Ở nơi 'đầu sóng ngọn gió'

'Đầu sóng ngọn gió' là biệt danh ngành y đặt tên cho Khoa Hồi sức cấp cứu ở các bệnh viện. Ở Bệnh viện Quân y 103 cũng vậy, bệnh nhân thập tử nhất sinh đến viện đầu tiên phải qua Khoa Hồi sức cấp cứu.

Các bệnh nặng ở các Khoa Nội - Ngoại nguy kịch cũng phải đưa lên Khoa Hồi sức cấp cứu. “Đầu sóng ngọn gió” và “đứng mũi chịu sào” cũng vẫn Khoa Hồi sức cấp cứu. Áp lực, vất vả và căng thẳng nhất. Thường là bệnh nhân cấp cứu đến bất cứ lúc nào. Có thể là: Sáng, trưa, chiều, tối; có thể là gà gáy, nửa đêm, nhiều khi dồn dập 3-4 ca, thậm chí chục ca một đêm. Người tai nạn giao thông, người thủng dạ dày, xuất huyết não, thậm chí cả những kẻ tiêu cực, ngông cuồng, hung tợn đâm chém nhau..., vào khoa là cũng phải cấp cứu, điều trị.

“Đầu sóng ngọn gió” đón những ca bệnh nguy kịch, mỗi cán bộ, nhân viên y tế ở Khoa Hồi sức cấp cứu đều mang phẩm chất “Lương y như từ mẫu”. Đây là lời dạy của Bác Hồ trong “Thư gửi cán bộ Hội nghị y tế” ngày 27-2-1955. Bác còn khuyên: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền”. Lời Bác dạy không chỉ được lưu giữ trong sách báo, nhà truyền thống mà từ lâu đã khắc trong lòng bất cứ bác sĩ, điều dưỡng viên nào ở đây.

Do yêu cầu chuyên sâu của điều trị và phát triển khoa học kỹ thuật, đầu năm 2020, Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Quân y 103 phát triển thành Trung tâm Hồi sức cấp cứu và chống độc với nhiệm vụ huấn luyện, chẩn đoán điều trị các mặt bệnh về hồi sức cấp cứu nội khoa, ngoại khoa và chống độc; nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật các kỹ thuật mới. Chuyên khoa càng sâu thì kỹ thuật, kỹ năng càng tinh thông. Tính độc lập và tự chủ sáng tạo càng được phát huy.

 Đại tá, bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thanh Tiến - Chủ nhiệm Khoa hồi sức cấp cứu Nội và chống độc thăm, khám bệnh nhân Phạm Mạnh Tùng trước khi ra viện.

Đại tá, bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thanh Tiến - Chủ nhiệm Khoa hồi sức cấp cứu Nội và chống độc thăm, khám bệnh nhân Phạm Mạnh Tùng trước khi ra viện.

Tôi có dịp đến Khoa hồi sức cấp cứu Nội và chống độc (A27) thuộc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và chống độc - Bệnh viện Quân y 103 vào đúng dịp toàn quân, toàn dân và cả nhân loại đang gồng mình chống đại dịch Covid-19. Cả nước gồng mình chống virus corona chủng mới như chống giặc. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp được nghỉ ở nhà theo tinh thần “tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã nấy, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”. Nhưng bệnh nhân nặng không thể điều trị ở gia đình được như: Nhiễm khuẩn huyết, nhồi máu cơ tim, ngừng tim phổi, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng... bắt buộc phải đến bệnh viện thì đều vào Khoa Hồi sức cấp cứu. Chính vì thế, lúc nào trong khoa cũng kín hết giường. Ngại ngùng, lo lắng hiện lên trong tôi: Phát hiện người dương tính virus corona bất chợt đến cấp cứu thế nào? Bác sĩ Chuyên khoa (CK) 2, Chủ nhiệm khoa, Đại tá Bùi Thanh Tiến nói rằng: “Tất cả các bệnh nhân đều đi qua phòng khám, khai báo y tế, kiểm soát thân nhiệt. Ai nghi ngờ thì test nhanh, chuyển vào Khoa Truyền nhiễm, hoặc Khoa Lao phổi. Dù thế, bệnh nhân và người nhà vào hồi sức cấp cứu nội hoặc ngoại và chống độc vẫn phải khai báo y tế lại một lần nữa”. Có lẽ, kiểm soát y tế chặt chẽ theo cách như thế, nên các bệnh viện quân đội rất an toàn trong suốt mùa dịch.

