Ô tô ngày càng đúng chuẩn 'vợ hai', thông minh và thấu hiểu
Đàn ông Việt thường gọi ô tô là 'vợ hai' vì luôn dành sự chăm chút, nâng niu với tất cả đam mê. Nhưng giờ đây, ô tô ngày càng đúng chuẩn 'vợ hai' khi có trợ lý ảo AI thông minh, thấu hiểu cả cảm xúc của chủ xe và giải đáp mọi thông tin hữu ích.
Trong vài năm gần đây, khi xu hướng phát triển công nghệ hỗ trợ lái xe ngày càng phổ biến trên ô tô thì việc song hành sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành công nghiệp ô tô cũng rất đa dạng, từ thiết kế, sản xuất đến bán hàng và bảo trì. Các ứng dụng của AI dần xuất hiện nhiều hơn trong suốt vòng đời của một mẫu xe. Trong đó, hệ điều hành trên xe tích hợp trợ lý ảo sẽ là thứ khiến khách hàng cảm nhận rõ nhất về xu thế công nghệ.
Cuộc đua đưa AI vào phục vụ giao tiếp với chủ xe
Nếu như Thế kỷ 20 đánh dấu sự lên ngôi của động cơ đốt trong thì bước sang Thế kỷ 21 là xe chạy năng lượng mới. Trong đó, cụm từ "xe thông minh" dần phổ biến ở thập niên thứ 2 của Thế kỷ 21.
Ô tô không còn là cỗ máy 4 bánh "vô tri", mà dần trở thành một người bạn biết nói chuyện, thấu hiểu cảm xúc và tư vấn thông tin cho các tài xế trên các hành trình. Tài xế rảnh tay, nhẹ đầu hơn trong các chuyến đi.
Sớm tiệm cận với khái niệm xe thông minh là hãng Ford khi đưa công nghệ điều khiển bằng giọng nói tích hợp sẵn trên hệ thống có tên SYNC từ năm 2014. Đến nay, công nghệ này vẫn tiếp tục được cải thiện, nâng cấp.
Năm 2018, hãng xe Nhật Bản Toyota đã đưa trợ lý ảo do Amazon Alexa phát triển lên vài dòng xe. Đến đến 2021, hãng này mới ra mắt trợ lý Joya sử dụng cho dòng xe Toyota Sienna.
Cũng tận dụng công nghệ của bên thứ ba, Mitsubishi đã đưa trợ lý giọng nói Alexa lên một số dòng xe.
Honda công bố hợp tác với SoundHound, phát triển trợ lý ảo trên xe có khả năng hiểu được lời nói và cử chỉ của con người.
Hồi đầu năm nay, Tại triển lãm công nghệ CES 2024 diễn ra ở Mỹ, Mercedes-Benz đã chính thức giới thiệu hệ điều hành MB.OS mới, với điểm nhấn được trang bị chức năng trợ lý ảo MBUX Virtual Assistant.
Trợ lý ảo AI này có khả năng giao tiếp tự nhiên như một con người, cung cấp các gợi ý hữu dụng dựa trên những hành vi và ngữ cảnh được học hỏi trong suốt quá trình vận hành. Ví dụ, trợ lý này tự động phát những bản tin mà chủ xe thường quan tâm vào buổi sáng hoặc kích hoạt chế độ massage yêu thích của người lái sau một ngày làm việc.
Ngay trong tháng 6/2024, hãng xe Volkswagen tuyên bố đã đưa ChatGPT vào hệ thống trợ lý ảo IDA của mình, hứa hẹn mang lại trải nghiệm sử dụng xe hơi tiên tiến hơn cho người dùng. Trước mắt, các cuộc trò chuyện tự động và trả lời các câu hỏi sẽ có mặt trên các mẫu xe Golf, Tiguan và Passat. Người dùng có thể kích hoạt ChatGPT bằng cách nói "Hello IDA" hoặc nhấn một nút trên vô-lăng.
ChatGPT có sẵn trên xe Volkswagen sẽ giúp lái xe nhàn rỗi hơn khi chỉ việc giao tiếp bằng giọng nói thay vì gõ chữ trên màn hình. Ví dụ như, lái xe có thể hỏi về các địa điểm du lịch hấp dẫn hoặc kết quả trận đấu của đội bóng yêu thích tối qua, thậm chí là yêu cầu giải một bài toán cho con mình ngay trên xe. Điểm đặc biệt của hệ thống này là cho phép người dùng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, không cần phải máy móc bằng khẩu lệnh.
Tại Việt Nam, hãng xe nội địa Vinfast khi chuyển đổi sang sản xuất ô tô điện từ cuối năm 2021 với mẫu VF e34, đã sớm đưa trợ lý ảo có tên Vivi vào sử dụng. Ưu thế của Vivi là tương tác tiếng Việt, hiểu những ngữ điệu đặc trưng theo giọng nói mỗi vùng miền. Theo công bố của nhà sản xuất, Vivi có khả năng hiểu chính xác đến 98% câu lệnh của người nói.
Những thách thức để phổ cập trợ lý ảo
Có thể thấy, nhờ ứng dụng AI phát triển, các hãng xe đang dần cho thấy trợ lý ảo trên xe thông minh là xu thế của thời đại.
Hiện tại, sự phổ cập của trợ lý ảo AI đang dễ thực hiện trên ô tô chạy điện hơn do loại xe này vốn được coi là phương tiện mang màu sắc công nghệ cao. Đồng thời nguồn tích trữ năng lượng trên xe điện cũng dồi dào đủ để duy trì hoạt động của hệ thống trợ lý ảo một cách thường xuyên.
Tuy nhiên, những chiếc ô tô điện tích hợp nhiều công nghệ nhất thường gắn liền với tầm hoạt động trên 400km và chúng đang bán giá cao hơn so với ô tô động cơ đốt trong, có nghĩa khách hàng bình dân sẽ khó tiếp cận với công cụ trợ lý ảo.
Về lâu dài, nhiều hãng xe đã vạch sẵn lộ trình phổ cập trợ lý ảo AI trên các mẫu ô tô mới. Tuy nhiên, điều này sẽ cần thời gian để hoàn thiện bởi độ thông minh của hệ thống sẽ phụ thuộc vào lượng thông tin dung nạp khổng lồ để tối ưu hóa các thuật toán tinh vi, điều không hề dễ dàng đáp ứng ngay tức thời.
Tuy vậy, khi các trợ lý ảo AI ngày càng thông minh, kiểm soát gần như toàn bộ thông tin về chủ xe và cả cách thức giao tiếp hàng ngày sẽ khiến nhiều người cảm thấy lo lắng sự riêng tư dễ bị đánh cắp nếu sự bảo mật. Đây cũng sẽ là thách thức của các hãng xe trong thời đại công nghệ số.