Ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Phần Lan được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong 6 năm liên tiếp. Bí quyết để đất nước Bắc Âu này đạt được vị trí đó có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.

Ngày 20/3 vừa qua, Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đã công bố “Báo cáo Chỉ số hạnh phúc thế giới” thường niên, đánh giá mức độ hạnh phúc của 156 quốc gia, dựa vào khảo sát công chúng về những yếu tố khác nhau tạo nên hạnh phúc, từ tự đánh giá cuộc sống cá nhân, phúc lợi xã hội, tuổi thọ đến sự hào phóng và tình trạng tham nhũng của đất nước. Phần Lan đã giữ vững “ngôi vương” của bảng xếp hạng này năm thứ 6 liên tiếp, kể từ năm 2018.

Phần Lan được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong 6 năm liên tiếp, từ năm 1998 – 2023. Ảnh: NBC

Phần Lan được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong 6 năm liên tiếp, từ năm 1998 – 2023. Ảnh: NBC

Câu hỏi đặt ra là đâu là bí quyết giúp Phần Lan trở thành quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh và người dân các nước khác có thể học hỏi điều gì từ người Phần Lan để trở nên hạnh phúc hơn?

Tiến sĩ Frank Martela, một nhà nghiên cứu, diễn giả nổi tiếng người Phần Lan và là giảng viên tại Đại học Alto đã đưa ra phần nào câu trả lời trong một bài báo của ông, đăng tải trên trang CNBC hồi tháng 1/2023, với nhan đề “Tôi là chuyên gia tâm lý học ở Phần Lan, quốc gia hạnh phúc số 1 thế giới - Đây là 3 điều chúng tôi không bao giờ làm!”.

Không thể hiện, không so sánh

Theo tiến sĩ Martela, người Phần Lan không bao giờ khoe khoang về bản thân, sự thành công, giàu có hay phước lành của họ. Người Phần Lan nhìn chung khiêm tốn và có lối sống tối giản. Họ không chạy theo các thương hiệu xa xỉ, sử dụng vật phẩm đắt tiền hay xe sang để chứng tỏ sự thành công.

Ở quốc gia Bắc Âu này, ngay cả những người giàu nhất cũng lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chuyên gia Martela lý giải, với quan niệm khoe khoang là sự thể hiện vẻ bề trên và khiến người khác cảm thấy thấp kém, bất mãn, nên người Phần Lan luôn cố gắng tránh phô trương. Họ sống vui vẻ bên nhau không phân biệt giai cấp, tầng lớp. Họ tập trung nhiều hơn vào những gì khiến mình hạnh phúc và ít chú trọng đến việc “đánh bóng” vẻ bề ngoài hơn. Họ cũng đặt ra tiêu chuẩn riêng cho bản thân, thay vì so sánh mình với người khác.

Arto O. Salonen, giáo sư tại Đại học Đông Phần Lan cũng có cùng quan điểm. Báo New York Times dẫn lời ông Salonen nói, người Phần Lan cảm thấy hài lòng khi có một cuộc sống bền vững và coi thành công về mặt tài chính là khả năng nhận diện và đáp ứng các nhu cầu cơ bản. “Nói cách khác, khi bạn biết thế nào là đủ, bạn sẽ hạnh phúc”, nhà nghiên cứu này nhấn mạnh.

Cực quang phương Bắc ở Phần Lan. Nguồn: Business Insider

Cực quang phương Bắc ở Phần Lan. Nguồn: Business Insider

Không phớt lờ những lợi ích của thiên nhiên

Phần Lan được đánh giá là một trong những nước được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc tuyệt đẹp. Đất nước có vô số hồ nước trong như pha lê và các khu rừng nguyên sơ với nhiều loài động thực vật hoang dã. Người dân sống gần gũi thiên nhiên với mức độ ô nhiễm môi trường thấp, bầu không khí trong sạch.