Hiện nay, Khoa hồi sức cấp cứu Nội và chống độc (A27) có hơn hai chục cán bộ, nhân viên. Ngoài Bác sĩ CK2, Chủ nhiệm khoa Bùi Thanh Tiến và Tiến sĩ Phạm Thái Dũng như người thầy, người anh đi trước, là các bác sĩ trẻ như: Trung tá, Thạc sĩ Vũ Minh Dương; Thiếu tá, Thạc sĩ Lê Tiến Dũng; Đại úy, Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Đặng Văn Ba. Họ là những người trực tiếp cùng êkíp thực hiện các kỹ thuật: “Thăm dò huyết động bằng Picco”; “Kỹ thuật lọc máu liên tục”; “Kỹ thuật Tim phổi nhân tạo (ECMO)”... cứu sống nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh...

Bệnh nhân Phạm Mạnh Tùng 30 tuổi, quê Huyện Mỹ Đức (Hà Nội) là ca điển hình thành công áp dụng “Kỹ thuật hạ thân nhiệt” cấp cứu ngừng tim phổi, để bảo vệ não sau ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân Tùng bị trầm cảm, mất ngủ thường xuyên. Chẳng hiểu có phải do rối loạn hành vi mà bệnh nhân tự uống khoảng 100 viên thuốc amitryptilin 25mg chống trầm cảm. Loại thuốc này thuộc bảng A độc dược, chỉ uống vài chục viên đã nguy kịch. Vậy mà, bệnh nhân nuốt cả trăm viên, khi người nhà biết thì anh Tùng đã hôn mê.

Khoảng 8 giờ tối, bệnh nhân Phạm Mạnh Tùng được đưa đến Khoa Hồi sức cấp cứu Nội và chống độc (A27) trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Đồng tử hai bên chậm. Toàn thân xanh tím tái. Kíp trực chẩn đoán nhanh sơ bộ: Bệnh nhân ngừng tim phổi. Đồng thời theo dõi ngộ độc thuốc trầm cảm Amitryptilin. Bác sĩ Đặng Văn Ba cùng kíp trực là Điều viên dưỡng Nguyễn Khắc Thành, Trần Viết Tú, Trần Thị Thảo đã tổ chức cấp cứu ngay: Ép tim ngoài lồng ngực, bệnh nhân được thở bóp bóng qua nội khí quản; sốc điện 2 lần; hút dịch qua ống nội khí quản và dùng các thuốc vận mạch liều rất cao...

Như một phép màu nhiệm lạ kỳ, bệnh nhân Phạm Mạnh Tùng hồi sinh tim phổi. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và hồi sức tích cực; chỉ định rửa dạ dày, dùng than hoạt, kháng sinh; kiềm hóa máu bằng nabicar, dùng lipid 20% đường tĩnh mạch. Đặc biệt là dùng kỹ thuật “Hạ thân nhiệt” để đưa nhiệt độ xuống 34 độ C, duy trì nhiệt độ này trong vòng 24 giờ. Sau đó, cho thân nhiệt ấm trở lại. Cấp cứu hồi sức tích cực đến ngày thứ tư thì ý thức của anh Tùng phục hồi dần và tỉnh táo. Bệnh nhân được cai máy thở và rút ống nội khí quản. Ngày thứ mười, bệnh nhân Phạm Mạnh Tùng tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe ổn định về mặt hồi sức và được chuyển khoa điều trị chuyên khoa tâm thần tiếp. Sau 10 ngày chiến đấu với tử thần, các bác sĩ, điều dưỡng viên Khoa Hồi sức cấp cứu Nội và chống độc - Bệnh viện 103 cứu sống bệnh nhân đã ngừng tim phổi do ngộ độc thuốc trầm cảm Amitryptilin và viêm phổi hít. Ông Phạm Văn Hà - thân sinh bệnh nhân Phạm Mạnh Tùng, nghẹn ngào cảm ơn và luôn miệng nói rằng: “Các bác sĩ sinh ra con tôi lần thứ hai”.

