Ô nhiễm tiếng ồn: Mối nguy hại đang bị xem nhẹ
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội và khoa học - kỹ thuật, 'ô nhiễm tiếng ồn' đã, đang có những tác động xấu tới sức khỏe con người và hạ thấp chất lượng cuộc sống của xã hội. Mặc dù là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng nhưng 'ô nhiễm tiếng ồn' lại ít được quan tâm như các loại ô nhiễm khác...
Ô nhiễm tiếng ồn: Mối nguy hại đang bị xem nhẹ
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội và khoa học - kỹ thuật, “ô nhiễm tiếng ồn” đã, đang có những tác động xấu tới sức khỏe con người và hạ thấp chất lượng cuộc sống của xã hội. Mặc dù là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng nhưng “ô nhiễm tiếng ồn” lại ít được quan tâm như các loại ô nhiễm khác...
Tiếng ồn phát ra từ những chiếc loa di động khiến nhiều người khó chịu.
Hiện trạng đáng báo động!
20 giờ, sau một ngày làm việc căng thẳng, cơm nước xong, tôi tự thưởng cho bản thân có được những phút giây thảnh thơi lượn lờ phố xá để giải tỏa áp lực. Tìm đến các điểm vui chơi giải trí ngoài trời của TP Thanh Hóa là cách thức tôi thường lựa chọn. Những tưởng tâm hồn sẽ được thảnh thơi, đầu óc sẽ được nghỉ ngơi thì không, không khí ngột ngạt từ mật độ phương tiện tham gia giao thông dày đặc, cộng với tiếng ồn từ chính những điểm vui chơi khiến tôi không khỏi trăn trở. Chẳng phải xa xôi, ngay tại Quảng trường Lam Sơn - một trong những điểm vui chơi ngoài trời mà tôi yêu thích nhất cũng đều đặn mỗi tối nạn “ô nhiễm tiếng ồn” hoành hành. Vào khoảng 20 giờ hàng ngày, tại đây luôn có 8 đến 9 nhóm người mang loa đài đến các quán nước ngồi hát. Những nhóm này được chia làm hai dạng. Dạng thứ nhất là nhóm làm kinh doanh, gồm những người chuyên đẩy bộ loa thùng cỡ lớn đi khắp khu vực quảng trường làm dịch vụ cho khách có nhu cầu ca hát thuê loa đài với mức giá từ 10.000 – 20.000 đồng/1 bài hát. Dạng thứ 2 là nhóm gồm một số người tự mang loa đài đến quảng trường và thay nhau hát theo hình thức hát karaoke. Điều đáng nói là hoạt động mang tính giải trí này lại kéo dài cho tới đêm khuya, thường là đến 1 – 2 giờ sáng ngày hôm sau mới chấm dứt. Âm thanh lớn được mở hết công suất phủ khắp quảng trường gây khó chịu cho những người xung quanh, vang vào khu dân cư, khiến giấc ngủ của nhiều người dân, nhất là người cao tuổi và trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không chỉ là những trường hợp đơn lẻ kể trên, ô nhiễm tiếng ồn đã, đang xảy ra ở nhiều phạm vi khác nhau trên địa bàn tỉnh. Tại đô thị, tình trạng các cửa hàng kinh doanh mở nhạc, thông tin quảng cáo lớn để thu hút sự chú ý của khách hàng. Người bán hàng dạo dùng loa thùng di động để quảng cáo sản phẩm ở nơi đông đúc. Người dân dựng rạp trên lòng đường để tổ chức đám cưới, tiệc tùng tại nhà kèm với việc mở nhạc to, hát lớn...
