Ô nhiễm môi trường từ trang trại chăn nuôi

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân của xóm Nông Trường, xã Cát Nê (Đại Từ) bức xúc bởi tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân được cho là do các trang trại chăn nuôi trên địa bàn chưa thực hiện nghiêm các quy định về xử lý nước thải.

Nước thải từ trang trại chăn nuôi thải ra môi trường bốc mùi khó chịu.

Nước thải từ trang trại chăn nuôi thải ra môi trường bốc mùi khó chịu.

Dẫn chúng tôi đi thực tế xung quanh khu vực suối gần các trang trại chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Dậu, ở xóm Nông Trường bức xúc: Trước đây, nước ở suối này rất trong lành, thậm chí chúng tôi đi làm đồng về còn vục nước uống. Nhưng từ khi trang trại chăn nuôi được xây dựng, nước suối từ trong vắt chuyển sang đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Dòng suối này chảy quanh xóm nên nhà nào cũng phải chịu cảnh ô nhiễm, lo ngại nhất là sức khỏe của người già và trẻ em. Chúng tôi đã ý kiến về tình hình này lên xã và tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, song đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn.

Anh Hà Công Lực thì phản ánh: Từ bao đời nay, chúng tôi vẫn dùng nước giếng để sinh hoạt. Thế nhưng, gần đây nước có mùi hôi, tanh nên tôi phải mua máy lọc nước mới dám sử dụng để đun nấu. Tuy nhiên, gia đình chỉ có điều kiện mua máy lọc công suất nhỏ, việc tắm, giặt giũ vẫn phải sử dụng nước giếng. Còn chị Nguyễn Thị Đào thông tin: Theo quan sát của tôi, các trang trại thường xả thải vào những ngày mưa, cứ mưa xuống là nước thải ồ ạt chảy ra suối, thậm chí còn có cả phân lợn nổi trên bề mặt, bị ách lại tại các khe. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tôi nghĩ sức khỏe của người dân khó mà đảm bảo.

Hai trang trại chăn nuôi mà người dân nhắc tới đó là trang trại của ông Đặng Đức Khang và ông Dương Công Tuấn, ở xóm Nông Trường. Trang trại của ông Đặng Đức Khang hoạt động từ năm 2015, có tổng diện tích là 5ha, diện tích chuồng nuôi là 10.000m2, hiện đang nuôi khoảng 3.000 con lợn. Trang trại có hệ thống biogas xử lý chất thải diện tích khoảng 2.800m3 và 3 ao sinh học dung tích khoảng 4.100m3. Trước đó, vào tháng 72018, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND xã Cát Nê đã thành lập đoàn kiểm tra và lập biên bản đối với trang trại của ông Đặng Đức Khang. Tại thời điểm đoàn kiểm tra đến làm việc, nước thải tại ao sinh học trước khi thải ra môi trường có màu đen, mùi hôi thối; việc xử lý xác động vật chết tại trang trại chưa kịp thời, chưa đúng quy định. Đoàn đã yêu cầu chủ trang trại xây dựng hoàn thiện và vận hành các công trình xử lý chất thải theo đúng quy định. Tại buổi làm việc của Sở Tài nguyên và Môi trường hồi tháng 9-2018 cũng đã chỉ ra một số tồn tại trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của trang trại như: Không xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi tập trung nối tiếp hệ thống biogas theo công nghệ Saibon công suất xử lý 90m3/ngày, đêm; các ao sinh học không lót bạt chống thấm, chưa xây dựng nhà chứa phân; giảm dung tích bể biogas so với dung tích trong đề án bảo vệ môi trường… Đến nay, các tồn tại vẫn đang được trang trại khắc phục.

Còn đối với trang trại của ông Dương Công Tuấn, tổng diện tích là gần 30.000m2, tổng diện tích chuồng nuôi là 6.000m2 với quy mô 3.500 con lợn. Hiện, trang trại này đang hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường do có một số thay đổi nội dung về hoạt động chăn nuôi và bảo vệ môi trường.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Nê cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 2 trang trại với quy mô trên 3.000 con lợn và 5 gia trại chăn nuôi. Địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi, tuy nhiên, các hoạt động đó phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về pháp luật, đặc biệt là vấn đề môi trường. Nhận được thông tin từ người dân, chúng tôi đã nhiều lần thành lập các đoàn kiểm tra độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở chăn nuôi thực hiện đúng quy trình xử lý chất thải theo biên bản của các cơ quan chức năng, tăng cường vệ sinh chuồng trại, khử trùng khu vực chăn nuôi,… Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra đối với các trang trại, kiên quyết không đánh đổi sức khỏe người dân vì lợi ích kinh tế.

Trước những bức xúc của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường tại xóm Nông Trường nêu trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng của huyện Đại Từ nên phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu các chủ cơ sở chăn nuôi có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên để người dân yên tâm sinh sống.

Nguyễn Lê

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/o-nhiem-moi-truong-tu-trang-trai-chan-nuoi-269804-85.html