Ô nhiễm tiếng ồn và mối nguy hại tới sức khỏe
Tại các đô thị lớn, tiếng ồn được ví như 'kẻ sát nhân giấu mặt' bởi ít ai để ý đến tác hại của nó.
Ô nhiễm âm thanh là gì?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiếng ồn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người chỉ sau bụi. Trước những tác động tiêu cực đến sức khỏe và thính lực con người, ô nhiễm tiếng ồn chính là vấn đề cấp bách cần được đặc biệt quan tâm.
Ô nhiễm âm thanh là tình trạng tiếng ồn trong môi trường vượt quá ngưỡng nhất định gây khó chịu cho người hoặc động vật.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, tiếng ồn trung bình không vượt quá 40 decibel tại các khu vực dân cư vào ban đêm để phòng tránh sự tác động đến sức khỏe. Mức độ tiếng ồn có thể chấp nhận được là 65 decibel, với tiếng động inh ỏi là cỡ 80 dB, còn bắt đầu cảm giác nhức tai, khó chịu là khoảng 90dB.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn của Bộ Y tế, với thời gian tiếp xúc với tiếng ồn 8 giờ thì giới hạn cho phép mức áp suất âm tương đương 85 decibel, thời gian tiếp xúc càng giảm thì giới hạn cho phép càng tăng.
Ô nhiễm âm thanh trong cuộc sống
Tiếng ồn có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Một số nguyên nhân điển hình có thể kể đến bao gồm: giao thông, công trình xây dựng, hoạt động giải trí hay các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của cư dân.
Nhằm kiểm chứng mức độ tiếng ồn trong cuộc sống xung quanh chúng ta, phóng viên đã dùng thử một ứng dụng trên điện thoại di động để đo âm thanh và tiếng ồn tại một vài địa điểm ở Hà Nội.
Kết quả cho thấy, tiếng ồn giao thông chiếm phần lớn tiếng ồn gây ô nhiễm ở các thành phố, tại ngã tư đường, PV máy đo hiển thị con số khoảng 90dB.
Với các công trình xây dựng, đặc biệt là khi sử dụng máy móc và công cụ nặng, sẽ tạo ra tiếng ồn lớn trong quá trình thi công. Kết quả mức độ âm PV đo được tại một công trường vào khoảng 90- 100 dB.
Đó là câu chuyện ngoài đường phố, còn trong các khu dân cư thì tiếng ồn đến từ đâu. Không phải chịu những tiếng ồn từ con người tạo ra, nhưng gia đình bà Dương Tuyết Nga (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) lại đau đầu vì những tiếng chó sủa của nhà hàng xóm sát vách.
Bà Nga cho biết, cả đàn chó 4 con thường sủa cùng một lúc rất ầm ĩ, cả ngày lẫn đêm. Nhắc nhở liên tục hàng xóm cũng giải quyết được vấn đề. Cách duy nhất mà gia đình bà có thể làm là đóng cánh cửa sổ lại.
Còn với gia đình chị Trần Thị Ngọc Kiên (phường Thượng Thanh, quận Long Biên cho biết, gia đình bà cùng các hộ xung quanh mỗi ngày luôn phải chịu đựng đủ loại tiếng ồn: tiếng thi công sửa chữa, hàng xóm hát karaoke đến 11,12h đêm… khiến bà rất khó chịu, đặc biệt là vào những khoảng thời gian cần nghỉ ngơi, thư giãn.
Chị Trần Tú Quyên (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) thì lại gặp phải sự khó chịu khác cũng liên quan đến tiếng ồn. Theo chị chia sẻ, buổi sáng chị thường dậy sớm, ở nhà thấy thư thái, nhưng ra đường thì ồn ào loa phường, đường phố. Từ nhà chị cho đến cơ quan tắc đường có thể 50, 60 phút, tạo cho chị sự khó chịu, không còn hứng thú làm việc nữa. Xe máy, ô tô bấm còi vô tội vạ…
Cơ chế hoạt động tác động từ ô nhiễm âm thanh là gì?
Các chuyên gia cho rằng vùng amygdala điều khiển cảm giác sợ hãi và khu vực thính giác trong não hoạt động rất khác nhau khi nghe một âm thanh không hay. Amygdala là một cấu trúc hình quả hạnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên sự sợ hãi và các trạng thái cảm xúc khác.