Ngay cả các vùng quê, nơi mà mỗi chúng ta vẫn luôn muốn tìm về nương náu để kiếm tìm những phút giây tĩnh lặng, bình yên nhất giờ cũng đang từng ngày chịu ảnh hưởng của nạn “ô nhiễm tiếng ồn”. Một thực tế đáng buồn khi bất kể nhà nào, ở đâu có cưới hỏi, thôi nôi, đầy tháng, liên hoan, hay là một buổi nhậu, gặp mặt bạn bè... đều tổ chức hát hò, nhảy nhót, nhạc bật inh ỏi. Với giá rẻ, tiện lợi, dịch vụ này nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, giải trí của một bộ phận người dân nhưng cũng gây không ít phiền toái bởi âm thanh phát ra quá lớn bất kể giờ giấc. Ông Nguyễn Thanh Tùng, thôn Đông Phú, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) cho biết: Tôi là cán bộ hưu trí, sau hơn 40 năm sinh sống và làm việc trên phố tôi quyết định về quê mua miếng đất, dựng nhà để an dưỡng tuổi già. Những tưởng sẽ tìm được không gian yên tĩnh, thoải mái để bình yên sống vui, khỏe, có ích thì ngờ đâu lại bị loa đài từ các nhà hàng xóm quấy nhiễu suốt ngày. Nhiều nhà họ mở loa đài thông từ sáng đến tối, hát hò đinh tai, nhức óc. Vẫn biết rằng xã hội phát triển, nhu cầu hưởng thụ là quyền của mỗi người, nhưng giá mà cái sự “hưởng thụ” đó có văn hóa, chừng mực và vì lợi ích cộng đồng hơn thì tốt biết chừng nào!. Cũng chung nỗi bức xúc như ông Tùng, chị Lê Mỹ Quyên, thôn 8, xã Hoằng Quang (Hoằng Hóa), cho biết: Làng quê gì mà giờ còn nhốn nháo hơn cả thành phố. Nhà này, nhà kia đua nhau sắm dàn karaoke, hát hò bất chấp giờ giấc. Nhiều lúc tôi muốn sang nhắc nhở nhưng vì muốn giữ mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm nên đành nhẫn nhịn, chịu đựng. Ấy vậy mà, họ càng ngày càng quá đáng hơn. Tôi không biết phải vui trước sự đổi thay của người dân thôn quê hay phải buồn trước cảnh hưởng thụ “lệch chuẩn” này?
Những hệ lụy kéo theo...
Chẳng phải tự nhiên mà Tạp chí Harper,s Bazaar của Mỹ cho hay, “ô nhiễm tiếng ồn” là mối nguy lớn thứ hai đối với sức khỏe cộng đồng, chỉ sau ô nhiễm không khí. “Ô nhiễm tiếng ồn” khiến con người bất an, lo lắng hơn và điều nguy hại tiềm tàng là ung thư, bệnh tim mạch, béo phì và nhiều bệnh khác bị tình trạng ô nhiễm âm thanh làm cho trầm trọng hơn.
Theo các chuyên gia về y tế, tiếng ồn tác động lên con người ở 3 khía cạnh: Che lấp âm thanh cần nghe làm suy giảm phản xạ tự nhiên của con người với âm thanh; gây bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi. Nếu sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn thì không chỉ gây tâm thần mà còn gây tổn thương đối với phần tai trong, dây thần kinh thính giác bị teo lại... Còn đối với mức độ tiếng ồn khoảng 50 - 60 dBA nhưng phải nghe dai dẳng, liên tục như những trường hợp ở sát quán cà phê, quán nhậu... cũng rất nguy hiểm. Cụ thể như sẽ bị căng thẳng, cáu giận, chóng mặt, đau đầu và có nguy cơ cao về bệnh thần kinh. Với trẻ em, tiếng ồn có thể khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học từ ngữ của chúng ngay từ những năm đầu đời. Tất cả những tác động này dẫn đến nhiều biểu hiện xấu về tâm lý, sinh lý, ảnh hưởng hiệu quả lao động, nhất là đối với những cư dân đô thị.
Bác sĩ Nhâm Tuấn Anh, Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chia sẻ: Về cơ chế dẫn truyền âm thanh, vành tai của chúng ta giống như một cái phễu, khi âm thanh dội đến màng nhĩ làm cho màng nhĩ rung lên, độ rung màng nhĩ tùy theo cường độ âm thanh, khi màng nhĩ rung làm cho hệ thống xương có những khớp nối với nhau dẫn truyền âm thanh lên bộ phận tai trong có cấu trúc tinh vi và phức tạp, từ đó mới xử lý âm thanh đến não bộ. Bình thường một cuộc điện thoại chúng ta gọi đến, người ta tính mức nghe của tai hết sức bình thường là tầm khoảng 60-65 đề-xi-ben thì không ảnh hưởng đến tai nhưng với ngưỡng nghe trên 85 đề-xi-ben là có thể gây tổn hại đến các tế bào thính giác. Nói cách khác, việc tiếp nhận âm thanh quá mức nghe của tai: Âm thanh từ các dàn karaoke, các quán nhậu, cà phê, cửa hàng quảng cáo... thường xuyên sẽ gây nên tổn hại đến sức khỏe không nhỏ. Nghiêm trọng hơn, vấn nạn “ô nhiễm tiếng ồn” lại đang bị cộng đồng xem nhẹ.
Trên thực tế, pháp luật quy định về việc xử lý tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến người khác đã được quy định rất rõ ràng. Đơn cử, Điều 12 Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: “Tùy thuộc vào mức độ và thời điểm vi phạm, các hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 100 triệu đồng”. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp vi phạm vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 1,5 lần trở lên trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến trước 22 giờ hoặc từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn về mức đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Nếu gây ô nhiễm nghiêm trọng, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử lý tạm thời đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động theo các quy định của pháp luật... Tuy nhiên, việc chấp hành và quản lý dường như vẫn đang bị xem nhẹ, buông lỏng.