Ô tô có cửa sổ trời: Hữu ích thì ít, phiền toái thì nhiều

Nhiều nhà sản xuất ô tô đưa trang bị cửa sổ trời nằm trong danh sách lựa chọn áp dụng cho phiên bản xe đắt tiền, như một cách tăng giá trị, nhưng thực tế lại có những phiền toái mà chủ xe không lường hết.

Cửa sổ trời trên ô tô bắt đầu quen thuộc với người dân Việt Nam kể từ khi thị trường ô tô nhập khẩu sôi động từ những năm đầu thế kỷ 21, nhưng theo thời gian, đã có những bất cập đáng kể trên trang bị được coi là sang chảnh này.

Cửa sổ trời là gì và mục đích của trang bị này?

Khái niệm Sunroof được mô tả như một mái che tạm thời, có thể di chuyển được trên nóc ô tô bắt đầu được biết đến vào cuối những năm 1920, đầu 1930 và theo thời gian cho đến ngày nay đã phát triển thành nhiều thiết kế.

Mục đích tạo ra cửa sổ trời được cho là thiết thực khi giúp giảm tiếng ồn bởi gió hơn so với việc mở cửa sổ bên, đồng thời khiến người dùng lấy không khí tươi vào xe dễ dàng cũng như có cảm giác sành điệu hơn so kiểu xe mui kín.

Mẫu cửa sổ trời trên xe MG Coupe 1935

Mẫu cửa sổ trời trên xe MG Coupe 1935

Hầu hết các hệ thống cửa sổ trời ngày nay đều chạy điện và đã phát triển nhiều thiết kế, hình dạng và thậm chí còn mang công năng khác nhau. Có thể kiểm đếm như: cửa sổ trời loại tháo rời bằng tay, Spoiler sunroofs (trượt lên trên và đẩy về phía sau), rag-tops (cửa sổ trời dạng gấp, thường làm bằng vải cho xe mui trần), panorama (cửa sổ trời toàn cảnh cho hai hàng ghế), cửa sổ trời bằng tấm năng lượng mặt trời...

Tại Việt Nam, hầu hết các hãng xe ô tô đều đang có sẵn các mẫu xe với phiên bản trang bị cửa sổ trời. Nếu như trước đây chỉ có các dòng SUV và Crossover mới có cửa sổ trời thì hiện nay từ xe cỡ B trở lên đã có trang bị này như Hyundai Accent, Toyota Innova, Mazda6, Kia Sedona... Giá bán giữa phiên bản có và không có cửa sổ trời chênh lệch nhau không quá nhiều, chỉ khoảng vài chục triệu đồng.

Đơn cử như chiếc sedan cỡ B rẻ nhất thị trường hiện nay là Hyundai Accent, phiên bản đặc biệt số tự động 1.4L giá 542 triệu đồng có sẵn cửa sổ trời, đắt hơn bản 1.4L số tự động khoảng 40 triệu đồng.

Người Việt khổ sở với cửa sổ trời

Cách đây hơn 10 năm, khi những mẫu xe nhập khẩu ào ạt tấn công thị trường Việt Nam trước khi Thông tư 20/2011 chấm dứt sự sôi động này, người Việt bắt đầu hào hứng với những mẫu xe có trang bị cửa sổ trời.

Phần lớn xe có trang bị này đều là dòng SUV hoặc Crossover đắt tiền nên đã tạo ra một cảm giác đẳng cấp phân biệt với các dòng xe khác.

Theo thời gian, ngày càng nhiều thương hiệu tại Việt Nam đưa trang bị cửa sổ trời vào sản phẩm, từ xe cỡ B, C, thậm chí cả hatchback cỡ nhỏ. Trong đó loại cửa sổ trời panorama được coi là không thể thiếu khi đặt cạnh không gian nội thất sang chảnh. Hơn nữa, giữa phiên bản không và có cửa sổ trời chỉ chênh nhau vài chục triệu đồng cũng khiến nhiều khách dễ đưa ra lựa chọn.

Tuy nhiên, cũng từ đây các bất cập về cửa sổ trời dần phát sinh khiến nhiều người cảm thấy sang đâu chưa thấy mà chỉ thấy cực, nhất là vào mùa hè.

