Ô tô hết niên hạn: Thoải mái lưu thông, ai quản?
Hết năm 2019, cả nước có thêm hơn 16.600 ô tô/ trong tổng số hơn 206.000 ô tô hết niên hạn sử dụng vẫn hoạt động. Điều nguy hiểm là, những xe này chạy 'lông nhông' (như đánh giá của một chuyên gia giao thông), tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Tuy nhiên, việc 'khai tử' những xe này vẫn là dấu hỏi lớn...
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT), tới ngày 1/1/2020, cả nước có thêm 16.661 ô tô hết niên hạn sử dụng, trong đó có 2.618 xe chở người và 14.043 xe chở hàng. Số xe hết niên hạn này tập trung nhiều nhất ở TPHCM (3.309 xe), tiếp đến là Hà Nội (1.670 xe)... Tuy nhiên, số ô tô được thu hồi chỉ chiếm khoảng 30% số xe hết niên hạn, số chưa thu hồi có không ít xe vẫn hoạt động.
Xe hết niên hạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, mới đây (ngày 11/12/2019), ô tô 16 chỗ biển kiểm soát 29A - 1636 chở 8 người đâm vào vách núi trên dốc Phà Bủn (Kỳ Sơn, Nghệ An) làm 3 người chết, 4 người bị thương, xe này đã hết hạn sử dụng từ 1/1/2017.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho rằng, ô tô hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông không chỉ trái quy định, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Lãnh đạo Cục Đăng kiểm đã yêu cầu các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước cung cấp số liệu cho cảnh sát giao thông (CSGT), sở GTVT các địa phương, chủ động phối hợp với những lực lượng kiểm soát trên đường, kịp thời xử lý và tịch thu xe hết niên hạn.
Mỗi năm 2 lần, Cục Đăng kiểm lại thống kê và báo cáo Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục CSGT, các địa phương đề nghị thu hồi xử lý xe hết niên hạn, chi tiết cũng được đưa lên website của cục này. Ngoài ra, trên tem đăng kiểm lần cuối trước 3 tháng khi hết hạn sử dụng sẽ có vạch đỏ chéo, để các lực lượng theo dõi, xử lý khi hết hạn. “Những ô tô hết niên hạn sẽ được chúng tôi khóa và loại khỏi danh sách ô tô đăng kiểm, nên các trung tâm đăng kiểm muốn tiêu cực để cấp kiểm định cũng không được”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm khẳng định.
Theo vị lãnh đạo trên, Cục Đăng kiểm cũng từng thực hiện kiểm tra thực tế tại một số địa phương và ghi nhận ô tô hết niên hạn vẫn hoạt động, thậm chí hoạt động công khai trên quốc lộ. Những xe hết niên hạn thường trôi dạt về các vùng sâu, vùng xa, nông thôn, hoặc các công trường để hoạt động.
Tuy nhiên, việc tịch thu phương tiện, thu hồi đăng ký, biển số xe hết niên hạn phải do lực lượng cấp biển (Công an) thực hiện, cơ quan đăng kiểm không được tịch thu phương tiện không được chủ sử dụng mang đi đăng kiểm. “Nếu không xử lý dứt điểm, mạnh tay, xe hết niên hạn sử dụng sẽ ngày càng nhiều, đe dọa an toàn giao thông”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm nói thêm.
Dựa trên báo cáo của Cục Đăng kiểm, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng có văn bản chỉ đạo Sở GTVT và Công an TP Hà Nội phải báo cáo kết quả xử lý ô tô hết niên hạn trong tháng 2/2020.
Xe hết đát, ai quản?
Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết, hằng năm, Cục Đăng kiểm đều thông báo chi tiết ô tô hết niên hạn, chủ xe cho Cục CSGT, các địa phương, các cơ quan cần phối hợp để quản lý và xử lý xe này. Thông thường, xe gần hết niên hạn, các chủ xe sẽ không đăng kiểm đợt cuối mà vẫn cho hoạt động.
“Về tiêu chuẩn kỹ thuật, xe hết niên hạn rõ ràng không còn đảm bảo an toàn, không được phép sử dụng và không được lưu thông. Những xe này thường có địa chỉ đăng ký ở thành phố, nhưng bị bán rẻ về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để sử dụng, thậm chí dùng vào việc chở khách. Điều này tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe hết niên hạn gây ra”, ông Thái nói.
Nhận thấy nguy cơ đó, năm 2016, Thủ tướng đã có Chỉ thị 29 về việc tăng cường quản lý, xử lý xe hết niên hạn sử dụng. Theo ông Thái, các địa phương đều nắm bắt được xe nào hết niên hạn vẫn hoạt động, vì chiếc ô tô to như vậy đi lại ngoài đường, lực lượng chức năng không thể nói không biết gì.
Lãnh đạo một Đội CSGT địa bàn Hà Nội (xin giấu tên) cho biết: “Lâu nay đội không phát hiện xử lý ô tô nào hết niên hạn, và trên địa bàn cũng không có xe nào hết niên hạn vẫn ra đường”. Tuy nhiên, thực tế, Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 cả nước về số ô tô hết niên hạn vẫn chưa thu hồi.
Theo Thông tư 15/2014 của Bộ Công an về đăng ký xe, quy định: Cơ quan cấp đăng ký (CSGT), quản lý ô tô có trách nhiệm làm thủ tục thu hồi đăng ký và biển số xe theo danh sách của cơ quan đăng kiểm; Phối hợp với Công an cấp xã nơi chủ xe hết niên hạn cư trú để thông báo, yêu cầu đến cơ quan CSGT để làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký và biển số xe trong thời hạn 15 ngày.
Theo Nghị định 95/2009, ô tô chở hàng có niên hạn sử dụng không quá 25 năm tính từ năm sản xuất; ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên sử dụng không quá 20 năm (xe dưới 9 chỗ ngồi không có niên hạn sử dụng). Còn theo Nghị định 100/2019, người điều khiển ô tô hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông bị xử phạt hành chính 4-6 triệu đồng…