Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, lực lượng của họ bắt đầu thực hiện cuộc không kích quy mô lớn vào lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng các nhóm dân quân được Tehran hậu thuẫn ở Iraq và Syria lúc 16h ngày 2/2 theo giờ địa phương.
CENTCOM cho hay, chiến dịch không kích có sự tham gia của "rất nhiều máy bay chiến đấu", trong đó có máy bay ném bom tầm xa B-1B xuất kích từ Mỹ và thả hơn 125 quả đạn, tên lửa vào các mục tiêu ở Iraq, Syria.
"Lực lượng quân sự của chúng tôi đã tiến hành các cuộc tấn công vào 7 cơ sở, bao gồm hơn 85 mục tiêu ở Iraq và Syria, mà Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các lực lượng dân quân liên kết sử dụng để tấn công lực lượng Mỹ. Đây mới chỉ là khởi đầu", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay.
Trong cuộc họp báo sau đó, Trung tướng Douglas Sims, lãnh đạo cơ quan tác chiến thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tuyên bố Lầu Năm Góc "thực sự tự tin về độ chính xác" của đòn đánh trên lãnh thổ Iraq và Syria.
"Các dấu hiệu sơ bộ cho thấy chúng tôi đã tấn công chính xác mục tiêu mong muốn. Một số vụ nổ thứ cấp xảy ra ở địa điểm đặt kho đạn và cơ sở hậu cần mà Mỹ nhắm tới", tướng Douglas Sims cho biết.
Trung tướng Douglas Sims cho hay để thực hiện được điều đó, các oanh tạc cơ chiến lược B-1B đã xuất kích từ Mỹ, bay liên tục vượt Đại Tây Dương tới khu vực chiến đấu.
"Tất cả hoạt động này đều được hỗ trợ bởi Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ cùng khả năng tiếp liệu trên không của chúng tôi", tướng Douglas Sims nói.
Giới quan sát nhận định đây có thể mới chỉ là khởi đầu của một chiến dịch tập kích với quy mô lớn hơn nhằm đáp trả vụ tấn công nhằm vào căn cứ quân sự của Washington ở Jordan cuối tháng trước khiến 3 binh sĩ thiệt mạng, hơn 40 người bị thương.
Truyền thông Mỹ đưa tin hai oanh tạc cơ B-1B Lancer tham gia chiến dịch tấn công cùng các tiêm kích Mỹ tại khu vực do Bộ Tư lệnh Trung tâm phụ trách. Hải quân Mỹ không tham gia đợt không kích.
B-1B Lancer là máy bay ném bom hạng nặng được phát triển từ những năm 1970 với mục đích thay thế "pháo đài bay" B52.
Phiên bản B-1A được phát triển vào đầu năm 1970, nó được dự kiến sẽ đạt vận tốc Mach 2 ở độ cao lớn, vì vậy phần vỏ của nó phải làm bằng hợp kim titan, điều này khiến giá thành tăng lên tới 70 triệu USD (tương đương gần 550 triệu USD thời giá hiện tại).
Mặt khác, hợp kim titan khi đó chỉ nằm trong tay Liên Xô, điều này có nghĩa là Mỹ phải phụ thuộc, nếu nổ ra chiến tranh thì Washington sẽ không thể chế tạo tiếp B-1A.
Do vậy, việc sản xuất hàng loạt B-1A đã bị quân đội Mỹ hủy bỏ khi mới chỉ có 4 nguyên mẫu được chế tạo.
Năm 1980 khi chiến tranh Lạnh đạt đỉnh điểm, dự án B-1 một lần nữa được quân đội Mỹ để ý đến do nó được phát hiện có khả năng đánh bom xâm nhập thấp chớp nhoáng.
Do những khó khăn của việc chế tạo B-1A, quân đội Mỹ yêu cầu nhà phát triển sửa đổi thành phiên bản B-1B.
Ở phiên bản B-1B vận tốc tối đa được giảm Mach 1,25, như vậy vấn đề titan và ngân sách đã được giải quyết.
B-1B Lancer đã được phê duyệt và bắt đầu phục vụ trong Không quân Mỹ vào năm 1986. Đây là dòng máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tốc độ cao.
Vào những năm 1990, B-1B Lancer đã được chuyển đổi sang sử dụng ném bom thông thường. Chúng tham chiến lần đầu năm 1998 trong Chiến dịch Cáo sa mạc.
Sau đó, oanh tạc cơ B-1B tiếp tục hỗ trợ quân đội Mỹ và NATO ở Afghanistan và Iraq.
Trong Chiến dịch Cáo sa mạc, máy bay B-1B Lancer đã thả khoảng 40% lượng bom đạn của liên quân do Mỹ đứng đầu.
Theo kế hoạch, B-1B Lancer sẽ tiếp tục là một trong máy bay ném bom chủ chốt của quân đội Mỹ cho đến năm 2040.
Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer có chiều dài 44,5 m, cao 10,4 m, với sải cánh 24 m khi cụp và 42 m khi xòe.
Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực General Electric F101-GE-102 giúp chúng có thể đạt vận tốc 1.335 km/h ở độ cao trên 15.000m.
Đặc biệt máy bay vẫn có thể bay siêu âm với vận tốc 1.100km/h ở tầm thấp chỉ từ 60 tới 152m. Việc bay thấp cho phép tránh được radar thám sát của đối phương. Phạm vi hoạt động của máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer lên tới 12.000 km.
Năm 2014, Lầu Năm góc từng nâng cấp khả năng chiến đấu cho B-1B Lancer bằng cách lắp đặt các màn hình màu đa chức năng, giúp phi công kiểm soát tình huống dễ dàng hơn.
Với khả năng chiến đấu tầm xa, B-1B Lancer có thể thực hiện nhiệm vụ một cách liên tục tới những chiến trường xa căn cứ mà không cần tái nạp nhiên liệu.
B-1B được trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại với máy cảnh báo radar và gây nhiễu AN/ALQ-161A, gồm 8 hệ thống bắn pháo sáng gây nhiễu AN/ALE-49. B-1B còn có hệ thống ngụy trang kéo theo ALE-50.
Sức mạnh của B-1B Lancer nằm ở hệ thống điện tử hiện đại, kết hợp với nước sơn đặc biệt cho độ bộc lộ radar thấp và khả năng phóng tên lửa tầm xa ngoài tầm với của tên lửa phòng không.
Mỹ đã quyết định kéo dài khoang vũ khí bên trong thân máy bay B-1B Lancer từ 4,5 m lên 6,8 m.
Việc kéo dài này kết hợp với giá treo kiểu ổ quay cho khả năng mang theo 24 tên lửa trong khoang, thậm chí lên đến 40 tên lửa với tháp treo mới mà họ đang thiết kế.
Với những nâng cấp mới Mỹ đã làm cho những "pháo đài bay" B-1B Lancer trở thành một trong những thứ vũ khí đáng sợ nhất, và có khả năng tấn công toàn cầu.