Ở nơi đàn ông rình mò phụ nữ lại được xem là tán tỉnh

Nhiều người Hàn Quốc không coi rình rập là tội phạm. Việc phụ nữ báo cáo kẻ theo dõi với cảnh sát thậm chí bị xem là phản ứng thái quá.

 Ở Hàn Quốc, tội rình mò vẫn bị xem nhẹ. Ảnh: Jeremy Long Hm.

Ở Hàn Quốc, tội rình mò vẫn bị xem nhẹ. Ảnh: Jeremy Long Hm.

Một tuần sau khi người phụ nữ 28 tuổi bị sát hại trong nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm Seoul, câu chuyện gần như biến mất khỏi các tiêu đề và mọi người coi đây chỉ là một trường hợp khác của sự si mê, bị từ chối và cuối cùng là kết cục tình yêu bi thảm, theo DW.

Tuy nhiên, đối với nhiều phụ nữ Hàn Quốc, chỉ chừng đó là chưa đủ.

Nguồn gốc của vụ án bắt nguồn từ 3 năm trước, khi nghi phạm Jeon Joo-hwan gia nhập Seoul Metro, công ty vận hành hệ thống tàu điện ngầm ở Seoul. Đó là nơi lần đầu tiên nghi phạm gặp nạn nhân.

Tình cảm của Jeon dành cho đồng nghiệp không được đáp lại, tại thời điểm đó, anh ta bắt đầu quấy rối cô bằng hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn cũng như quay phim bất hợp pháp.

Người phụ nữ đã báo cảnh sát. Jeon bị sa thải và dự kiến hầu tòa vào ngày 15/9 để đối mặt với tội danh rình rập và mức án 9 năm tù giam.

Bất chấp yêu cầu của nạn nhân, cảnh sát đã từ chối tạm giữ Jeon trước phiên xét xử, sau khi xác định rằng anh ta ít hoặc không đe dọa đến sự an toàn của cô.

Đúng một ngày trước khi phiên toàn diễn ra, Jeon, 31 tuổi, bị cáo buộc đi đến ga Sindang ở trung tâm Seoul, nơi nạn nhân đang làm việc. Anh ta rút dao, ép nạn nhân vào nhà vệ sinh và đâm cô đến chết.

Trước những câu hỏi của các phóng viên khi bị đưa ra tòa vào ngày hôm sau, Jeon chỉ có thể nói rằng mình đã làm "một điều thực sự điên rồ" và "xin lỗi".

Hình phạt quá nhẹ nhàng

Jackie Kim-Wachutka, giáo sư về giới tính tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto, Nhật Bản, nói rằng những vụ án ở Hàn Quốc trong đó nạn nhân là phụ nữ luôn tạo ra phản ứng dữ dội trong thời gian đầu, nhưng dần dần nó bị lãng quên và cuối cùng biến mất hoàn toàn.

"Tôi cảm thấy lo lắng hơn là tức giận. Tôi nghĩ xã hội Hàn Quốc đang trải qua sự rạn nứt giới tính nghiêm trọng. Sự rạn nứt này bắt nguồn từ sự phẫn nộ của những người phụ nữ bị áp bức nhiều năm đã giành được một số quyền để đấu tranh và đồng thời từ cả những người đàn ông cảm thấy bất công và bị 'phân biệt đối xử ngược'".

 Jeon Joo-hwan, nghi phạm trong vụ sát hại một phụ nữ ở nhà vệ sinh công cộng, bị bắt giữ. Ảnh: Yonhap.

Jeon Joo-hwan, nghi phạm trong vụ sát hại một phụ nữ ở nhà vệ sinh công cộng, bị bắt giữ. Ảnh: Yonhap.

Hyobin Lee, trợ giảng về chính trị Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Chungnam, nói rằng mặc dù có một số vụ án rình rập dẫn đến giết người, nhưng "không có gì thay đổi đáng kể và những tội ác này được cho là sẽ tiếp tục gia tăng".

Nguyên nhân chủ yếu là các hình phạt cho hành vi rình rập hoặc quấy rối tình dục quá nhẹ nhàng. Người phạm tội rình mò lần đầu tiên có thể nhận án tù tối đa 3 năm hoặc bị phạt tiền 30 triệu won (21.000 USD).

