Ở Việt Nam không ai cấm cản các hoạt động tôn giáo thuần túy
Việt Nam có thể tạo ra 'bức bình phong' để che đậy hoạt động tôn giáo của hơn 27 triệu đồng bào có đạo không? Nếu chỉ sinh hoạt tôn giáo thuần túy thì Nhà nước có cấm cản không?
“Sách trắng về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” đã chính thức ra mắt đầu tháng 3 vừa qua, là một trong những công cụ chuyển tải thông tin chính thống, trung thực tới các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm đến lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo làm cơ sở tham chiếu chứng minh cho nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo tự do tôn giáo.
Tuy nhiên, ngay sau khi “Sách trắng về tôn giáo” ra mắt, một số trang báo điện tử cùng nhiều trang mạng của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã bình luận rằng: việc cho ra đời cuốn sách này là “bức bình phong” nhằm che đậy các vi phạm kéo dài tại Việt Nam, nguyên nhân đã khiến Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tôn giáo!
Xin được thưa rằng, vi phạm kéo dài tại Việt Nam trên lĩnh vực tôn giáo là những vi phạm gì? Việt Nam có thể tạo ra “bức bình phong” để che đậy hoạt động tôn giáo của hơn 27 triệu đồng bào có đạo không? Nếu chỉ sinh hoạt tôn giáo thuần túy thì Nhà nước có cấm cản không?
Hãy nhìn bức tranh tôn giáo ở Việt Nam bằng con mắt khách quan, bằng những câu chuyện thực tiễn.
Hòa thượng Thích Trí Viên - Chủ tịch cộng đồng theo đạo Phật tại Hoa Kỳ là một thuyền nhân. Sang Mỹ, ông có bằng triết học, tôn giáo học và văn minh Trung Hoa. Năm 1996, lần đầu tiên ông trở về quê hương. Từ đó đến nay, ông đã 47 lần trở về Tổ quốc, tham dự rất nhiều sự kiện lớn của Phật giáo trong nước - tôn giáo chiếm số đông ở Việt Nam với hơn 14 triệu tín đồ. Tham dự Đại lễ Phật đản Vesak, Đại hội Phật giáo toàn quốc, thăm các ngôi chùa ở 3 miền, rồi ông trở về Mỹ để nói những điều mình thấy, mình nghe cho các phật tử của mình. Sống dưới hai chế độ, hơn ai hết, Hòa thượng Thích Trí Viên hiểu rõ lịch sử của Phật giáo nước nhà, hiểu được sự chia cắt Bắc - Nam và thật sự hoan hỉ khi Phật giáo thống nhất vào năm 1981.
Tháng 11 năm ngoái, trả lời phóng viên VOV khi về nước tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Hòa thượng Thích Trí Viên nhận xét: “Đối với chính quyền Việt Nam, họ tuyệt đối tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chuyện đó rõ như ban ngày bởi lẽ, các chùa chiền, nhà thờ, thánh thất vẫn tiếp tục được mở đấy thôi, được sinh hoạt bình thường. Chuyện đó cả thế giới đều biết”.
Và cũng chính ông kết luận “Không chỉ Phật giáo, các tôn giáo khác tôi nghĩ cũng như vậy. Nhưng cái gì cũng có 2 chiều, Nhà nước tạo điều kiện như thế thì các tín đồ tôn giáo cũng phải thấy được trách nhiệm của mình”.
Hãy đi để cảm nhận, rồi đưa ra những nhận xét xác đáng.
Mới đây, người viết bài này có dịp đến thăm tỉnh Trà Vinh - nơi có nhiều chùa Khmer nhất vùng ĐBSCL với 143 ngôi chùa. Suốt từ trung tâm thành phố đến các phum, sóc, đâu đâu cũng bắt gặp những ngôi chùa Khmer khang trang, được tu sửa, mở mang, xây mới trên khuôn viên hàng ngàn m2. Những ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer mà còn là nơi gắn kết giữa đạo và đời, là nơi mà các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với người dân nhanh nhất, cũng là nơi thể hiện sinh động chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Hòa thượng Thạch Oai – Phó Chủ tịch thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh không ngại ngần cho biết “Sinh hoạt tôn giáo không có gì bị cản trở cả, được chính quyền địa phương rất quan tâm. Các lễ hội lớn của người Khmer như Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Đôlta, Ok – Om - Bok, chúng tôi được chính quyền đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, được hỗ trợ kinh phí tổ chức…Đó chính là tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Có vấn đề gì khúc mắc thì chúng tôi trao đổi để giải quyết ngay. Chính quyền chỉ yêu cầu hoạt động trong khuôn khổ pháp luật” .
