý đạt chuẩn, không chỉ giảm tác động tiêu cực tới môi trường nước, mà còn có thể tái sử dụng cho các mục đích khác nữa.
Hệ thống sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng) và chia ra thành nhiều nhánh, trong đó có 4 dòng chính là sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông La Ngà, hợp lưu sông Vàm Cỏ Đông -Vàm Cỏ Tây. Nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai có ý nghĩa sống còn đối với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.