Anh Đỗ Quang Lâm (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết đã phải mua thêm các tấm cách nhiệt màu bạc để dán lên phần nóc kính cửa sổ trời chiếc Peugeot 5008 của mình. “Nhìn hơi xấu nhưng so với cảm giác đội lò lửa trên đầu khi di chuyển vào mùa hè thì lại thành hợp lý. Đến mùa đông lại gỡ ra”, anh Lâm chia sẻ.

Dán tấm cách nhiệt lên cửa sổ trời để chống...nắng

Dán tấm cách nhiệt lên cửa sổ trời để chống...nắng

Nhiều chủ xe đã thực hiện như anh Lâm để tránh cái nắng gay gắt mùa hè.

Anh Nguyễn Quốc Thắng, một chủ cửa hàng nội thất trên phố Trần Quang Khải (Hà Nội) chia sẻ rằng, vào thời điểm các tháng 5, 6 và 7, doanh số cửa hàng phần lớn tập trung vào dịch vụ thi công cách nhiệt cho khách. “Nhiều khách đơn giản chỉ dán thêm loại phim cách nhiệt dày cho phần cửa sổ trời, nhưng cũng có khách yêu cầu phải bọc thêm lớp cách nhiệt ở phần cửa trượt bằng vải để bớt cảm giác ngột ngạt”, anh Thắng nói.

Không chỉ chịu cảm giác cái nóng khắc nghiệt mùa hè, mà các chủ xe có cửa sổ trời còn đối mặt mối lo nước mưa giột, gây loang lổ trần xe bằng nỉ.

Như trường hợp khiến anh Nguyễn Duy (Thanh Xuân, Hà Nội) khổ sở vì tìm nguyên nhân. Anh Duy kể: “Tôi chạy chiếc Toyota Venza 2010, mới đây thấy mép vải nỉ chỗ cột A có nước nhỏ giọt mới đem xe ra đại lý Toyota. Nhưng thợ ở đây tìm mãi mà không thấy đường thoát nước để kiểm tra và hẹn để xe lại 2 ngày. Sau đó họ báo giá 3,2 triệu để dỡ toàn bộ cửa sổ trời ra vệ sinh và bôi keo lại”.

Chủ xe này đã dán ni-lon để chống dột qua đường cửa sổ trời

Chủ xe này đã dán ni-lon để chống dột qua đường cửa sổ trời

Nhiều chủ xe bị tình trạng tương tự như anh Duy đã phải chọn giải pháp khắc phục tạm thời là dán băng keo hoặc tấm nhựa lớn để che chắn không cho nước mưa lọt qua lớp gioăng cao su.

Theo anh Huỳnh Trọng Nhân, chủ gara ô tô Trọng Nhân (phố Lạc Nghiệp, Hà Nội), nếu sử dụng xe có cửa sổ trời, các chủ xe nên lưu ý thường xuyên vệ sinh lau chùi phần khe cửa bởi theo thời gian, bụi bẩn và nước đọng sẽ dễ bị két lại làm giảm đường thoát nước hoặc tăng ẩm gây mục mọt. "Phần lớn khi đi rửa xe ở ngoài, vòi phun và lau chùi đơn giản không thể làm sạch được chi tiết ngóc ngách trong khe rãnh cửa sổ trời. Theo thời gian, chủ xe không quan tâm tới dễ gặp phải hậu quả như kẹt cửa, tắc đường dẫn nước, lão hóa các chi tiết cửa. Xử lý khá tốn kém vì phải tháo toàn bộ cụm chi tiết ra vệ sinh và khắc phục", anh Nhân nói.

Có thể thấy, cửa sổ trời dù là trang bị giúp chiếc xe sang chảnh hơn nhưng với những nước khí hậu mưa nắng nhiều như Việt Nam, sẽ đòi hỏi chủ xe cần phải cân nhắc, bởi đi kèm giá trị đẳng cấp là những phiền toái dễ khiến người dùng cảm thấy mệt mỏi.

Đình Quý

Theo bạn có nên mua ô tô có trang bị cửa sổ trời hay không? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/dien-dan/o-to-co-cua-so-troi-huu-ich-thi-it-phien-toai-thi-nhieu-741157.html