Ô tô nội cần làm gì khi xóa rào cản thương mại?
Ngành công nghiệp ôtô Việt đang đứng trước 'sân chơi' lớn chưa từng có nhưng cũng đối diện nguy cơ hụt hơi, bị xe nhập khẩu đánh chiếm thị phần.
Ngành công nghiệp ô tô Việt đang đứng trước “sân chơi” lớn chưa từng có nhưng cũng đối diện nguy cơ hụt hơi, bị xe nhập khẩu đánh chiếm thị phần. Theo các chuyên gia, thời điểm này nếu không kịp bứt lên xe nội sẽ khó trụ được với làn sóng nhập khẩu.
Rốt ráo đề xuất giải pháp
Cùng với việc Bộ Tài chính có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành về việc sửa đổi chính sách ưu đãi thuế đối với lĩnh vực ô tô, Bộ Công thương cũng có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thị trường ô tô Việt Nam và đề xuất một số giải pháp.
Theo Bộ này, sau khi Nghị định 116 của Chính phủ có hiệu lực, việc nhập khẩu ô tô chững lại. Nhưng từ tháng 6/2018, nhiều DN đã được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô (46 DN), phía nước ngoài cũng đã cấp VTA (giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu) nên ô tô nhập khẩu tăng rất mạnh. Từ tháng 8/2018 - 6/2019 nhập khẩu ô tô đạt trung bình 12.570 chiếc/tháng, cao hơn mức nhập khẩu trung bình năm 2017 (8.000 chiếc/tháng).
Trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng ô tô nhập khẩu tăng 513% về số lượng và 413,4% về trị giá so với cùng kỳ 2018, gần bằng mức cả năm 2018. Dự báo lượng ô tô nhập khẩu, đặc biệt các loại xe con sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 116 được ban hành, một số nước ASEAN và các thành viên WTO nêu quan ngại về việc Nghị định 116 có thể tạo ra thêm thủ tục và gây cản trở cho các DN trong quá trình xuất khẩu mặt hàng ô tô vào thị trường Việt Nam cũng như vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia (NT). Cụ thể là vấn đề kiểm tra theo lô và giấy chứng nhận VTA trong khi ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không phải đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương đã giải thích quá trình lắp ráp, sản xuất xe ô tô trong nước cũng phải tuân thủ quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng bởi các cơ quan chức năng và từng chiếc xe đều phải tuân thủ quy trình kiểm tra trước khi được lưu thông thị trường, do đó Nghị định 116 không tạo ra phân biệt đối xử giữa ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất trong nước… Do đó, theo Bộ Công thương, để quản lý nhập khẩu ô tô hợp lý, cần duy trì thực hiện Nghị định 116.
Bộ Công thương cũng đề xuất một số giải pháp như: Khuyến khích các DN lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, chú trọng vào nghiên cứu phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành, hỗ trợ tháo gỡ cho các DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng ô tô Việt Nam, kiểm soát chất lượng nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN, đảm bảo đáp ứng các điều kiện hưởng thuế suất 0%.
Về lâu dài, có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các DN trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.
Bộ Công thương cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế như: Hoàn thiện và đơn giản hóa các chính sách, thủ tục về thuế; Điều chỉnh các quy định về thuế và ngân sách; Áp dụng thuế suất 0% đối với máy móc thiết bị, khuôn, đồ gá,... nhập khẩu để tạo tài sản cố định; Điều chỉnh thuế suất về 0% đối với một số cụm chi tiết quan trọng xe ô tô dưới 9 chỗ như động cơ, hộp số;…
Đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ trong nước có quy mô từ 50.000 xe/năm trở lên, có sản phẩm xuất khẩu trong vòng 5 năm, kèm theo dự án nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động cho ô tô, hệ thống điều khiển và phần mềm điều khiển động cơ, ô tô (ECU) được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ như miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp.
Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ DN ô tô và công nghiệp hỗ trợ trở thành các Tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Cơ hội cuối cùng cho công nghiệp ô tô
“
Rất nhiều nhà kinh tế đánh giá ngành công nghiệp ô tô có sức lan tỏa rất rộng, từ ngành cơ khí, cao su, đến cả ngành nhựa… Phát triển công nghiệp ô tô sẽ tạo được thị trường trong nước cho những ngành đó phát triển. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải tìm rất nhiều cách để phát triển ngành ô tô và nhiều nước khác cũng vậy, kể cả những nước đã phát triển mạnh công nghiệp ô tô như Mỹ.
Ông Phan Hoàng Linh, Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương)
”
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, hiện nay đang là thời điểm quan trọng để thúc đẩy hỗ trợ phát triển công nghiệp sản xuất ô tô trong nước bởi chỉ khoảng từ 7 - 10 năm nữa khi các Hiệp định thương mại Việt Nam tham gia có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô từ nhiều thị trường sẽ về 0%. Đến lúc đó xe nội sẽ khó cạnh tranh.
Ông Hiếu cũng cho rằng, để phát triển, Việt Nam cần có những hỗ trợ thiết thực đối với các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, đặc biệt là về vấn đề thuế và phí đối với linh kiện. “Hiện nay, giá thành linh kiện sản xuất tại Việt Nam thường đắt hơn so với nhập khẩu. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để giảm giá thành linh kiện sản xuất trong nước. Công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển thì công nghiệp ô tô Việt Nam mới phát triển”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Hoàng Linh, Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay, việc duy trì Nghị định 116 như hiện nay có ý nghĩa tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng cho tất cả các ngành nghề liên quan đến ô tô có định hướng kinh doanh bởi đây đều là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa sẽ bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc kiểm soát chất lượng đối với cả ô tô nhập khẩu lẫn sản xuất lắp ráp, tạo ra sự minh bạch, công bằng về thị trường cũng như các thủ tục. “Trong Nghị định 116, nhiều người chỉ chú ý đến vấn đề nhập khẩu ô tô nhưng thực ra Nghị định 116 rất công bằng, đề cập đến cả xe nhập khẩu lẫn sản xuất lắp ráp trong nước. Bộ Công thương cũng đã nhiều lần giải thích rõ Nghị định 116 không chỉ quản lý chất lượng xe nhập khẩu mà có những quy định rõ ràng, chặt chẽ quản lý chất lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Linh cho hay.
Về phương án phát triển, hiện tại ngoài những chính sách về điều kiện kinh doanh, kiểm soát chất lượng cũng có những đề xuất về chính sách thuế để tạo điều kiện thêm cho các DN phát triển ô tô trong nước, như: Nghị định 125 sửa đổi, hay đề xuất của Bộ Tài chính hiện nay sẽ được hưởng thêm ưu đãi về thuế thu nhập DN, chính sách mới về thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đang được bàn bạc rất nhiều để làm sao phù hợp nhất với thực tiễn và cam kết quốc tế.