Một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy, 87% người Phần Lan đánh giá thiên nhiên rất quan trọng đối với họ vì mang lại cho họ sự an tâm, năng lượng và thư giãn. Ở quốc gia này, người lao động được nghỉ hè 4 tuần. Nhiều người đã tận dụng khoảng thời gian đó để về nghỉ dưỡng ở vùng nông thôn, nơi họ có thể hòa mình vào thiên nhiên và ít tiếp xúc với các tiện nghi ở đô thị hiện đại hơn.

Nghiên cứu đã chứng minh, việc dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên sẽ làm tăng sức sống và sự khỏe mạnh của con người cũng như tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo. Theo ông Martela, ai cũng có thể được hưởng lợi ích từ việc tìm cách cho thêm màu xanh vào cuộc sống của mình, kể cả chỉ bằng việc mua một vài cây trồng ở nhà.

Không phá vỡ vòng tròn tin cậy của cộng đồng

Người Phần Lan nổi tiếng về sự đáng tin cậy và trung thực. Theo nghiên cứu, mức độ tin cậy trong một quốc gia càng cao thì người dân của quốc gia đó càng hạnh phúc.

Năm 2022, các nhà nghiên cứu từng thực hiện “thí nghiệm mất ví” để kiểm tra tính trung thực của người dân bằng cách cố tình để rơi 192 chiếc ví ở 16 thành phố khác nhau trên thế giới. Tại Helsinki, Phần Lan, 11/12 chiếc ví “bị đánh rơi” đã được trả lại cho chủ sở hữu, đứng đầu trong danh sách các thành phố tham gia thử nghiệm.

Người dân Phần Lan sống gần gũi và hòa mình vào thiên nhiên. Nguồn: suomenluonnonpaiva.fi

Người dân Phần Lan sống gần gũi và hòa mình vào thiên nhiên. Nguồn: suomenluonnonpaiva.fi

Tiến sĩ Martela cho hay, người Phần Lan có xu hướng tin tưởng lẫn nhau và coi trọng sự trung thực. Nếu ai đó quên máy tính xách tay trong thư viện hoặc bị mất điện thoại trên tàu, họ có thể tự tin sẽ lấy lại được món đồ đó. Trẻ em Phần Lan cũng thường bắt xe buýt công cộng từ trường về nhà và chơi bên ngoài mà không cần người lớn giám sát. Về cơ bản, Phần Lan đã thành công trong việc xây dựng được một xã hội an toàn với tỉ lệ tội phạm thấp và ở đó mọi người cảm thấy yên tâm tận hưởng cuộc sống.

Ở khía cạnh này, ông Martela tin, mọi người có thể tạo ra hạnh phúc bằng cách nghĩ đến những việc bản thân có thể đóng góp cho cộng đồng, tạo thêm niềm tin và hỗ trợ các chính sách được xây dựng dựa trên sự tin tưởng đó. Những hành động nhỏ như nhường chỗ trên tàu xe cũng tạo nên sự khác biệt.

Ngoài 3 đặc điểm trên, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra một số nhân tố khác có thể giúp giải thích bí quyết hạnh phúc của người Phần Lan.

Phúc lợi xã hội toàn diện

Theo tờ Helsinki Times, Phần Lan áp dụng mô hình phúc lợi xã hội phổ quát, trong đó nhà nước bảo đảm phúc lợi cho toàn dân một cách đồng đều. Mô hình này có 2 trụ cột là an sinh xã hội và các dịch vụ công như giáo dục, y tế, giao thông công cộng,… có chất lượng và mức độ bình đẳng cao, thể hiện ở việc thu nhập được phân phối tương đối công bằng giữa các ngành nghề, mọi người (bất kể giới tính, dân tộc, tôn giáo, vùng miền,…) đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục và việc làm.

Phần lớn người dân Phần Lan có mức sống trung lưu và rất ít người rơi vào cảnh nghèo đói. Ngay cả những người nghèo nhất cũng được chính quyền tạo điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe và có cơ hội việc làm để đảm bảo cuộc sống.

Giáo dục hàng đầu thế giới

Phần Lan xếp thứ 3 trong danh sách các quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển nhất thế giới. Trẻ em nước này 6 tuổi mới phải tới trường và việc học mầm non là không bắt buộc. Tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non, trung học (7 – 16 tuổi), trung học phổ thông (từ 16 – 18 tuổi) và cả một số trường đại học đều được miễn học phí.