Tôi đã từng chứng kiến các bác sĩ, điều dưỡng viên của khoa cấp cứu một ca tai nạn khủng khiếp mà sự hồi hộp, căng thẳng, gấp gáp, dồn dập cứ như trong phim hành động. Một buổi trưa hè đổ lửa, từ huyện Chương Mỹ (Hà Nội), người ta đưa đến bệnh viện một thanh niên đang bị kẹt chân trong máy nhào đất đóng gạch. Trục quay răng khế nghiền đất đã cán nát nhừ từ bàn chân lên gần sát háng nạn nhân rồi đùn ra nằm dọc trong ống máy. Cũng còn may, người ta đã kịp cắt cầu dao điện chứ không thì máy xé dọc thân. Không thể lôi nạn nhân ra được, cả chục người hò nhau vội vã buộc đòn khiêng cả máy, cả người, cả đất lên xe ô tô chở đi cấp cứu.

Giữa trưa, xe dừng lại ở tiền sảnh Khoa Hồi sức cấp cứu. Tiến sĩ Đỗ Tất Cường chạy ra, bác sĩ CK II Nguyễn Viết Lượng, Tiến sĩ Nghiêm Đình Phàn từ tầng ba, Khoa Ngoại Dã chiến chạy xuống. Chớp nhoáng hội ý, chớp nhoáng quyết đoán, không chờ báo cáo trực chỉ huy Viện. Xử lý ngay, xử lý luôn trong điều kiện phi vô trùng. Yêu cầu khi phẫu thuật phải vô trùng trong phòng mổ có máy thở, máy trợ tim... Nhưng, không còn thời gian để tìm xà beng, búa tạ phá cửa, phá tường mở rộng lối cho chục người khiêng cả cái máy nghiền đất nặng bốn tạ, đang ngoạm giữ chân người vào phòng vô trùng. Vả lại có muốn cũng không khiêng được nữa. Lúc đó, bệnh nhân đã bắt đầu chuyển sang trạng thái nguy kịch: Mất máu nhiều quá, da tái nhợt như người chết đuối. Mạch nhanh, mờ, còn huyết áp tụt thấp không thể đo được. Bệnh nhân đang sốc nặng, chỉ cần di chuyển nhẹ thôi là tim... ngừng đập.

Người xem hiếu kỳ vây vòng trong, vòng ngoài ngó, nhìn, xem. Cảnh vệ phải xông vào giãn họ ra. Người trong cuộc mồ hôi vã ra, từng hạt, từng hạt lăn dài trên những khuôn mặt lạnh. Động tác nhanh, chuẩn xác, ga rô ngay nếp bẹn, sau đó Tiến sĩ Đỗ Tất Cường cong người sát thành xe ô tô trong tư thế rất khó đặt nội khí quản. Kỹ thuật viên bóp bóng thủ công trợ thở cho bệnh nhân. Rồi trợ tim, trợ lực... ba phút. Chỉ ba phút thôi cho cả một cuộc đời người thanh niên. Bác sĩ Nguyễn Viết Lượng cắt “khoanh giò” đứt phần đùi sát ga rô 4cm rất nhanh. Rồi bế người bị nạn vào phòng hồi sức tích cực ngay. Ở đó có các máy phục vụ hồi sức đã khởi động sẵn. Nửa tháng sau, người thanh niên ấy lại qua một cuộc phẫu thuật nữa: Sửa mỏm cụt, vá da, khâu trùm... Nếu đủng đỉnh, chậm trễ không cắt “khoanh giò” kịp thời cho nạn nhân, để mất máu có thể tử vong, cũng chẳng ai trách. Nhưng anh thanh niên vẫn sống, bởi những người thầy thuốc quân y có chuyên môn giỏi, có tấm lòng và cả sự quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của người lính nữa.

