Oanh tạc cơ H-6 Trung Quốc một lần nữa được điều động để thị uy ngay khi nhóm nghị sĩ Mỹ tới thăm hòn đảo Đài Loan.
Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông thuộc quân đội Trung Quốc hôm qua 27/11 thông báo triển khai lực lượng không quân và hải quân tiến hành hoạt động trên ở hướng eo biển Đài Loan.
"Đây là hành động cần thiết để đối phó tình hình hiện nay ở khu vực eo biển", thông cáo của lực lượng này cho biết, đồng thời khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và quân đội nước này có nhiệm vụ "bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Tuy nhiên, Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông không cung cấp thông tin chi tiết về đợt "tuần tra sẵn sàng chiến đấu" ở eo biển Đài Loan.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan sau đó cho biết 8 máy bay quân sự Trung Quốc, trong đó có hai oanh tạc cơ chiến lược H-6, đã tiến vào vùng nhận diện phòng không phía tây nam hòn đảo, gần khu vực quần đảo Đông Sa do Đài Bắc kiểm soát.
Đợt tuần tra diễn ra sau khi 5 nghị sĩ Mỹ cùng các trợ lý bất ngờ đến sân bay Tùng Sơn trên đảo Đài Loan bằng vận tải cơ quân sự C-40 đêm 25/11.
"Cam kết của chúng tôi với Đài Loan vững như bàn thạch và kiên định trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên ngày càng củng cố", chủ tịch Ủy ban Cựu chiến binh Hạ viện Mỹ Mark Takano, người dẫn đầu đoàn nghị sĩ, nói trong cuộc gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 27/11.
Nghị sĩ Nancy Mace, một thành viên trong đoàn, cho biết đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã "yêu cầu các nhà lập pháp hủy chuyến thăm".
Khi biết tin. bà Mace cho hay các nghị sĩ không đáp ứng yêu cầu này, sau đó đăng ảnh bà đứng cạnh vận tải cơ không quân Mỹ tại sân bay Tùng Sơn.
Đây là chuyến thăm Đài Loan thứ hai của các nghị sĩ Mỹ trong tháng này, bất chấp phản ứng từ Bắc Kinh. Trung Quốc thường phản đối chuyến thăm của các chính trị gia Mỹ đến Đài Loan, đồng thời cảnh báo Washington không cử quan chức đến thăm hoặc tiếp xúc chính thức với hòn đảo.
Việc triển khai oanh tạc cơ chiến lược H-6 một lần nữa cho thấy động thái cứng rắn của Trung Quốc quanh vấn đề Đài Loan.
H-6K/J/G là phiên bản mới của dòng máy bay ném bom H-6 do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở cải tiến mẫu máy bay ném bom Tu-16 Liên Xô vốn ra đời cách đây khoảng 70 năm.
Những chiếc H-6 cải tiến được nâng cấp với động cơ D-30KP-2 mới từ Nga, cho tải trọng lớn hơn, tầm bay xa hơn so với trước đây.
Bên cạnh đó nó còn được trang bị lại hệ thống thiết bị điện tử bao gồm cả hệ thống radar mới.
H-6K/J/G được xem là “xương sống” và là niềm tự hào của lực lượng không quân Trung Quốc, nó không chỉ có thể mang bom thông thường mà còn có thể mang bom thông minh và tên lửa hành trình.
Mỗi chiếc H-6 phiên bản mới chỉ có thể mang theo 9 tấn vũ khí các loại với tầm bay tác chiến 1.800km và đạt tốc độ hành trình 750km/h
Lượng vũ khí oanh tạc cơ H-6 mang thậm chí còn ít hơn cả chiến đấu cơ F-15E của Mỹ vốn có thể mang theo tới 11 tấn vũ khí.
So với các máy bay ném bom chiến lược trên thế giới như B-52, B-1, B-2 của Mỹ, Tu-95MS, Tu-22M3, Tu-160M2 của Nga, thì H-6 Trung Quốc hoàn toàn lép vế cả về tầm bay, khả năng tải trọng bom đạn cũng như tốc độ bay.
Nổi trội nhất trong số vũ khí mà H-6 phiên bản mới được trang bị là tên lửa hành trình CJ-10. Nó có thể mang theo tới 6 quả tên lửa loại này.
Tên lửa hành trình CJ-10 có tầm bắn 1.500km, được trang bị một đầu đạn thông thường nặng 500kg, hoặc đầu đạn hạt nhân.
Bộ đôi H-6K và CJ-10 dù được đánh giá sẽ giúp Trung Quốc nâng cao đáng kể sức mạnh tác chiến tầm xa.
Tuy nhiên với hệ thống vũ khí Mỹ bao gồm tàu sân bay hạt nhân, tàu đổ bộ mang chiến đấu cơ tàng hình đang triển khai ở gần Trung Quốc, họ có thể tạo ra đòn đánh chặn bất ngờ với lực lượng tác chiến tầm xa của không quân Trung Quốc
Mặt khác năng lực tác chiến của phi công Trung Quốc thua xa Mỹ về khả năng thực chiến, phối hợp hiệp đồng tác chiến, đây là điều khó khăn cho không quân Trung Quốc.
Việt Hùng