Học sinh Phần Lan được chỉ dạy cách tự suy nghĩ, tự chịu trách nhiệm về việc học tập, phát triển tư duy phản biện, tôn trọng bản thân và những người khác. Nguồn: Word Press

Học sinh Phần Lan được chỉ dạy cách tự suy nghĩ, tự chịu trách nhiệm về việc học tập, phát triển tư duy phản biện, tôn trọng bản thân và những người khác. Nguồn: Word Press

Sự độc đáo của mô hình giáo dục Phần Lan nằm ở chỗ giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh mỗi ngày và không có các bài kiểm tra thường xuyên. Thay vào đó, học sinh được khuyến khích dùng thời gian ở nhà để vui chơi, khám phá và tham gia các hoạt động ngoại khóa khác.

Giáo dục ở Phần Lan không chú trọng về điểm số hay thứ hạng mà là tạo ra một bầu không khí xã hội bình đẳng, hài hòa và hạnh phúc để học sinh dễ dàng trải nghiệm học tập. Các học sinh được học cách tự suy nghĩ, tự chịu trách nhiệm về việc học tập, phát triển tư duy phản biện, tôn trọng bản thân và những người khác.

Ở cấp trung học, giáo viên, những người đã trải qua tuyển chọn gắt gao và thường có trình độ thạc sĩ trở lên, có quyền tự lên kế hoạch giảng dạy độc lập dựa trên chương trình giảng dạy quốc gia và địa phương. Học sinh được xếp loại dựa trên thành tích cá nhân và các tiêu chí đánh giá do chính giáo viên quyết định.

Học sinh tại Phần Lan cũng không phải trải qua quá nhiều kỳ thi chuẩn hóa áp lực như các nền giáo dục khác trên thế giới. Trong suốt quá trình học tập, các em chỉ có một kỳ thi chuẩn hóa bắt buộc là bài thi đại học quốc gia sau khi kết thúc lớp 12 dành cho những bạn chọn học trung học phổ thông. Đối với những bạn chọn học nghề sau khi kết thúc lớp 9, các em không phải tham gia kỳ thi này. Số lượng học sinh chọn học nghề tại Phần Lan chiếm khoảng 50%.

Tham nhũng thấp

Phần Lan được mệnh danh là quốc gia ít xảy ra tình trạng tham nhũng nhất trên thế giới. Mọi người đánh giá cao sự trung thực và chân thành. Và vì người Phần Lan không thích khoe khoang và theo đuổi lối sống tối giản, nên họ không cảm thấy áp lực phải kiếm nhiều tiền hơn bằng mọi cách để chứng tỏ sự thành đạt, kể cả bằng những phương thức bất hợp pháp.

Phần Lan nổi tiếng về môi trường làm việc thân thiện với người lao động, đặc trưng bởi hệ thống ít phân cấp, tôn trọng sự khác biệt về quan điểm, sẵn sàng tiếp nhận ý kiến phản hồi và đề xuất từ nhân viên. Ngoài việc được phép nghỉ hè 4 tuần, người lao động tại đất nước này còn được nghỉ thai sản 160 ngày hưởng nguyên lương và có thể gia hạn quá trình nghỉ như vậy tới gần 1 năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho vai trò làm cha, nam giới cũng được phép nghỉ 56 ngày khi bạn đời của họ sinh con.

Người Phần Lan cũng có quyền điều chỉnh giờ làm việc. Họ có thể bắt đầu hoặc kết thúc công việc của mình sớm hơn hoặc muộn hơn tới 3 giờ để tạo ra sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống cũng như chu toàn các trách nhiệm cá nhân. Điều này giúp nâng cao sự hài lòng, hiệu quả trong công việc và hạnh phúc của người lao động.

Theo Tuấn Anh/Vietnamnet.vn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/o-quoc-gia-hanh-phuc-nhat-the-gioi-369797.html