Ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke: Chuyện không nhỏ!

Chỉ từ vài triệu đồng, người dân đã có thể mua cho mình một bộ dàn để hát karaoke tại nhà. Thậm chí, với chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối internet và chiếc micro, loa kéo sử dụng kết nối bluetooth, người dân cũng có thể thỏa mãn đam mê hát karaoke ở bất cứ nơi đâu.

Thế nhưng, sự tiện lợi này gây ra nhiều phiền toái, mất trật tự xã hội, thậm chí là án mạng trong thời gian qua; gióng lên hồi chuông cảnh báo về ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư.

Khoảng 23 giờ ngày 21-11-2020, nhiều người dân ở phố Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) hốt hoảng khi nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn và lửa bùng cháy ở một đoạn đường. Vụ việc sau đó được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xác nhận: Người gây ra vụ việc là ông Nguyễn Huy Ngọc, sống tại ngõ 111, phố Triều Khúc. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bực tức hàng xóm thường xuyên hát karaoke gây ồn ào nên ông Ngọc đã dùng các chai thủy tinh chứa xăng ném vào nhà hàng xóm.

 Hát rong bán hàng hay hát karaoke tại các khu dân cư ở khoảng thời gian cho phép và âm lượng vừa phải sẽ hạn chế gây phiền toái cho người xung quanh.

Hát rong bán hàng hay hát karaoke tại các khu dân cư ở khoảng thời gian cho phép và âm lượng vừa phải sẽ hạn chế gây phiền toái cho người xung quanh.

Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 14-4-2020, Nguyễn Thanh Khoa (30 tuổi, tỉnh Bến Tre) cùng nhóm bạn tổ chức ăn nhậu và dùng loa kẹo kéo hát karaoke tại phòng trọ ở ấp 6, xã Phạm Văn Hai (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) gây ồn nên ông N.V.B (50 tuổi, tỉnh Cà Mau) ở kế bên dãy trọ có qua nhắc nhở dẫn đến cãi vã, xô xát. Sau đó, Khoa cùng em họ qua nhà ông B nói chuyện. Trong lúc vật lộn, Khoa với lấy con dao trong nhà ông B đâm 4 nhát vào người ông B khiến ông này tử vong sau đó... Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ án mạng, xô xát, gây mất an toàn, trật tự xã hội bắt nguồn từ tiếng ồn karaoke.

Luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: “Pháp luật đã có những quy định cụ thể đối với hành vi này. Cụ thể là Điều 6, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng)”.

Ngoài ra, nếu hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 Decibel (dBA) trở lên sẽ bị xử phạt theo Điều 17, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Cụ thể: Tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA, bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA, bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 40 triệu đồng đến 200 triệu đồng). Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên, bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

Theo anh Nguyễn Hải Linh, Phó trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, quy định là thế nhưng việc xử lý vi phạm đối với các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Trước hết là do lực lượng chức năng thiếu phương tiện đo tiếng ồn. Hơn nữa, khi tiếp nhận phản ánh và xuống đến hiện trường thì sự việc đã chấm dứt, khó có cơ sở để lập biên bản hay thu thập chứng cứ. Còn ông Dương Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cho biết: “Quá trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi tiến hành tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa, trong đó có việc hạn chế tiếng ồn karaoke nhằm tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc, gây mất đoàn kết”.

Trong khi việc giám sát, quản lý, xử lý vi phạm tiếng ồn từ karaoke tại các khu dân cư còn nhiều hạn chế, bất cập thì việc hát karaoke để giải trí của người dân vẫn diễn ra hằng ngày cùng với những nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn, trật tự xã hội. Vì thế, trước khi quy định trên được triển khai thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc thì các thôn, xóm, tổ dân phố cần xây dựng hương ước, quy định và tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không vi phạm, tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Song quan trọng nhất vẫn là ý thức từ phía người dân. Mặc dù việc hát, tổ chức hát karaoke tại gia đình, nơi công cộng không bị nghiêm cấm nhưng nên chọn thời gian phù hợp và mở âm lượng ở mức vừa phải, đủ nghe; khi được góp ý thì nên dừng lại.

Bài và ảnh: LINH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/o-nhiem-tieng-on-tu-karaoke-chuyen-khong-nho-647941