Vâng, chính quyền chỉ yêu cầu các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, tôn trọng pháp luật, bình đẳng như mọi công dân khác.
Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ - 3 địa bàn tập trung đông người dân tộc thiểu số, tôn giáo từng bị lợi dụng để thực hiện mưu đồ ly khai, tự trị, chia cắt đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Các thế lực thù địch muốn thành lập cái gọi là “nhà nước Mông”, “nhà nước Đề ga”, “nhà nước Khmer Krom”… tất cả đều bằng con đường lợi dụng tôn giáo, chính trị hóa tôn giáo. Họ lập nên các hội, nhóm trái pháp luật, mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp và phát triển lực lượng chống đối. Đấu tranh với các hiện tượng lợi dụng tôn giáo để phục vụ cho mưu đồ xấu là việc phải làm và cần làm của bất kỳ chính quyền nào.
Người viết bài cũng đã đặt chân đến cực Tây của Tổ quốc, nơi có những đồng bào Mông theo đạo Tin lành ở Mường Nhé- Điện Biên, rồi lại đến thăm đồng bào Gia Rai, Ê – Đê… theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên. Họ đi lễ nhà thờ, sinh hoạt tôn giáo ở các điểm nhóm được chính quyền cấp phép… Họ có bị cấm cản gì đâu nếu chỉ sinh hoạt tôn giáo thuần túy. Họ được tự do bày tỏ đức tin của mình, theo cách của đồng bào mình. Không ít người trong số họ từng là nạn nhân của những trò lừa phỉnh, dụ dỗ tham gia các hội, nhóm vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của các cuộc chiến tranh. Tôn giáo Việt Nam là một phần của lịch sử, là dòng chảy lặng thầm nhưng cũng không kém phần đa dạng, thậm chí là phức tạp. Vẫn còn rất nhiều thách thức đối với Việt Nam nhằm đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân như hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, trình độ và nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn hạn chế, sự du nhập các tôn giáo ngoại sinh và các giá trị văn hóa nước ngoài trong quá trình toàn cầu hóa, mâu thuẫn nội bộ trong các tổ chức tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam, giải quyết tranh chấp đất đai có nguồn gốc tôn giáo…. Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần thời gian để giải quyết những thách thức đó.
Việc Mỹ đưa Việt Nam vào cái gọi là “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo” hay một số cá nhân phủ nhận việc công bố "Sách trắng về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam" có thực sự dựa trên những đánh giá khách quan, toàn diện hay dựa trên những hiện tượng đơn lẻ, cá biệt, có yếu tố cá nhân? Nếu khảo sát tình hình tôn giáo ở Việt Nam mà chỉ tiếp xúc với các hội nhóm tôn giáo chưa được công nhận, thường xuyên vi phạm pháp luật là không công bằng và đầy thiên kiến. Ngạc nhiên hơn, những kẻ cố tình lợi dụng danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo như đối tượng Lê Tùng Vân tại “Thiền am bên bờ vũ trụ” (còn gọi là Tịnh thất Bồng Lai), tỉnh Long An cũng được phía Mỹ liệt kê vào danh sách cần “quan tâm, bảo vệ”!?
Chính vì mới tiếp cận thông tin của các cá nhân, tín đồ vi phạm pháp luật như trên nên phía Bộ Ngoại giao Mỹ đã vin vào đó để quy kết Việt Nam đang “đàn áp tự do tôn giáo” và cho rằng, việc xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật, phạm tội là “xử lý và đàn áp tôn giáo”. Điều này thể hiện cách nhìn nhận thiếu khách quan và áp đặt tiêu chuẩn tự do tôn giáo của Mỹ đối với Việt Nam.
Thời gian qua, với lý do “bảo vệ tự do tôn giáo”, một số thế lực nước ngoài đã ban hành báo cáo, phúc trình, thậm chí là đạo luật, nghị quyết “lên án” tình hình bảo đảm quyền con người của Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực tôn giáo, từ đó gây sức ép về ngoại giao, đồng thời gắn các vấn đề dân chủ và nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo với các vấn đề về viện trợ kinh tế, đầu tư phát triển nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam… Đó là những hành động thiếu thiện chí, đi ngược lại xu hướng phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Trên tinh thần đối thoại cởi mở, hợp tác song phương, đa phương có hiệu quả với các nước, các tổ chức quốc tế về lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo, Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu ngày càng bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việt Nam cũng sẵn sàng đối thoại về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề còn khác biệt về nhận thức. /.