Ở trên trời, đã có ai đó yêu Italy
Rạng sáng 7/7 (giờ Hà Nội), Italy hạ Tây Ban Nha 4-2 ở loạt sút luân lưu để giành vé đầu tiên vào chung kết Euro 2020.
Sau 9 năm, Italy đã vào chung kết của Euro, và điều tuyệt vời nhất họ làm được là đánh bại Tây Ban Nha, đội bóng khiến họ chìm trong đau đớn ở chính trận chung kết Euro 2012, qua rồi những "bóng ma" Tây Ban Nha.
Lại như năm 2008, khi một trận Italy - Tây Ban Nha phải được giải quyết trên chấm luân lưu 11 m. Nhưng London không phải Vienna, sân Wembley không phải Prater và Italy nay khác rồi. Và biết đâu đấy, ở chung kết cũng tại Wembley với những ấn tượng bắt đầu trở nên đẹp đẽ với Italy và đặc biệt chính Roberto Mancini, người từng thua trận ở đây 29 năm trước, ở trên trời, vẫn có ai đó yêu Italy.
Khi con bò tót gục ngã
Chúa sẽ nói tiếng Italy ư, như trận bán kết này? Không ai biết, nhưng bây giờ, niềm hạnh phúc của chiến thắng nghẹt thở trên chấm luân lưu sau 120 phút khó khăn nhất của họ kể từ ngày khai mạc Euro cần được tận hưởng.
Tây Ban Nha đã đánh bại họ trên chấm 11 m mùa hè 2008, đi vào chung kết, giành chiến thắng tiếp và mở ra một thời kỳ huy hoàng cho bóng đá xứ sở bò tót. Ai biết được, điều đẹp đẽ ấy có xảy ra với những người Thiên thanh nếu trận thắng ở bán kết này mở ra những điều tuyệt diệu nhất với họ, như Tây Ban Nha từng tận hưởng trong những năm đã qua?
Nhưng đó là câu chuyện của mấy ngày nữa, mấy tháng nữa, mấy năm nữa, cuộc đời đầy những chữ ngờ và đầy những biến đổi không thể biết trước được, nhưng trong cái đêm đẹp đẽ ở bán kết này, như Andrea Bocelli đã hát trong ngày khai mạc khúc “Nessun dorma" (không ai được ngủ), hàng triệu tifosi yêu Italy bằng cả trái tim cũng không ngủ được. Và họ muốn như thế nữa cả sau trận chung kết. Ở cuối của khúc “Nessun dorma” có câu hát, “vincerò”, nghĩa là “tôi sẽ chiến thắng”.
Nhưng chiến thắng ở trận bán kết chỉ có thể giành được theo một cách đau tim và căng thẳng nhất. Những hoài niệm về Euro 2000 khi Italy cũng phòng ngự chặt chẽ để rồi thắng Hà Lan bằng loạt luân lưu trong trận bán kết năm ấy lại hiện về. Cũng vất vả, cũng nhọc nhằn, cũng có những lúc chao đảo, đều là trước những đối thủ đã xông về phía họ như muốn tiêu diệt trong nháy mắt.
Hà Lan đã phải trả giá vì những quả penalty đá hỏng trong 120 phút và những quả luân lưu tiếp tục hỏng trước đôi tay dài của Francesco Toldo. Tây Ban Nha đã phải trả giá vì những cơ hội mà họ có được trong 120 phút thi đấu, trước một Italy không còn là họ ở 5 trận đấu trước, và rồi lại trả giá tiếp bằng 2 quả luân lưu không thành công, trớ trêu thay, từ 2 cái tên chói sáng bậc nhất của họ.
Dani Olmo, người làm khổ hàng thủ Italy trong cả trận, và Alvaro Morata, người gỡ hòa 1-1 ở phút 80, thắp lên cho Tây Ban Nha những hy vọng chiến thắng. Anh không thắng nổi Gigi Donnarumma, và con bò tót Tây Ban Nha, sau khi quần cho người đấu sĩ mệt lử mà anh ta không chết, đã khuỵu chân xuống và không thể đứng dậy nữa.
Cuộc chiến ở giữa sân và câu chuyện những số 9
Đấy là trận đấu đặc biệt bậc nhất của Euro 2020, giữa hai đội bóng khát khao chiến thắng, khát khao tìm lại những chân trời họ từng chinh phục, khát khao gạt sang bên những ám ảnh quá khứ trong quá trình làm lại.
Và trong 120 phút, Tây Ban Nha chơi đúng là Tây Ban Nha như những trận qua, trong khi Italy không còn là họ như 5 trận toàn thắng trước đó. Ngay cả khi đã lường trước được thế trận này, có lẽ chính HLV Mancini cũng không nghĩ đội bóng của ông có thể trải qua trận đấu khó khăn đến thế, hơn rất nhiều lần trận gặp Bỉ, bởi Bỉ còn để cho Italy đá, nhưng Tây Ban Nha thì không.