Khi bạn nghe một âm thanh chát chúa, vùng amygdala sẽ hoạt động mạnh hơn phần thính giác. Đây là một điểm khác biệt rất lớn giúp phân biệt giữa lúc bạn nghe một âm thanh khó chịu với lúc nghe âm thanh dễ chịu như tiếng nước chảy hay tiếng con nít cười.
Các nghiên cứu cho biết các âm thanh với tần số cao từ 2.000 -5.000Hz gây khó chịu nhất. Đây là khoảng tần số tai nhạy cảm nhất. Tuy hiện nay vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng cho việc tai nhạy cảm với những âm thanh nằm trong khoảng 2.000 - 5.000Hz nhưng đúng là những âm thanh khó chịu như tiếng la hét đều thuộc vào tần số này.
Các kết quả này giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn cách não phản ứng với tiếng ồn cũng như chứng rối loạn thính giác, gây ảnh hưởng tới khả năng tiếp nhận âm thanh của con người. Nó cũng giúp ích cho việc tìm hiểu về mối liên kết giữa vùng amygdala và thùy thính giác trong não.
Sống chung với ô nhiễm âm thanh
Tiếng búa đập chan chát, tiếng máy mài, từ lâu đã là âm thanh quen thuộc của người dân làng Đa Sỹ (quận Hà Đông). Cứ đều đặn từ 8h sáng, là những âm thanh này lại vang lên, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của những người dân nơi đây.
Tuy nhiên, vì các xưởng sản xuất nằm rải rác trong khu dân cư nên cũng phần nào gây ra tình trạng ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn, gây ảnh hưởng đến đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Do vậy, làng nghề đang rất nỗ lực trong việc quy hoạch xa khu dân cư để đảm bảo đời sống cho người dân.
Sống chung với những tiếng ồn trong thời gian dài, nhiều người đã quên đi ô nhiễm âm thanh có thể gây hại đến sức khỏe con người. Và trên thực tế, nhiều người vẫn đang và sẽ làm việc trong môi trường ô nhiễm, bất chấp việc bị ảnh hưởng tới quá trình làm việc, nghỉ ngơi và tác động xấu đến sức khỏe.
Ô nhiễm âm thanh ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
Tiếng ồn đang trở thành một vấn đề lớn tại các đô thị trên thế giới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Tiếng ồn không chỉ làm phiền người nghe mà còn gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe con người. Với cường độ và tần số âm thanh vượt quá ngưỡng cho phép, ô nhiễm tiếng ồn đã làm gia tăng các bệnh lý như huyết áp cao, tim mạch, và rối loạn giấc ngủ, suy giảm thính lực.
Bệnh suy giảm thính lực không chỉ do sự lão hóa của tuổi tác mà đang có xu hướng trẻ hóa, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn của môi trường lao động với cường độ cao trên mức gây hại.
Tại Việt Nam, điếc nghề nghiệp là một bệnh có tỷ lệ mắc đứng thứ hai trong số các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm sau bệnh bụi phổi-silic. Hàng năm có khoảng từ 250 đến 500 trường hợp được Viện giám định Y khoa kết luận là bị bệnh Điếc nghề nghiệp.
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Cường - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thiên Đức cho biết, người lao động làm trong môi trường tiếng ồn có decibel cao, sẽ ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Decibel cao là trên 85 dB, ngày làm việc trên 6 tiếng, thời gian làm việc trên 4 tháng trở lên. Tùy từng giai đoạn, giai đoạn đầu người bệnh khó chịu. Giai đoạn đầu bệnh nhân thấy khó chịu, nghe hơi khó, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng, mất ngủ, suy nhược, cái đó phải tinh tế mới phát hiện được ra. Giai đoạn đầu bệnh nhân sẽ hơi ù tai. Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh nhân sẽ sang giai đoạn 3, 4, điếc đặc.
