Ô tô điện Trung Quốc sẽ chinh phục thị trường bằng con đường như smartphone Trung Quốc đã làm
OnePlus, Oppo và Vivo đã biến Ấn Độ trở thành thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Giờ đây, các startup xe điện như BYD cũng đang lặp lại chiến lược này ...
Cuối tháng 10 vừa qua, BYD Auto, startup xe điện Trung Quốc do Warren Buffett hậu thuẫn, đã khai trương phòng trưng bày ô tô đầu tiên tại Chennai. Đó là bước đầu tiên trong tham vọng táo bạo của BYD đối với thị trường Ấn Độ: Đến năm 2030, BYD hy vọng sẽ chiếm được ít nhất 40% thị trường xe điện tại Ấn.
STARTUP XE ĐIỆN TRUNG QUỐC KHÔNG XEM TESLA LÀ "LỚN NHẤT"
Các chuyên gia tin rằng BYD, công ty không coi Tesla của Elon Musk là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, đang dẫn đầu các nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc, những hãng đang nhắm mục tiêu vào thị trường xe điện non trẻ ở Ấn Độ.
“Với những kinh nghiệm dẫn đầu cuộc cách mạng xe điện ở quê nhà, các công ty Trung Quốc sẽ không chỉ có ưu thế mà còn có cả nguồn lực để trở thành một trong những công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp xe điện của Ấn Độ”, ông Amit Gupta, giám đốc điều hành của SAG Infotech, một công ty phần mềm ô tô, cho biết.
Các hãng xe điện nhỏ và trung bình của Ấn Độ phản ứng mạnh mẽ với làn sóng Trung Quốc trên đất nước. Một giám đốc điều hành công ty xe máy điện có trụ sở tại Maharastra thừa nhận: “Các công ty Trung Quốc đang ở vị thế tốt hơn so với các đối tác Ấn Độ trên thị trường điện đang phát triển. Hãng xe Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề về khả năng chi trả của xe điện nhờ có một hệ sinh thái tự xây dựng rộng khắp. Hệ sinh thái này mang lại cho họ đòn bẩy không chỉ trong lĩnh vực điện thoại thông minh mà còn trong nhiều ngành công nghiệp khác”.
Các hãng xe Ấn Độ lo lắng rằng các công ty Trung Quốc có thể sẽ thống trị lĩnh vực xe điện tại Ấn Độ, giống như họ hiện đang thống trị thị trường điện thoại thông minh.
CÁCH CÁC CÔNG TY TRUNG QUỐC TRÀN NGẬP THỊ TRƯỜNG ĐIỆN THOẠI ẤN ĐỘ
Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng thúc đẩy các nhà sản xuất điện thoại cây nhà lá vườn nhưng chẳng có mấy hiệu quả. Các thiết bị Trung Quốc, nhập khẩu vào Ấn Độ hoặc được sản xuất tại đây, thống trị thị trường điện thoại thông minh. Các thương hiệu Trung Quốc chiếm 70% thị trường, so với 1% ít ỏi của các thương hiệu Ấn Độ.
Tính đến cuối tháng 9, ngoài Samsung, chỉ có các công ty Trung Quốc lọt vào danh sách các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu ở Ấn Độ.
Các công ty như OnePlus, Oppo và Vivo gia nhập Ấn Độ vào năm 2014 và nhanh chóng bỏ lại các đối thủ cạnh tranh trong nước, biến Ấn Độ trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Quỹ đạo của các công ty này - từ nhập khẩu điện thoại, lắp ráp ở Ấn Độ, đến sản xuất trong nước - đưa ra một mô hình cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Hiện BYD nhập khẩu linh kiện vào Ấn Độ và lắp ráp ô tô tại đây do thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đang ở mức cao. Nhưng khi chính phủ đưa ra các biện pháp khuyến khích sản xuất ô tô ở Ấn Độ, các công ty Trung Quốc sẽ thành lập nhà máy, tham gia vào cuộc cách mạng xe điện của Ấn Độ.
TRUNG QUỐC VƯỢT XA ẤN ĐỘ TRONG CUỘC CÁCH MẠNG XE ĐIỆN
Trước khi Ấn Độ bắt đầu coi xe điện là một lựa chọn, Trung Quốc đã đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ trong thập kỷ trước, Trung Quốc đã chi gần 60 tỷ USD để tạo ra hệ sinh thái xe điện, đồng thời giảm số lượng giấy phép dành cho ô tô chạy bằng xăng.
Do đó, năm 2018, số lượng ô tô điện được bán ở Trung Quốc nhiều hơn so với các nước còn lại trên thế giới cộng lại. Mặt khác, ở Ấn Độ, doanh số bán xe điện chỉ chiếm 1% tổng doanh số.
Ấn Độ đặt mục tiêu đạt được mức thâm nhập doanh số bán hàng EV là 40% đối với xe buýt, 30% đối với ô tô cá nhân, 70% đối với xe thương mại và 80% đối với xe hai và ba bánh vào năm 2030.
TẠI SAO ẤN ĐỘ CHẬT VẬT BẮT KỊP CÔNG NGHỆ XE ĐIỆN CỦA TRUNG QUỐC
Chi phí là trở ngại lớn nhất đối với các nhà sản xuất xe điện đang phát triển của Ấn Độ.
Một chiếc ô tô điện trung bình ở Ấn Độ có giá khoảng 18.000 USD, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6.900 USD cho ô tô chạy bằng xăng và dầu. Tương tự như vậy, xe hai bánh chạy điện có giá từ 965 USD đến 1.724 USD, so với phạm vi 413-551 USD của xe máy truyền thống.
Ashwini Tiwary, Giám đốc điều hành của Autobot India, một công ty công nghệ EV có trụ sở tại Pune, cho biết: “Một là do nhập khẩu nguyên liệu và hai là do pin đắt tiền. Nếu chúng ta có thể giải quyết được cả hai yếu tố bằng cách sản xuất cả hai yếu tố trong nước thì câu chuyện giá cả có thể được giải quyết”.
Gupta cho biết Ấn Độ cũng cần cơ sở hạ tầng sạc tốt hơn và một mạng lưới hoán đổi pin trên toàn quốc. Hoán đổi pin là quá trình trao đổi một bộ pin đã xả để lấy một bộ đã được sạc đầy.
TRUNG QUỐC BƯỚC NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN VÀO THỊ TRƯỜNG XE ĐIỆN CỦA ẤN ĐỘ
BYD đã hoạt động tại Ấn Độ từ năm 2016, cung cấp pin cho một công ty Ấn Độ Olectra Greenwich, một công ty sản xuất xe buýt điện. Tháng trước, họ trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên công bố kế hoạch bán ô tô điện tại Ấn Độ.
Một số công ty xe điện khác của Trung Quốc, chẳng hạn như Better Power Company và Contemporary Amperex Technology, đã mạo hiểm vào sản xuất và hoán đổi pin ở Ấn Độ.
Nhưng các dự án như vậy cũng gặp khó khăn, do những hạn chế của chính phủ Ấn Độ đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc. Ví dụ, vào đầu năm nay, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Great Wall Motor đã không được chấp thuận đề xuất trị giá 1 tỷ USD mua và điều hành một nhà máy GM ở Pune.
Bất chấp những hạn chế này, các công ty Trung Quốc vẫn phát triển thịnh vượng. Ấn Độ vẫn nhập khẩu gần 70% nhu cầu pin lithium-ion từ Trung Quốc và Hồng Kông. Các công ty Ấn Độ đang tăng cường năng lực sản xuất, nhưng họ còn một chặng đường dài phía trước mắt bắt kịp các đối tác Trung Quốc.