Ở nơi ngập sâu nhất Đà Nẵng: 'Tôi sợ, năm ngoái trôi hết tài sản rồi, năm nay chắc cũng vậy'
Nước dâng ngang ngực, nhiều người dân tại 'rốn lũ' đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chỉ kịp di tản, còn tài sản chìm trong biển nước.
Chiều 14/10, Đà Nẵng vẫn đang mưa xối xả, tại "rốn lũ" trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhiều khu dân cư nước vẫn đang ngập sâu trong "biển nước".
Cẩn thận lội từng bước chậm rãi tiến ra ngoài đường lớn mua lương thực vào cho người mẹ già 70 tuổi còn ở phía bên trong, anh Trần Ái Nguyên (27 tuổi) cho biết, do nhà anh có gác cao nên hiện tại chưa đưa mẹ ra ngoài tránh lũ vì còn an toàn. Tuy nhiên, nếu tình hình mưa lớn, anh sẽ nhờ lực lượng cứu hộ đưa mẹ ra bên ngoài.
Chiều 14/10, bên trong nhà anh Nguyên, nước vẫn đang còn ngập ngang ngực người lớn. Chiều hôm qua, do đi làm về và chưa kịp chuẩn bị gì thì nước đã lên cao nên hiện nhà gia đình không có gì để nấu ăn. Do đó, anh quyết định lội ra phía bên ngoài để mua lương thực.
Nhận định tình hình mưa ngập vẫn còn diễn biến phức tạp, ngày 14/10, lực lượng chức năng vẫn liên tục di chuyển vào điểm ngập để vận động người dân ra khỏi khu vực ngập. Đồng thời tiếp tế lương thực đề phòng mưa lớn, nước tiếp tục dâng cao.
Vừa được 4 cán bộ công an đưa ra khỏi ngâp nhà bị ngập, ông Trần Thiên Vũ (66 tuổi) chia sẻ, cũng thời điểm này năm ngoái, nhà ông bị ngập sâu 2 mét nên vẫn còn ám ảnh. Hôm qua, thấy nước tràn vào nhà, gia đình vội kê tài sản lên cao để giảm thiểu thiệt hại.
"Trưa nay, tôi với vợ đang ăn cơm thì thấy nước dâng cao quá nên lo lắng, cố gắng lội ra thì được lực lượng cứu hộ hỗ trợ", ông Vũ nói.
Vẫn chưa hết bàng hoàng khi vừa trải qua trận lụt thứ 4 tại khu vực này, bà Ngô Thị Phương (62 tuổi) thở dài cho biết, tối hôm qua (13/10), nước lên quá nhanh và ngập sâu gần 1,5 mét khiến đa số tài sản của gia đình như máy giặt, tivi, xe máy... đều bị chìm trong nước.
Nhiều tài sản của người dân bị ngâm trong nước lũ.
Đến sáng nay (14/10), thấy trời tiếp tục mưa lớn cùng lúc người chồng bị tai biến của bà lại trở đau nên bà liên hệ lực lượng cứu hộ đưa gia đình ra ngoài.
"Tôi sợ, cả đêm qua không ngủ được. Năm ngoái lũ đã cuốn trôi hết tài sản rồi, năm nay chắc cũng vậy", bà Phượng nghẹn ngào.
Tối 14/10, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng đã có báo cáo về công tác triển khai công tác ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở đất trên địa bàn.
Toàn TP Đà Nẵng có nhiều điểm ngập lụt. Cụ thể, quận Hải Châu có 12 phường có khu vực bị ngập, ngập sâu nhất tại đường Trưng Nữ Vương: K634, K640, K654 khoảng 1,2m.
Quận Thanh Khê 10 phường có khu vực bị ngập. Ngập nặng nhất tại khu vực Khe Cạn, Thanh Khê Tây với mức nước từ 1m-1,5m.
Đặc biệt, quận Liên Chiểu có 6 phường ngập. Có 29 vị trí ngập từ 1m trở lên và 3 vị trí ngập ngập từ 2m trở lên. Ngập lớn nhất tại khu Đa Phước 6, Ngã 3 cơ khí, Hòa Khánh Bắc; Khu vực Mẹ Suốt, Đà Sơn, Hòa Khánh Nam.
Ngoài ra, quận Cẩm Lệ cũng 5 phường có khu vực bị ngập từ 50cm đến 1m, có nơi ngập trên 1m.
Để ứng phó, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng đã điều động 433 cán bộ/chiến sĨ túc trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã điều động 200 lượt cán bộ/chiến sĩ hỗ trợ công tác khắc phục tại khu vực biên giới biển và các điểm sạt lở đường khu vực đèo Hải Vân.
Đồng thời, Công an TP Đà Nẵng cũng huy động 100% quân số ứng trực hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ. Cụ thể, tiểu đoàn cảnh sát cơ động với hơn 200 cán bộ chiến sĩ đã triển khai hỗ trợ giúp dân sơ tán di dời tài sản tại khu vực đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái
Theo báo cáo, tính tới 15h ngày 14/10, Đà Nẵng đã sơ tán 5.369 người. Trong đó, quận Liên Chiểu sơ tán cao nhất là 4.726 người.
Ngày 14/10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cùng lãnh đạo thành phố đã trực tiếp đi kiểm tra tại đường Mẹ Suốt và chỉ đạo công tác ứng phó với ngập lụt đang xảy ra trên diện rộng ở địa bàn.
Tại đây, Bí thư Đà Nẵng thăm hỏi người dân đang di dời khỏi vùng ngập sâu, đồng thời đề nghị các lực lượng, chính quyền địa phương phải tập trung lực lượng khẩn trương di dời người dân ra khỏi vùng ngập sâu, kiên quyết không để bất kỳ ai ở lại để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.