Đội bóng của Luis Enrique là một cỗ xe lu ở khu vực giữa sân, với Busquets chỉ huy các đồng đội bằng sự điềm tĩnh và Pedri, mới 18 tuổi, nhưng đã mang trong mình dáng dấp của một Xavi, giúp cho việc đội bóng của xứ sở bò tót kiểm soát trung tuyến một cách dễ dàng.
Không còn những làn sóng tấn công ào ạt như trước, không còn những pha bật tường tanh tách giữa các cầu thủ, không còn một hình ảnh chói sáng rực lửa như chúng ta đã thấy một tháng qua.
Khi không có bóng, Thiên thanh lại là chính họ những năm trước kia, lui về phòng ngự, chờ đợi những cơ hội có thể đến được và rồi lại phung phí những tình huống hiếm hoi ấy ngay tức khắc. Thậm chí, đã có những lúc các tifosi của họ lo lắng một kết cục giống hệt như cách đây 9 năm ở trận chung kết tại Kiev sẽ trở về.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha bây giờ không có ai tên David Silva hay Fernando Torres, những người đã đem đến cho Italy quá nhiều đau khổ trong đêm thảm bại 0-4 ấy ở Kiev, Jordi Alba, người ghi bàn thứ 2 ở trận ấy, chỉ là cái bóng mờ của anh năm 2012.
Họ chỉ có một Oyazarbal vô duyên và một Dani Olmo vẫn còn non kinh nghiệm. Và khi Federico Chiesa sút tung lưới Unai Simon, những người Italy như trút được hàng tấn áp lực đè nặng lên đầu họ, và chiến thắng lẽ ra đã có thể đến trong 90 phút nếu như không có Morata. Người đang ăn lương Juventus ấy đã vào sân và gỡ hòa 1-1 khi trận đấu còn chưa đầy 10 phút, tận dụng khoảng trống hiếm hoi mà anh có được sau pha phối hợp như đá bóng điện tử với Dani Olmo.
Bàn thắng lịch sử bởi nó giúp Morata trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử của đội tuyển Tây Ban Nha ở các giải Euro (6 bàn). Morata đã làm được hơn nhiều Ciro Immobile, một lần nữa chơi nhợt nhạt và buồn tẻ, hơn nhiều Andrea Belotti vào sân sau đó. Nhưng rồi, trong loạt luân lưu…
Vĩ thanh hạnh phúc
Ai đó có thể nói Tây Ban Nha xứng đáng chiến thắng hơn. Nếu Oyazarbal không “chân gỗ”, nếu Olmo hạ được Donnarumma trong hiệp 1, nếu Morata không làm hỏng quả sút luân lưu… Đúng là Italy đã chơi trận dở nhất của mình kể từ đầu giải, đúng là họ đã đánh mất mình khi không thể chơi theo cách họ vẫn làm.
Nhưng giống như một người đấu sĩ bị con bò tót tấn công dữ dội, Italy đã cầm cự tốt, đã đâm một nhát kiếm vào cổ con bò bằng pha ghi bàn quá đẹp của Chiesa, đã chống cự tiếp cho đến loạt luân lưu, và rồi đánh bại con thú đã mệt mỏi bằng thần kinh thép của Donnarumma.
Một chiến thắng đẹp đẽ không phải bởi vì nó cần đẹp về mặt thẩm mỹ, mà nó đẹp theo cách đã xảy ra, thêm cả may mắn theo đúng kiểu người Italy vẫn hay nói khi họ được Chúa thương xót. Nỗi ám ảnh Tây Ban Nha từ 2008 đã qua, nỗi đau đớn thất bại trên chấm luân lưu cách đây 5 năm ở Euro 2016 cũng đã qua, và thầy trò Mancini bước vào trận chung kết đêm chủ nhật này.
Đấy là trận chung kết đầu tiên kể từ Euro 2012, trận chung kết thứ 3 của Italy kể từ năm 2000 và là trận chung kết thứ 4 của họ kể từ năm 1968.
1968 cũng là năm duy nhất mà đội Thiên thanh đăng quang, còn những năm 2000 và 2012 là những trận chung kết đau đớn trước Pháp và Tây Ban Nha, xen lẫn giữa những năm ấy là các thất bại tủi hổ trong những giọt nước mắt của Antonio Cassano ở Euro 2004 và những cái đầu cúi thấp của đội quân Roberto Donadoni ở Euro 2008.
Gạt nước mắt đi, ngẩng cao đầu lên, và trong cái năm đẹp đẽ này của Italy, tái sinh sau đổ nát của 2016 và không được dự World Cup 2018, họ nở nụ cười đi đến chung kết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-tren-troi-da-co-ai-do-yeu-italy-post1235558.html