Cũng trong dịp cả nước phòng, chống dịch Covid-19 vất vả, căng thẳng, các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu Nội và chống độc lại cứu sống một bệnh nhân thập tử nhất sinh bằng tấm lòng vàng và tính quyết đoán của người lính. Chiều mùa hạ oi nồng, ông Lê Văn Được, 76 tuổi, trú ở phố Ngô Thì Nhậm, Hà Đông đột ngột đau bụng vùng thượng vị. Ông cụ tự đạp xe đi mua thuốc điều trị. Mua xong, ông đạp xe về nhà thì bụng đau dữ dội, kèm theo khó thở. Chập tối, người nhà lo lắng đưa ông đi cấp cứu. Xe chạy đến Bệnh viện 103 thì bệnh nhân ngừng thở. Còn kịp đưa vào Khoa Hồi sức cấp cứu Nội và chống độc. Chẩn đoán sơ bộ: Bệnh nhân Lê Văn Được ngừng tuần hoàn do... nhồi máu cơ tim cấp. Cũng lại Thạc sĩ Đặng Văn Ba và kíp trực thực hiện hàng loạt các chỉ lệnh hồi sức cấp cứu nhanh chóng, kịp thời: Đặt nội khí quản, ép tim ngoài lồng ngực. Có người nghĩ ép tim ngoài lồng ngực đơn giản, ai chả làm được. Không! Ép không đúng kỹ thuật sẽ làm cho bệnh nhân gãy xương sườn, hoặc dập phổi. Cho nên ép phải đúng tần số, ép đúng vị trí, ép đủ biên độ 5-6cm, ép xong cho lồng ngực nở ra... Kíp trực hôm đó phải thay nhau, bởi một người thao tác lâu quá 2 phút sẽ mệt, không đủ lực cho lồng ngực lún sâu ép vào quả tim đẩy máu đi. Sau 10 phút cấp cứu thì tim ông già 76 tuổi đập trở lại, nhưng bệnh nhân hôn mê rất sâu, đồng tử hai bên co 2 ly, và phải tiếp tục thở máy.

Với phương châm "còn nước còn tát", không đầu hàng số phận, Khoa hồi sức cấp cứu Nội và chống độc (A27) - Bệnh viện 103 tiếp tục giành giật sự sống của bệnh nhân và phối hợp với Khoa Can thiệp Tim Mạch (A16) do Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Duy Toàn cùng kíp kỹ thuật đặt stent động mạch vành thành công. Sau đó, bệnh nhân Lê Văn Được được thực hiện “Kỹ thuật hạ thân nhiệt sau ngừng tim phổi”, xuống 34 độ C để giảm tiêu thụ oxy ở não, cứu não. Chỉ một ngày sau, bệnh nhân được cho ấm thân nhiệt trở lại nhiệt độ cơ thể bình thường.

Ngày thứ mười, bệnh nhân có cơn động kinh được điều trị bằng thuốc chống động kinh và nhận thức cải thiện dần. Ngày thứ 22, bệnh nhân tỉnh táo, ra viện trong niềm vui của người thân và bác sĩ, điều dưỡng Khoa A27. Chị Lê Thị Minh Nguyệt, con gái cụ Lê Văn Được chăm bố suốt những ngày bệnh trọng thập tử nhất sinh, bảo: “Gia đình em lo lắng ông cụ đi. Tất cả con cháu kéo nhau vào đứng ngoài phòng cấp cứu hồi hộp, buồn bã. Lạy trời! Các bác sĩ nhiệt tình, còn nước còn tát. Cả gia đình, dòng họ nhà em biết ơn các thầy thuốc Bệnh viện 103, lương y như từ mẫu”. Trong buổi giao ban chuyên môn, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Công Thức - Phó giám đốc Bệnh viện 103 đánh giá rất cao Khoa A27 cấp cứu điều trị thành công hai ca bệnh ngừng tim phổi rất điển hình.

Quả thật, hai bệnh nhân Phạm Mạnh Tùng và Lê Văn Được đến bệnh viện đã ngừng tim phổi. Nếu lơ là, tắc trách, cấp cứu qua loa vài ba chục phút rồi trả bệnh nhân về nhà, cũng chẳng ai kiện cáo. Nhưng, các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu Nội và chống độc - Bệnh viện 103 khẩn trương, không bỏ lỡ thời gian vàng, đã hồi sinh tim phổi, cứu sống bệnh nhân bằng y thuật giỏi, y đức sáng với tấm lòng thầy thuốc chiến sĩ, “thầy thuốc như mẹ hiền”.

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/cuoc-thi-viet-bo-doi-hau-can-lam-theo-loi-bac-ho-day/o-noi-dau-song-ngon-gio-619198