Ðoàn kết phấn đấu đưa đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ

75 năm qua, mỗi dịp Quốc khánh 2-9 là nhân dân cả nước cùng ôn lại và tự hào về truyền thống hào hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

75 năm qua, mỗi dịp Quốc khánh 2-9 là nhân dân cả nước cùng ôn lại và tự hào về truyền thống hào hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Một dân tộc luôn sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập, vì tự do. Một Ðảng cách mạng ngoài cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc của nhân dân không còn lợi ích nào khác. Ðó là mục tiêu cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn hướng tới. Một trong những truyền thống vẻ vang nhất là tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã đem lại sức mạnh thần kỳ cho đất nước. Ngay từ những ngày đầu thành lập và trong suốt 90 năm lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta luôn ý thức sâu sắc và khẳng định tầm quan trọng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðây không chỉ là đường lối chiến lược, nguồn sức mạnh mà còn là động lực và nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong mọi thời kỳ lịch sử.

Tại Ðại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công", qua đó tiếp tục khẳng định sức mạnh quan trọng và không thể thiếu được của tinh thần đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lời hiệu triệu của Người vang vọng khắp non sông và trở thành kim chỉ nam cho dân tộc ta vượt qua những khó khăn, thách thức, hiểm nguy để vươn lên mạnh mẽ. Chỉ có tinh thần đoàn kết mới có thể đấu tranh và giành thắng lợi.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân cùng cả hệ thống chính trị vững vàng vượt qua phong ba, thác ghềnh, vượt lên mọi thử thách khó khăn để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Những thắng lợi, thành tựu to lớn trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, trong công cuộc đổi mới, chăm lo cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội… đã minh chứng cụ thể và rõ ràng nhận định đó. Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chính sách quan trọng về đại đoàn kết, về công tác dân tộc, về tôn giáo, về người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong những ngày tháng vừa qua, khi đất nước phải đối mặt với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài không ngừng nỗ lực phấn đấu, quyết tâm khắc phục khó khăn, chung sức, đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh hơn nữa các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Chính tinh thần đoàn kết đó cùng những chỉ đạo, quyết định kịp thời, sáng suốt của Ðảng, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, tận tâm của cả hệ thống chính trị… đã làm nên những thành quả quan trọng trong kiềm chế đại dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Quan trọng hơn, hàng triệu người dân luôn thể hiện lòng tin đối với những quyết sách của Ðảng, Nhà nước. Từ đó, mỗi người làm một việc tốt, việc có ích để khắc phục hậu quả của dịch bệnh.

Thực tế cuộc sống, thực tế xã hội hiện nay đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ… đã và đang gây ra những bất bình xã hội, nguy cơ giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, với hệ thống chính trị và con đường phát triển của đất nước. Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng lớn; các thế lực thù địch, các đối tượng núp danh dân chủ, lợi dụng tự do ngôn luận đang tìm mọi cơ hội xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận những thành quả tốt đẹp của đất nước, của nhân dân... cũng đang đe dọa phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa.

Thực trạng nêu trên đòi hỏi chúng ta phải tập trung cao nhất để củng cố vững chắc tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì sự phát triển của đất nước như đã làm được trong 75 năm qua.

Cả hệ thống chính trị, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là các cấp ủy đảng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Ðảng về đại đoàn kết dân tộc và phải chủ động, tích cực áp dụng vào thực tiễn. Một trong những mục tiêu lớn nhất là tôn trọng, quan tâm và giải quyết kịp thời những quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Thắt chặt và mở rộng mối liên kết giữa các cấp ủy, chính quyền với nhân dân để tiếp tục gần dân hơn, hiểu rõ người dân hơn nữa. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để góp phần xây dựng, gắn kết chặt chẽ Ðảng, Nhà nước với nhân dân. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy định số 101-QÐ/TW của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-Qđi/TW của Ban Chấp hành T.Ư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để nhân dân học và noi theo.

Trước tình hình mới của đất nước, hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cần đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, kiên quyết đấu tranh với mặt xấu, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của đất nước, ra sức xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Từ đó, củng cố vững chắc lòng tin vào sự lãnh đạo của Ðảng ta, Nhà nước ta, tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, kết quả mới trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Nhân Dân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/xa-luan/oan-ket-phan-dau-dua-dat-nuoc-tiep-tuc-phat-trien-manh-me-615264/