"Ngay cả từ 'rình rập' cũng còn tương đối mới đối với nhiều người Hàn Quốc. Hành vi rình rập chỉ được công nhận là tội phạm trong vài năm gần đây. Luật về hành vi theo dõi được đề xuất vào năm 1999, nhưng phải mất 22 năm mới có hiệu lực thi hành".

Xã hội Hàn Quốc đã không coi trọng việc đàn ông theo dõi phụ nữ vì tin rằng đó là một phần của mối quan hệ lãng mạn. Mọi người tin rằng một người đàn ông theo dõi một phụ nữ chỉ vì cố gắng tán tỉnh cô ấy chứ không có mục đích làm hại.

"Ở nơi làm việc, bạn có thể bắt gặp những người nói rằng anh ta làm vậy (rình rập, hoặc các kiểu quấy rối khác) chỉ vì thích một cô gái. Niềm tin này góp phần tạo ra nhiều tội ác rình rập hơn", Kim Sang-gyun, cựu lãnh đạo Hiệp hội Tâm lý tội phạm Hàn Quốc và là giáo sư khoa học hình sự tại Đại học Baekseok, nói với The Korea Times.

Thay đổi luật

Thủ tướng Han Duck-soo đã thông báo rằng chính phủ dự định làm việc, nghiên cứu để đưa ra các luật mới nhằm ngăn chặn tội phạm rình rập.

Luật hiện hành cấm truy tố người phạm tội nếu nạn nhân không đồng ý, đã thu hút sự phẫn nộ của công chúng.

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi xóa bỏ quy định này để bảo vệ nạn nhân tốt hơn. Các chuyên gia cho rằng việc thiếu hình phạt mà không có sự chấp thuận của nạn nhân rất có vấn đề theo hai cách.

Đầu tiên, nó cho phép những kẻ theo dõi quấy rối và đeo bám nạn nhân một lần nữa để đạt được sự hòa giải. Ngoài ra, cảnh sát thường miễn cưỡng can thiệp vào các vụ án để khuyến khích người phạm tội và nạn nhân tự giải quyết, kết thúc vụ việc nhanh hơn.

 Bên ngoài nhà vệ sinh công cộng tại ga Sindang, Seoul, Hàn Quốc, nơi một phụ nữ bị đâm tử vong bởi kẻ theo dõi. Ảnh: AFP.

Bên ngoài nhà vệ sinh công cộng tại ga Sindang, Seoul, Hàn Quốc, nơi một phụ nữ bị đâm tử vong bởi kẻ theo dõi. Ảnh: AFP.

"Quy định này khiến kẻ phạm tội ngầm hiểu rằng chính nạn nhân là người quyết định hình phạt dành cho mình. Niềm tin đó khiến những kẻ theo dõi tiếp cận nạn nhân hết lần này đến lần khác. Họ thậm chí có thể nổi giận khi nạn nhân không đồng ý với việc hòa giải", Kim Jeong-hye, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, nhận định.

Còn giáo sư Kim-Wachutk cho rằng xã hội Hàn Quốc cần tìm cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

"Rạn nứt phải được hàn gắn thông qua một loại quy trình với sự giúp đỡ của cộng đồng, trường học, xã hội dân sự để hai bên có thể đối thoại trung thực. Chỉ khi đó, mới có thể hàn gắn các giới, điều mà xã hội Hàn Quốc thực sự cần vào thời điểm này".

Trong khi đó, trợ giảng Hyobin Lee lại không có nhiều niềm tin như vậy. "Kẻ sát nhân trong vụ án mạng ở nhà vệ sinh công cộng làm việc cho công ty lớn và vụ tấn công xảy ra ở một nơi đông đúc vào giữa ban ngày. Tôi cảm thấy không còn nơi nào an toàn cho phụ nữ ở Hàn Quốc nữa", bà bày tỏ.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-noi-dan-ong-rinh-mo-phu-nu-lai-duoc-xem-la-tan-tinh-post1363163.html