Ở tuyến đầu của cuộc chiến lạm phát, sự không chắc chắn đang ngự trị
Khi giá bắt đầu tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới khoảng 2 năm trước, từ thường liên quan đến lạm phát nhất là 'nhất thời'. Hiện tại, từ này đang là 'kiên trì'. Điều đó đã được lặp đi lặp lại tại hội nghị thường niên lần thứ 10 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra trong tuần qua ở Sintra, Bồ Đào Nha.
Để chống lạm phát buộc phải giữ lãi suất ở mức cao
Các ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế đã gặp nhau trong tuần này và, giữa những lo ngại về lạm phát dai dẳng, đã tự hỏi về tất cả những điều họ vẫn chưa biết.
Các nhà hoạch định chính sách từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung cùng với các học giả và nhà phân tích để thảo luận về chính sách tiền tệ khi họ cố gắng giảm lạm phát. Họ cùng gửi một thông điệp: Lãi suất sẽ giữ ở mức cao trong một thời gian.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome H. Powell cho biết: “Thật đáng ngạc nhiên là lạm phát lại dai dẳng như vậy”. Còn Christine Lagarde - Chủ tịch ECB, cho rằng: “Chúng ta phải kiên trì như lạm phát đang dai dẳng. Andrew Bailey - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), từ dữ liệu lạm phát mới nhất ở Anh “cho thấy những dấu hiệu rõ ràng về sự kiên trì”.
Mặc dù lạm phát đang chậm lại, áp lực tăng giá trong nước vẫn còn mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu. Ngày 30/6, dữ liệu cho thấy lạm phát trong khu vực đồng Euro giảm xuống còn 5,5%, nhưng lạm phát cơ bản, thước đo mức tăng giá trong nước, lại tăng. Thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách là làm thế nào để đạt được mục tiêu lạm phát 2% mà không lạm phát quá mức và đẩy nền kinh tế của họ vào suy thoái.
"Thật khó để đánh giá khi nào thì đạt được bước ngoặt trong cuộc chiến lạm phát và các nhà hoạch định chính sách đã làm đủ chưa" - Clare Lombardelli - Kinh tế trưởng tại Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế và là cựu cố vấn kinh tế trưởng của Bộ Tài chính Anh, cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa biết. Chúng ta vẫn đang chứng kiến lạm phát cơ bản tăng”.
Quan điểm của các lãnh đạo ngân hàng trung ương được thể hiện tại Sintra bởi Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Trong bài phát biểu của mình, bà Gopinath nói rằng có một “sự thật khó chịu” mà các nhà hoạch định chính sách cần phải nghe. "Lạm phát đang mất quá nhiều thời gian để quay trở lại mục tiêu".
Vì vậy, bà Gopinath cho rằng lãi suất nên ở mức hạn chế nền kinh tế cho đến khi lạm phát cơ bản trên đà đi xuống. Tuy nhiên, bà Gopinath cũng có một thông điệp đáng lo ngại khác muốn chia sẻ: Thế giới có thể sẽ phải đối mặt với nhiều cú sốc hơn, thường xuyên hơn.
Bà nói: “Có một rủi ro đáng kể là những cú sốc nguồn cung dễ biến động hơn trong kỷ nguyên đại dịch sẽ tiếp diễn. Các quốc gia cắt giảm chuỗi cung ứng toàn cầu để chuyển sản xuất về nước, hoặc sang các đối tác thương mại hiện tại sẽ làm tăng chi phí sản xuất. Và, họ sẽ dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc trong tương lai vì hoạt động sản xuất tập trung sẽ khiến họ kém linh hoạt hơn”.
Các ngân hàng trung ương đã không đánh giá đúng về lạm phát
Các cuộc trò chuyện ở Sintra liên tục quay trở lại với tất cả những điều mà các nhà kinh tế học không biết và danh sách này còn dài: Kỳ vọng lạm phát rất khó giải mã; thị trường năng lượng không minh bạch; tốc độ mà chính sách tiền tệ tác động đến nền kinh tế dường như đang chậm lại; có rất ít hướng dẫn về cách mọi người và các công ty sẽ phản ứng với những cú sốc kinh tế lớn liên tiếp.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều sai lầm đáng tiếc về sự thiếu chính xác của các dự báo lạm phát trong quá khứ.