Trước những tác động tiêu cực mà ô nhiễm tiếng ồn đem lại, mỗi người nên có những giải pháp chủ động nhằm ngăn ngừa nguy cơ giảm thính lực, cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn. Trong nhà, quý vị và các bạn có thể cách âm bằng cách:
- Dán kín khe hở ở cửa;
- Sử dụng ốp tường bằng gỗ hoặc bằng vải dày;
- Sử dụng các chất liệu cách âm như kính cách âm, rèm cách âm, thảm trải sàn cách âm;
- Trồng thêm cây xanh trong nhà;
- Đặt những thiết bị trong nhà bạn phát ra tiếng ồn như máy giặt, tủ lạnh ra xa chỗ nghỉ ngơi;
- Không nên sử dụng các máy móc, thiết bị quá cũ vì chúng thường gây tiếng ồn lớn. Ngoài ra, cần xem các thiết bị trong nhà có hư hỏng gì hay không để sửa chữa kịp thời.
- Nếu phải làm việc thường xuyên trong môi trường có độ ồn cao thì các bạn nên trang bị cho mình các thiết bị bảo hộ cá nhân như nút bịt tai, chụp tai để giảm tác hại của tiếng ồn xung quanh.
- Trong trường hợp, bạn phải sinh sống và làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn, bạn có thể tập thiền, yoga, tập thở, hay nghe những bản nhạc yêu thích để giúp tinh thần thoải mái hơn.
Cảnh báo ô nhiễm tiếng ồn gia tăng trên thế giới
Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đang ngày càng trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống sức khỏe của con người, phá vỡ hệ sinh thái. Trên thế giới, thực trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày nay đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo, buộc các quốc gia trên thế giới phải chung tay hành động để ngăn chặn những hệ lụy nghiêm trọng mà nó gây ra.
Ô nhiễm tiếng ồn tỷ lệ thuận với sự phát triển của đô thị. Khi đô thị hóa diễn ra ngày càng nhiều với tốc độ nhanh, các thành phố trở nên đông đúc hơn, không gian âm thanh cũng từ đó trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Theo quy định của tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), mức độ tiếng ồn có thể chấp nhận được là 65 decibel. Hiện nay tiếng ồn ở các thành phố lớn trên thế giới vượt qua quy định này, đặc biệt tại các thành phố lớn như New York (Mỹ), London (Anh), Bắc Kinh (Trung Quốc), Paris (Pháp),...
Ước tính có 22 triệu người trên thế giới bị khó chịu kinh niên và 6,5 triệu người bị rối loạn giấc ngủ kinh niên do tiếng ồn, gây ra các cơn căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm, lo lắng và cuồng loạn, thậm chí là hỏng thính giác.
Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), tiếng ồn là nguyên nhân gây ra 12.000 ca tử vong sớm và 48.000 ca mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ mỗi năm.
Riêng tại Paris (Pháp), gần 9,7 triệu người, tương đương 80% dân số phải chịu mức độ ô nhiễm tiếng ồn vượt xa mức độ khuyến nghị của WHO.
Tại Mỹ, ước tính 90% người sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở thành phố New York phải chịu mức độ tiếng ồn vượt quá giới hạn an toàn và có thể dẫn đến tổn thương thính giác không thể phục hồi.
Trước thực trạng đáng báo động trên, chính phủ các nước trên thế giới đã ban hành các quy định, điều luật để quản lý tiếng ồn hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn.
Mỹ là một trong các quốc gia sớm ban hành luật chống ô nhiễm tiếng ồn từ năm 1972 với các quy định nghiêm ngặt đối với các phương tiện giao thông hay những thiết bị sưởi, hệ thống thông gió.
Kể từ năm 1997, Trung Quốc đã áp dụng luật phòng chống và kiểm soát tiếng ồn. Những điểm vui chơi giải trí, du lịch nằm trong khu đô thị phải tuân thủ luật lệ, quy chuẩn về âm lượng theo quy định. Nếu để âm thanh vượt quá mức cho phép sẽ bị nhắc nhở, thậm chí xử phạt. Tại Singapore, nếu gây tiếng ồn vượt quá mức quy định, cá nhân sẽ phải chịu tiền phạt tối đa 2.000 USD (hơn 50 triệu đồng). Nếu vẫn tái phạm sẽ nộp 100 USD (hơn 2,5 triệu đồng) mỗi ngày kế tiếp.
Trong khi đó ở Nhật Bản, quốc gia này ban hành luật ô nhiễm tiếng ồn từ năm 2000. Theo quy định, tiếng ồn nơi công cộng không được vượt quá 45 decibels tương đương với tiếng chim hót.