“Hiểu biết của chúng tôi về kỳ vọng lạm phát không chính xác. Lạm phát duy trì ở mức cao càng lâu thì nguy cơ lạm phát ăn sâu vào nền kinh tế càng cao. Vì vậy, thời gian trôi qua không phải là bạn của chúng ta ở đây” - ông Powell nói.
Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy tác động của lãi suất cao sẽ mất nhiều thời gian hơn để cảm nhận được trong nền kinh tế so với trước đây.
Ở Anh, phần lớn các khoản thế chấp có lãi suất cố định trong thời gian ngắn và cứ sau 2 hoặc 5 năm lại được điều chỉnh lại. Một thập kỷ trước, việc có các khoản thế chấp dao động theo lãi suất phổ biến hơn, vì vậy chủ nhà cảm thấy tác động của lãi suất cao hơn ngay lập tức. Vì sự thay đổi này, “lịch sử sẽ không phải là một hướng dẫn tuyệt vời”, ông Bailey nói.
Một thực trạng kém lạc quan khác là giá cả trên thị trường năng lượng. Giá năng lượng bán buôn là động lực đằng sau tỷ lệ lạm phát chung, nhưng sự thay đổi giá nhanh chóng đã khiến dự báo lạm phát không chính xác. Một phiên thảo luận về thị trường năng lượng đã củng cố mối lo ngại của các nhà kinh tế về việc họ được cung cấp thông tin không đầy đủ như thế nào về một vấn đề đang ảnh hưởng nặng nề đến lạm phát, do sự thiếu minh bạch trong ngành. Một biểu đồ về lợi nhuận khổng lồ của các công ty kinh doanh hàng hóa năm ngoái đã khiến nhiều người tại Sintra phải tròn xoe mắt.
Các nhà kinh tế đã viết các mô hình kinh tế mới, cố gắng phản ứng nhanh với thực tế là các ngân hàng trung ương đã liên tục đánh giá thấp lạm phát. Nhưng ở một mức độ nào đó, thiệt hại đã xảy ra trong thực tế và một số nhà hoạch định chính sách ngày càng thiếu tin tưởng vào các dự báo.
Thực tế là các ngân hàng trung ương trong khu vực đồng Euro đã đồng ý “phụ thuộc vào dữ liệu” - đưa ra quyết định chính sách dựa trên dữ liệu có sẵn tại mỗi cuộc họp và không thực hiện các hành động được xác định trước - cho thấy “hiện tại chúng tôi không đủ tin tưởng vào các mô hình để đưa ra quyết định của mình” - Pierre Wunsch, thành viên của Hội đồng quản trị ECB và là người đứng đầu Ngân hàng Trung ương của Bỉ cho biết. “Đó là bởi vì chúng tôi đã bị bất ngờ trong một năm rưỡi” – ông Wunsch nói.
Với tất cả những điều mà các ngân hàng trung ương không biết, tâm trạng chủ đạo tại hội nghị Sintra là cần có lập trường cứng rắn đối với lạm phát, với lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Nhưng, không phải ai cũng đồng ý.
Một số lập luận cho rằng các lần tăng lãi suất trước đây sẽ đủ để giảm lạm phát và việc tăng thêm nữa sẽ gây ra những thiệt hại không cần thiết cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Nhưng, các ngân hàng trung ương có thể cảm thấy buộc phải hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn các cuộc tấn công vào danh tiếng và uy tín của họ, một nhóm thiểu số lên tiếng lập luận.
Erik Nielsen - một nhà kinh tế tại UniCredit, nói về Ngân hàng Trung ương châu Âu: “ Có khả năng là họ đã làm quá nhiều”. Ông nói, điều này có thể xảy ra do niềm tin vào các dự báo đang giảm dần, vốn đang tập trung vào dữ liệu lạm phát trong quá khứ.
“Điều đó giống như đang lái một chiếc ô tô và ai đó đã sơn màn hình phía trước của bạn để bạn không thể nhìn về phía trước” - Nielsen nói. “Bạn chỉ có thể nhìn qua cửa sổ phía sau để xem mức lạm phát tháng trước. Điều đó có thể khiến bạn kết thúc trong mương”.